Móng Cái: Sự "trỗi dậy" của thành phố vùng biên

23/04/2021 09:45
Có 70km đường biên giới với Trung Quốc, gồm 2 cửa khẩu và 1 lối mở thông quan biên mậu, thành phố Móng Cái có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Những tín hiệu thông quan tích cực ngay đầu năm 2021 cùng các dự án giao thông lớn đang được triển khai, địa phương được dự báo sẽ vươn mình mạnh mẽ trong thời gian tới.

Điểm sáng kinh tế cửa khẩu

Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020, đạt mức tăng trưởng GRDP 10,05%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 6.700 USD/năm. Không chỉ tập trung vào Hạ Long, Uông Bí hay Cẩm Phả, Quảng Ninh hiện đang định hướng phát triển toàn diện trên địa bàn tỉnh theo cả chiều rộng và chiều sâu.

Định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã xác định không gian phát triển: “1 tâm, 2 tuyến đa chiều và 2 mũi đột phá” của tỉnh, trong đó trung tâm là thành phố Hạ Long; tuyến phía tây xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và Hà Nội; tuyến phía đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng Đông Bắc Á nhằm kết nối khu vực quốc tế. Trong đó xác định mũi đột phá là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái ngày càng hiện đại và khang trang.

Hiện nay, bên cạnh Vân Đồn, Móng Cái nổi lên là điểm sáng mới của Quảng Ninh cũng như khu vực Duyên hải Bắc Bộ. Năm 2020, tổng thu ngân sách của Móng Cái đạt 3.415 tỷ đồng, GRDP tăng 12% và tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu đạt trên 138,18 triệu USD. Nhờ thực hiện tốt mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, thời gian qua Móng Cái không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn, đời sống xã hội ổn định, các chỉ số kinh tế tăng trưởng tốt.

Minh chứng là việc thông quan biên mậu quý I/2021 đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo của Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Bắc Luân II và cầu phao Km 3+4 Hải Yên đều tăng cao.

Tính đến 16/03/2021, cửa khẩu cầu Bắc Luân II đã thông quan biên mậu 2 chiều 10.041 phương tiện, tăng 78,15%, đạt 191.417 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng 82,26% so cùng kỳ năm 2020. Cầu phao Km 3+4 Hải Yên đạt 8.700 phương tiện, tăng 224,51% và vận chuyển 232.569 tấn hàng hóa xuất khẩu, tăng tới 301% so với cùng kỳ năm trước.

Các số liệu tăng trưởng ấn tượng về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại Móng Cái cho thấy định hướng phát triển đúng đắn của địa phương, từ đó tạo lực đẩy cho khu kinh tế cửa khẩu nói riêng và kinh tế Quảng Ninh nói chung.

Khi “lộ thông” thì “tài nhập”

Để có được sự “vươn mình” mạnh mẽ đó của Móng Cái, không thể không nhắc tới sự song hành của việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông trên địa bàn.

Tiêu biểu là việc UBND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua xây dựng dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80,23 km với mức đầu tư lên tới 11.195 tỷ đồng. Trong đó, cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên trị giá 3.667 tỷ đồng, có chiều dài 16,08 km được đầu tư bằng nguồn ngân sách của tỉnh và cao tốc Tiên Yên - Móng Cái trị giá 9.032 tỷ đồng, với tổng chiều dài 63,26 km được đầu tư bằng vốn BOT.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được khởi công tháng 4/2019, trục giao thông huyết mạch này sẽ kết nối tuyến cao tốc kéo dài từ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đến Móng Cái (Quảng Ninh), trở thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam. Đây được coi là dự án trọng điểm, được tỉnh Quảng Ninh quan tâm đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo hoàn thành vào năm 2022. Tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa Vân Đồn và Móng Cái từ 2 giờ xuống còn 50 phút, đồng thời thuận lợi kết nối tới tỉnh biên giới Lạng Sơn.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đang được khẩn trương thi công, đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Tuyến đường được kỳ vọng sẽ hoàn thiện “mảnh ghép” cuối cùng để thông suốt tuyến cao tốc Hà Nội - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, tạo hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với thị trường Trung Quốc, từ đó giúp mở rộng giao thương, phát triển du lịch và nâng cao đời sống xã hội.

Dự án đáng chú ý tiếp theo tại Móng Cái là quy hoạch cảng Vạn Ninh với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. Hiện các công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã được hoàn thành. Cảng nước sâu Vạn Ninh được định hướng sẽ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế của tỉnh Quảng Ninh với các nước ASEAN và Đông Bắc Á.

Bên cạnh đó, ngày 16/3/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg đồng ý phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040.
Theo đó, khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái được xây dựng trở thành khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc bộ; vành đai kinh tế ven biển Bắc bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc). Tầm nhìn đến năm 2040, quy mô dân số Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái là khoảng 460.000 - 470.000 người; lượng khách du lịch đạt 8 - 9 triệu lượt/năm; diện tích đất xây dựng khoảng 24.400 - 26.000 ha.

Cùng với đà tăng trưởng của giao thương và hiện đại hóa giao thông, thành phố Móng Cái được dự báo tiếp tục là “mỏ vàng” tiềm năng cho thương mại – du lịch, góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

baoquangninh.com.vn
Loading...