Chung sức xây dựng nông thôn mới: Tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ

Móng Cái: Đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong nuôi tôm công nghiệp

11/10/2016 10:21
Thời gian qua, TP Móng Cái đã đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong nuôi trồng thuỷ sản nói chung, nuôi tôm theo hình thức công nghiệp nói riêng. Đến nay, 11/12 xã, phường có diện tích nuôi tôm tại Móng Cái đã hình thành các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung ứng dụng công nghệ nuôi mới, tiên tiến, cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Cơ sở nuôi tôm của gia đình ông Bùi Ngọc Liêm (khu 9, phường Hải Hoà, TP Móng Cái) vụ nuôi vừa qua cho sản lượng tôm hơn 40 tấn, doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng.
Cơ sở nuôi tôm của gia đình ông Bùi Ngọc Liêm (khu 9, phường Hải Hoà, TP Móng Cái) vụ nuôi vừa qua cho sản lượng tôm hơn 40 tấn, doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng.

Đến thăm cơ sở nuôi tôm của ông Bùi Ngọc Liêm, khu 9, phường Hải Hoà chúng tôi được chứng kiến một khu nuôi tôm công nghiệp với quy mô lớn, công nghệ nuôi tiên tiến. Ông Liêm cho biết: “Hạ tầng khu nuôi tôm rộng 6,5ha của gia đình được đầu tư đến thời điểm này đã lên tới hơn 80 tỷ đồng. Vụ nuôi vừa qua, cơ sở của tôi thả nuôi 3,5ha. Tổng sản lượng tôm nuôi đạt hơn 40 tấn, doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng. Hiện nay, toàn bộ diện tích nuôi tôm của gia đình đều đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chí theo tiêu chuẩn VietGAP”. Cơ sở nuôi tôm của ông Bùi Ngọc Liêm đang áp dụng công nghệ nuôi sử dụng vi sinh BOX - một sản phẩm của Mỹ đang được Hội Nông dân tỉnh triển khai thử nghiệm tại một số cơ sở nuôi tôm. Cùng với đó, toàn bộ ao nuôi của cơ sở đang ứng dụng công nghệ nuôi tuần hoàn nước do Sở KH&CN triển khai, đây là công nghệ nuôi được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Năm 2016, ông Bùi Ngọc Liêm ứng dụng công nghệ nuôi này đối với 3 ao nuôi, mỗi ao có diện tích 5.000m2 và một ao gièo giống diện tích 1.500m2. Với công nghệ này, việc gièo giống chỉ mất thời gian 1 tháng và thời gian nuôi chỉ 2 tháng/vụ. Nước tuần hoàn qua các ao nuôi, ao xử lý nước và thu gom nước thải, hạn chế việc thay nước trong ao nuôi nên một năm người nuôi tôm có thể nuôi từ 3-4 vụ. Với công nghệ nuôi tuần hoàn nước và hệ thống cảnh báo, quan trắc môi trường được lắp đặt tại toàn bộ các ao nuôi, người nuôi tôm có thể kiểm soát được môi trường nước, tình hình dịch bệnh mọi lúc, mọi nơi, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh trong nghề nuôi.

Theo kế hoạch, năm nay TP Móng Cái sẽ thả nuôi 1.900ha thuỷ sản các loại, trong đó diện tích nuôi tôm hơn 1.600ha. Phấn đấu tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 8.300 tấn. Trong 9 tháng năm 2016, sản lượng thuỷ sản của Móng Cái đạt 7.554,8 tấn. Riêng sản lượng tôm nuôi đạt 1.318,6 tấn, đạt 52,8% kế hoạch và tăng 12,4% so với cùng kỳ. Để hạn chế tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản, TP Móng Cái đang phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn về thuỷ sản kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh và tập huấn khoa học kỹ thuật, khuyến cáo người nuôi các biện pháp kỹ thuật cần thiết để phòng chống dịch bệnh. Công tác quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh thuỷ sản được duy trì thường xuyên. Công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh vật tư, thuốc thú y phục vụ cho ngành thuỷ sản được tăng cường, đảm bảo theo đúng quy định.

Hiện nay, 11/12 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung tại Móng Cái, người nuôi tôm đã tự đầu tư xây dựng các hệ thống đường, điện, kênh mương, hệ thống ao, đầm nuôi với một số công nghệ tiên tiến như: Hệ thống bờ, đáy ao lót bạt, ao nuôi có mái che nuôi tôm vụ đông, máy bắn thức ăn, nuôi vi sinh, hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi, nuôi tuần hoàn nước, hệ thống thu gom, xử lý phân tôm... Đặc biệt, Hội Nghề cá TP Móng Cái hiện có hơn 1.000 hội viên. Hàng năm, Hội đều phối hợp với ngành chức năng, các công ty giống, thức ăn tổ chức nhiều cuộc hội thảo về việc sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học và công nghệ nuôi cho hội viên, góp phần nâng cao hiệu quả nghề nuôi tôm cho hội viên. Cùng với đó, những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã liên tục triển khai các mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP tại Móng Cái làm cơ sở để bà con nông dân học tập kinh nghiệm. Các mô hình đã hướng người dân đến một phương thức nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ các quy trình kỹ thuật chặt chẽ từ khâu cải tạo ao, đến lựa chọn con giống, thức ăn và quy trình chăm sóc, hướng tới mục tiêu nuôi an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc, hoá chất.

Hữu Việt
Loading...