Móng Cái- cầu nối thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc

19/03/2023 03:07
Tại Thành phố Móng Cái hiện nay, hoạt động thông quan hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn và có triển vọng ngày càng gia tăng cả về chủng loại, sản phẩm hàng hóa cũng như số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK. Với nhiều điều kiện thuận lợi, Móng Cái trở thành cầu nối thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam (thị trường XK lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; thị trường XK lớn thứ ba đối với nhóm hàng thủy sản, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản). Một số nhóm mặt hàng như thủy sản, trái cây, cà phê của Việt Nam đều năm trong số 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Trung Quốc, nhiều mặt hàng như cá tra, cá basa, cá mực, quả thanh long, quả vải, hạt điều chiếm thị phần gần như tuyệt đối về khối lượng cũng như kim ngạch nhập khẩu. Điều đó cho thấy nhiều sản phẩm, ngành hàng của Việt Nam có thế mạnh khi tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản đã có nhiều tiến bộ, từ trình độ quản lý, năng lực sản xuất, bảo quản, vận chuyển, đáp ứng tốt yêu cầu quy định của các cơ quan chủ quản và thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, được sự quan tâm vào cuộc tích cực của Chính phủ và các Bộ ngành Tư đặc biệt là Bộ NNPTNT đến nay, ngày càng có thêm nhiều sản phẩm nông sản được xuất chính ngạch, từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng của nông sản Việt Nam trên thị trường Trung Quốc.

Hàng hóa XNK thuận lợi qua cầu phao km3+4 Hải Yên 

Đối với Thành phố Móng Cái hiện nay, hoạt động thông quan hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn và có triển vọng ngày càng gia tăng cả về chủng loại, sản phẩm hàng hóa cũng như số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK, trong đó tập trung chủ yếu tại Lối mở cầu phao Km3+4 Hải Yên/Cặp chợ bến biên mậu Đông Hưng, lượng hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua lối thông quan này đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 60%/năm; riêng năm 2021 lượng hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu đạt xấp xỉ 1 triệu tấn, tăng 157% so cùng kỳ năm 2020; 02 tháng đầu năm 2023 đạt 116.275 tấn tăng 122% so cùng kỳ 2022.

Cụ thể hơn, thành phố Móng Cái hội tụ rất nhiều các điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, tiềm năng thế mạnh để tạo nên lợi thế nổi trội, đáp ứng tốt nhu cầu thông quan hàng hóa XNK nói chung và xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc nói riêng. Trong đó:

Về địa lý: Móng Cái là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; là cửa ngõ phía Bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế. Móng Cái là khu kinh tế cửa khẩu có diện tích lớn nhất trong các khu kinh tế của Việt Nam, hội tụ đầy đủ các tiềm năng phát triển độc đáo, khác biệt, đa ngành, tổng hợp mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu.

Hạ tầng giao thông thuận lợi là ưu thế của Móng Cái trong XNK 

Về hạ tầng giao thông: Được đầu tư đồng bộ với đầy đủ 3 phương thức vận tải (đường bộ, đường sông và cảng biển) kết nối với 02 tuyến hành lang kinh tế liên vùng và quốc tế, gồm: Hải Phòng – Hạ Long – Cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) – Cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) – TP Phòng Thành Cảng và Hà Nội – Hạ Long – Cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) – Cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) – TP Phòng Thành Cảng). Thành phố đang tập trung thi công Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành vào Quý IV/2024 sẽ là điểm trung chuyển hàng nông sản từ miền Nam ra Bắc để xuất sang Trung Quốc. Ngoải ra, Thành phố sẽ sớm triển khai một số dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản trên địa bàn như xây dựng Trung tâm giao dịch hàng hóa nông, lâm, thủy sản quốc tế; lắp đặt phòng Lab kiểm nghiệm, kiểm dịch hàng hóa; xây dựng cầu sắt tại Lối mở Km3+4 Hải Yên kết nối với Cặp chợ biên mậu Đông Hưng (Trung Quốc);... Với hệ thống cửa khẩu quốc tế, cảng biển, hệ thống bến cảng thủy nội địa cùng với hệ thống giao thông đường bộ đang dần hoàn thiện kết nối với tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã tạo thuận lợi phát triển các loại hình dịch vụ, đặc biệt là logistics, góp phần kết nối, thúc đẩy chuỗi cung ứng hàng hóa XNK giữa các tỉnh, thành trên cả nước với thị trường Trung Quốc. 

Móng Cái có hệ thống cửa khẩu quốc tế, cảng biển, hệ thống bến cảng thủy nội địa hết sức thuận lợi cho  vận chuyển hàng hóa XNK 

Về cơ chế chính sách: Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái được hưởng chính sách ưu đãi cao nhất của Chính phủ về xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; các thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn đều được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi, tiết giảm tối đa cho doanh nghiệp về thời gian thông quan hàng hóa. Bên cạnh đó, các chính sách đặc thù của Khu mở cửa thí điểm trọng điểm cấp quốc gia Đông Hưng (Trung Quốc) đã và đang ảnh hưởng tích cực đến hoạt động thông quan hàng hóa trên địa bàn Thành phố; đặc biệt việc cho phép loại hình nhập khẩu của cư dân biên giới với chính sách ưu đãi miễn thuế cho lô hàng có giá trị dưới 8.000CNY/ngày – Đây là chính sách rất thuận lợi cho hàng nông sản, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. 

Về hệ thống chính trị: Trong nhiều năm qua, cùng với sự quan tâm, tích cực chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh, Thành phố, các ngành khối cửa khẩu đã và đang tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sâu sát nắm bắt tình hình, nhận diện chính sách biên mậu để kịp thời trao đổi, định hướng doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, hiệu quả; đồng thời góp phần hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, mở rộng thị trường, đối tác, nhanh chóng tham gia thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu ổn định. Đặc biệt tình đoàn kết, hữu nghị sâu sắc giữa Tỉnh Quảng Ninh với Tỉnh Quảng Tây (TQ) nói chung, thành phố Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) trong nhiều năm qua luôn được củng cố, vun đắp - đây là một lợi thế rất lớn cho hai địa phương, chính quyền và các lực lượng chức năng cửa khẩu hai bên thường xuyên trao đổi, hội đàm thống nhất các giải pháp thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên, đồng thời cùng thống nhất tham mưu báo cáo cấp trên hai bên giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.   

Lãnh đạo TP Đông Hưng (Trung Quốc) sang thăm và trao đổi hợp tác đầu tư , thúc đẩy XNK tại Móng Cái (Việt Nam)

Như vậy, đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc qua đường Móng Cái.

Hiện các doanh nghiệp cũng đang chuyển đổi mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách quản lý, quy hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng "chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập"; Tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, công nghệ thông tin, tận dụng tối đa tính ưu việt của các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, đóng gói, vận chuyển xuất khẩu, đẩy nhanh thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu quy định của nước bạn để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. 

Năm 2023, là cột mốc đánh dấu sự phục hồi hoạt động thông quan hàng hóa sau thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản vào thị trường Trung Quốc qua cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) đã và đang có nhiều thuận lợi, cơ hội mới. Tin tưởng rằng, với việc phát huy tiềm năng lợi thế, ưu thế, cộng với sự nỗ lực thay đổi trong đồng hành, phục vụ của các cơ quan quản lý cửa khẩu, hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc sẽ ngày càng khởi sắc, phát triển.

 

Thu Hằng
Trung tâm TTVH
Loading...