"Mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung cấp huyện là hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn"

28/09/2017 13:57
Chiều 27/9, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh (TP Hạ Long), Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định số 44-QĐ/TU (ngày 30/11/2015) của BTV Tỉnh ủy về Đề án “Xây dựng cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện”.

Dự và chỉ đạo hội nghị, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Quang Tùng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương tại Văn bản số 9787-CV/VPTW (ngày 27/02/2015) của Văn phòng Trung ương Đảng về việc đồng ý để Tỉnh ủy Quảng Ninh thí điểm thực hiện việc sử dụng cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo xây dựng Đề án; xin ý kiến của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương, ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương và ban hành Quyết định số 44-QĐ/TU phê duyệt, triển khai thực hiện Đề án. Đến nay, sau 2 năm triển khai, toàn tỉnh có 12/14 huyện, thị xã, thành phố thực hiện và bước đầu có những chuyển biến tích cực, khẳng định đây là hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn.

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến từ các đơn vị, địa phương đang thực hiện Đề án đều khẳng định: Triển khai Đề án đã tăng cường vai trò liên minh chính trị của MTTQ, phát huy sức mạnh tổng hợp, gắn kết các tổ chức trong hệ thống chính trị; thống nhất ý chí, nguyện vọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị vì lợi ích chung. Đồng thời khắc phục tình trạng hành chính hóa, giảm các cuộc họp, các cuộc kiểm tra, giám sát, các công văn, báo cáo; tiết kiệm thời gian, kinh phí và cơ sở vật chất; tập trung hướng về cơ sở để giải quyết khâu yếu, việc khó, địa bàn trọng điểm; xây dựng, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn nhưng đủ mạnh (tinh giản 12,54% biên chế trong 2 năm).

Cùng với đó, đã tạo được môi trường cọ sát, cạnh tranh để rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, cơ cấu lại đội ngũ, gắn với phát huy tối đa sở trường, năng lực sức sáng tạo. Đặc biệt, nhiệm vụ chuyên biệt của từng tổ chức  đã được cả hệ thống quan tâm, chung tay, qua đó góp phần nâng cao vị thế, vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp; mở rộng dân chủ; có điều kiện để đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân hơn; ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng, phát huy được sức mạnh của nhân dân...

a
Các đại biểu trao đổi, thảo luận bên lề hội nghị.

 Chia sẻ kinh nghiệm ở cơ sở, bên cạnh những mặt thuận lợi, các ý kiến cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai Đề án. Cụ thể, đây là mô hình mới nên chưa chuẩn hóa được đầy đủ hệ thống văn bản, quy chế thực hiện; thông tin, báo cáo, đầu mối tiếp nhận chỉ đạo ở cấp xã còn lúng túng. Các chương trình kiểm tra, giám sát còn thiếu sự gắn kết. Các tiêu chí đánh giá chưa kịp đổi mới phù hợp với mô hình mới. Điển hình như cơ chế quản lý, sử dụng biên chế của LĐLĐ vẫn đang độc lập với cấp hành chính; còn rất lúng túng trong khâu tập huấn CB,CC theo hướng gắn kết đầy đủ các chức năng nhiệm vụ của các tổ chức khác nhau; việc phân công và chủ động nhiệm vụ còn thụ động…

Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, điều hành phiên thảo luận.
Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, điều hành phiên thảo luận.

Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, khẳng định: Hiện nay hoạt động của các cơ quan Khối đã thể hiện rõ được sự tập trung, tránh được sự chồng chéo, trùng lắp; bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc chung từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, tạo ra sức mạnh tổng hợp, thống nhất; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có tính chuyên môn hoá cao hơn trong triển khai các hoạt động của cả Khối. Qua đó, tăng cường vai trò liên minh chính trị của MTTQ; nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương và của ngành dọc cấp trên…

Đồng chí cũng nhấn mạnh, đây là mô hình mới chưa có trong thực tiễn, nên việc triển khai không tránh khỏi sự lúng túng, bất cập. Bởi vậy thời gian tới, các đơn vị liên quan cần tiếp tục xem xét điều chỉnh một số chức năng, hoạt động. Cụ thể là làm sao để phân định rõ ràng nhiệm vụ trong từng vai trò công tác; tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hoạt động của các tiểu ban sao cho hiệu quả nhất, trên cơ sở thống nhất gắn kết được với nhau. Tất cả các nội dung công việc đều phải kiểm đếm được cụ thể. Công tác tập huấn phải nghiên cứu điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn nhu cầu…

Liên quan đến đội ngũ CB,CC, đồng chí yêu cầu cơ quan Khối sớm hoàn chỉnh Đề án vị trí việc làm để phân công công việc phù hợp, hài hòa; tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế; cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC; gắn kết hoạt động của các thành viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Thường trực của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội theo hướng “cơ cấu chéo” (một người có thể vừa là phó chủ tịch hội LHPN, vừa có thể đồng thời là Phó Chủ tịch LĐLĐ...).

Đồng chí cũng khuyến khích các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường cơ chế “đặt hàng” để cơ quan Khối thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng ở địa phương; phát huy vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nhân dân. Cơ chế tài chính có sự đổi mới, nhưng phải tuân thủ theo quy định trên cơ sở công bằng, hài hòa lợi ích như nhau…

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Thống nhất với ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đỗ Thị Hoàng, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Cách làm của Quảng Ninh là thống nhất, làm thận trọng không vội vàng chạy theo thành tích mà tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương để thực hiện. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cái gì mới, đột phá bao giờ cũng có nhiều ý kiến, tư tưởng, quan điểm khác nhau, tuy nhiên với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị của tỉnh, nên việc triển khai đến nay đã bước đầu đạt kết quả tốt, khẳng định đây là hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn. Đồng chí đánh giá rất cao các cấp ủy, địa phương trong tỉnh đã trách nhiệm quyết liệt trong triển khai Đề án và có những cách làm riêng sáng tạo, phù hợp nhưng vẫn thể hiện được sự thống nhất chung.

Trên cơ sở vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, những nội dung gì đã triển khai tốt thì tiếp tục thực hiện, những gì chưa làm được hoặc còn bất cập thì tiếp tục tháo gỡ khắc phục dần. Đặc biệt là tiếp tục rà soát, bổ sung quy chế, quy định về tổ chức, bộ máy, biên chế, hoạt động của cơ quan Khối, nhất là về hoạt động của các tiểu ban sao cho tránh trùng chéo, hướng tới hoạt động hiệu quả. Cùng với đó xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tài chính; quản lý sử dụng biên chế… Đồng thời chuẩn bị đủ điều kiện để triển khai mô hình này ở 2 địa phương còn lại là TP Hạ Long và huyện Đầm Hà. Qua đó tạo sự đồng bộ, thống nhất để tỉnh báo cáo xin ý kiến Trung ương mở rộng thí điểm mô hình cơ quan Khối liên thông từ tỉnh đến xã… Đồng chí cũng lưu ý các địa phương, nhất là các đồng chí bí thư, phó bí thư phải thường xuyên quan tâm, chỉ đạo nội dung này, vì đây là vấn đề mới, nếu có khó khăn vướng mắc thì xử lý ngay…

baoquangninh.com.vn
Loading...