Móng Cái dự họp trực tuyến nghe và cho ý kiến về Đề án xây dựng, phát triển các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2040

12/10/2021 16:03
Sáng 12/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp nghe và cho ý kiến về Đề án xây dựng, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KKT, KCN, CCN) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2040. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị. Dự họp tại điểm cầu TP Móng Cái có đồng chí Hồ Quang Huy, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; đồng chí Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố.

 

Móng Cái dự họp trực tuyến nghe và cho ý kiến về Đề án xây dựng, phát triển các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2040

Sau gần 25 năm xây dựng và phát triển, các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng và thực hiện hiệu quả theo định hướng chung của tỉnh. Quảng Ninh đã thành lập được 5 KKT, 10 KCN và 7 CCN. Thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các KKT, KCN, CCN và các dự án thứ cấp đạt khoảng 7,4 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 85 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 4,18 tỷ đô la Mỹ. Tỷ lệ đóng góp vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các KCN, CCN ước khoảng 37,3%, tăng 36% so với năm 2015. 5 năm qua, các KCN, KTT trên địa bàn tỉnh đã đóng góp từ 3-4% vào tổng thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, các KKT, KCN, CCN phát triển chưa đáp ứng kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có và cũng chưa thu hút được các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, động lực, tạo sức lan tỏa; thiếu nhà đầu tư chiến lược đóng vai trò dẫn dắt và là “cục nam châm lớn” thu hút mạnh các nhà đầu tư vừa và nhỏ. Các dự án FDI vào các KCN, KKT còn hạn chế; ngành nghề thu hút đầu tư mang lại giá trị gia tăng chưa cao. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa nhiều; phát triển kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, công nghiệp chế biến còn chậm; tỷ lệ lấp đầy trong các KCN còn thấp. Một số dự án sử dụng nguồn lao động phổ thông, năng suất không cao. Thiếu một số điều kiện nền tảng để tạo sức cạnh tranh nhân lực vượt trội, đặc biệt là điều kiện sinh sống ổn định cho lao động nhập cư như nhà ở, hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, căn cứ quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhận thức rõ sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về xây dựng và phát triển các KKT, KCN, CCN, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh giao Ban Quản lý KKT Quảng Ninh, Sở Công Thương, Ban Quản lý KKT Vân Đồn phối hợp với các sở, ngành, cơ quan có liên quan tham mưu xây dựng Đề án xây dựng, phát triển các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 định hướng đến năm 2040, cùng sự tham gia tư vấn của Viện Nghiên cứu phát triển bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Đề án được nghiên cứu xây dựng trên cơ sở tiếp cận, phân tích, đánh giá thực trạng kết quả xây dựng và phát triển các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và trong nước về xây dựng, phát triển các KKT, KCN, CCN để đưa ra các bài học cho tỉnh Quảng Ninh. Nội dung của Đề án bám sát mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV…

Đề án chỉ rõ quan điểm phát triển KKT, KCN hiện đại. Trong đó, tận dụng thời cơ, đột phá phát triển KKT, KCN thành động lực chủ yếu để Quảng Ninh tiến vượt, đóng vai trò “cực tăng trưởng mạnh” trong tam giác tăng trưởng Bắc Bộ. Phát triển KKT, KCN theo định hướng hiện đại - công nghiệp cao, sạch, thông minh. Phát triển các KKT, KCN thành những thực thể có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Đề án cũng nêu bật những giải pháp cụ thể gắn với thực tiễn địa phương như: Phát triển KCN Hải Hà thành Trung tâm công nghiệp sản xuất robot và công nghiệp điện tử (định hướng thị trường thế giới); chọn điểm đến quốc tế cho Sân bay Vân Đồn đáp ứng các mục tiêu ưu tiên phát triển của tỉnh và vùng; định hướng lựa chọn thu hút đầu tư và thu hút khách du lịch đẳng cấp; xây dựng chương trình đầu tư xây dựng đô thị vệ tinh KCN; thành lập Trung tâm “Xúc tiến Đầu tư – Săn Đại bàng”...

