Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới:

Mô hình mới, lợi ích nhân đôi

11/12/2017 16:50
Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới (KHTKTXBG) với mô hình “Hai nước một khu, tự do thương mại, vận hành khép kín” là sáng kiến chưa từng có tiền lệ trên thế giới, được Trung Quốc sáng tạo, đề xuất hợp tác với Việt Nam từ năm 2007. Nhìn lại 10 năm triển khai xây dựng, các KHTKTXBG Việt – Trung nói chung và KHTKTXBG Móng Cái - Đông Hưng nói riêng đã bắt đầu có bước tiến triển, tạo cơ hội tốt cho tiến trình thực hiện các mục tiêu KT-XH giữa hai địa phương biên giới và tinh thần hợp tác song phương giữa hai nước.

 

Mô hình quy hoạch Khu KTCK Móng Cái

Cho đến nay, Trung Quốc đang triển khai xây dựng 16 KHTKTXBG với một số nước láng giềng như Việt Nam, Lào, Myanmar, Kazakhstan, Nga. Với Việt Nam, trong khoảng 10 năm qua, mô hình KHTKTXBG đã bước đầu thực hiện phối hợp trong quy hoạch và xây dựng hạ tầng của mỗi bên. Phía Trung Quốc đã phát triển hệ thống đường bộ, đường sắt cao tốc tới các cửa khẩu - nơi xây dựng KHTKTXBG với Việt Nam để sẵn sàng hợp tác, kết nối. Phía Việt Nam, các tuyến đường bộ nối tới các KHTKTXBG nói trên đã và đang từng bước được nâng cấp, hiện đại hóa.

Tại Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 18/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã cho phép thực hiện thí điểm KHTKTXBG Móng Cái và được bố trí xây dựng tại khu vực cầu Bắc Luân II, với diện tích khoảng 1.350 ha. Đây là khu vực giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc, ASEAN - Trung Quốc; phát triển thành đầu mối quan hệ kinh tế đối ngoại, hợp tác hữu nghị trực tiếp giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) dựa trên tiềm năng lợi thế về thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu, du lịch, xúc tiến thương mại, đầu tư; sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm sản, lắp ráp, sản xuất hàng công nghiệp tiêu dùng, phát triển du lịch... Bố trí các khu chức năng chính tại KHTKTXBG Móng Cái gồm: Khu sản xuất, gia công xuất khẩu; Khu mậu dịch qua biên giới; Khu tài chính quốc tế; Khu logistic hiện đại; Khu du lịch qua biên giới; Khu hội chợ triển lãm quốc tế; Các khu chức năng khác; Khu đô thị phụ trợ.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều hạng mục công trình liên quan đến KHTKTXBG ở Móng Cái đã và đang được triển khai như: Cầu Bắc Luân 2, đường dẫn cầu Bắc Luân 2, thành lập Khu kiểm soát liên ngành cửa khẩu Bắc Luân 2 (diện tích 53,26 ha). Đồng thời, các hoạt động thương mại tại địa phương theo đó cũng diễn ra với quy mô lớn hơn. Chỉ riêng trong năm 2017, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố Móng Cái đạt 5.200 triệu USD trong đó; thuế xuất nhập khẩu 447 tỷ đồng. Tổng doanh thu vận tải bốc xếp đạt 600 tỷ đồng. Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 730 nghìn tấn; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 6.550 nghìn lượt người.

Cầu Bắc Luân II - Khu vực xây dựng mô hình KHTKTXBG Móng Cái - Đông Hưng

Tuy nhiên, để hoàn thiện mô hình KHTKTXBG và gỡ “nút thắt” cho cơ chế xây dựng KHTKTXBG Móng Cái – Đông Hưng, thiết nghĩ cần thiết phải tập trung nguồn lực đẩy nhanh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến cao tốc Móng Cái - Vân Đồn; quan tâm đầu tư trung tâm thương mại, siêu thị trong Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đạt tiêu chuẩn xếp hạng; nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ logicstic tại Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái ở một số khâu như nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng; thông tin về thị trường xuất nhập khẩu...

Có thể nói, cùng với thế và lực của Khu KTCK Móng Cái, KHTKTXBG Móng Cái – Đông Hưng được xem là một “Mô hình mới, lợi ích nhân đôi” khi vừa tạo cơ hội mới, tạo điều kiện quan trọng để tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư và vừa tạo sự cần thiết cho tiến trình hội nhập cũng như sự phát triển quan hệ hòa hảo giữa hai địa phương Móng Cái – Đông Hưng; Quảng Ninh – Quảng Tây trong thờ gian tới.

Bá Khang
Trung tâm TT&VH
Loading...