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Thống nhất các ý kiến trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Đề án xây dựng, phát triển các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết số 01-NQ/TƯ ngày 16/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng chí nhấn mạnh: Các KKT, KCN, CCN đóng vai trò quan trọng, đang từng bước khẳng định là các mũi đột phá, hạt nhân động lực để phát triển KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN trong 10 năm qua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả phát triển KKT, KCN, CCN của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nguồn lực tổng hợp khác biệt. Mô hình hoạt động chủ yếu phát triển theo chiều rộng, thu hút đa ngành, đa lĩnh vực; khả năng thu hút đầu tư còn thấp; hàm lượng công nghệ chưa cao; phát triển KCN, KKT chưa đảm bảo bền vững trên ba khía cạnh: Kinh tế - xã hội và môi trường; công tác giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người lao động trong KCN, KKT chưa có cải thiện nhiều và chậm được khắc phục.

Đồng chí yêu cầu phải thẳng thắn nhìn nhận một trong những nguyên nhân của các tồn tại trên là do khâu tổ chức thực hiện còn yếu, nhất là liên quan tới vai trò của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong khi nguồn nhân lực, hạ tầng xã hội còn những nút thắt cần phải sớm tháo gỡ.

Trên cơ sở các ý kiến tham gia, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cho rằng, nội dung trọng tâm của Đề án là phát triển nhanh, bền vững các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Trong đó, mục tiêu cốt lõi là đổi mới mô hình phát triển KCN, KKT; phát triển theo chiều sâu, thu hút đầu tư có chất lượng và trọng điểm, tạo đột phá phát triển đóng góp vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách, thu hút lao động chất lượng cao, có kỹ năng gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số; nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, hiệu quả sử dụng đất; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; góp phần thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác phát triển...

Đồng chí nhấn mạnh: Quan điểm của Đề án phải nêu rõ phát huy tinh thần tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo và khát vọng vươn lên, tận dụng thời cơ, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững các KCN, KKT trở thành động lực quan trọng để Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững với vai trò là cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc trong trạng thái bình thường mới.

Phát triển KKT, KCN có hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, tổng thể; thuận lợi về kết nối giao thông nội vùng, liên vùng, quốc tế, quản trị hiện đại, thực sự trở thành các trọng điểm thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để tạo đột phá phát triển công nghiệp (ưu tiên công nghiệp chế biến, chế tạo) - du lịch - dịch vụ - kinh tế biển gắn với kinh tế đô thị. Phát triển các KKT, KCN thành những thực thể có năng lực cạnh tranh quốc gia, quốc tế, chú trọng phát triển KCN sinh thái, KCN chuyên sâu, giảm bớt KCN tổng hợp.

Phát triển mô hình KKT - KCN - khu đô thị - dịch vụ - trung tâm logistics tạo thành tổ hợp phát triển hiện đại, công nghệ cao, sạch, thông minh; gắn phát triển KKT, KCN với quá trình đô thị hóa, tăng quy mô và chất lượng dân số, nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và người lao động.

Tăng cường tính liên kết giữa các KKT, KCN của Quảng Ninh và giữa Quảng Ninh với Hải Phòng để hình thành CCN, cụm sản xuất có quy mô lớn trong KCN, KKT. Tập hợp các ngành liên kết, tương hỗ, phục thuộc nhau để tạo nên những sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, nhất là mạng lưới công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Phải thực hiện thành công 3 khâu đột phá chiến lược đã được xác định tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, gắn liền với không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi chính sách pháp luật của chính quyền địa phương.

Trên cơ sở các KKT đã được quy hoạch, cập nhật thêm tình hình mới để định hình, định hướng phát triển cho từng khu KKT, KCN. Cụ thể như: Hướng phát triển KKT cửa khẩu Móng Cái trở thành Khu thương mại trọng điểm hiện đại cấp quốc gia, tổ hợp của khu thương mại trọng điểm, trung tâm logistics (cửa khẩu và cảng biển), KCN công nghệ cao và kinh tế đêm. Xây dựng, phát triển KKT Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực với trọng tâm phát triển là ngành dịch vụ và các ngành sử dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, phát triển ngành nghề mới, công nghệ mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ logistics, du lịch cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại mang tầm quốc tế, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khuc vực. Xây dựng và phát triển KKT Quảng Yên để trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, là hạt nhân mới của tuyến phía Tây, tạo nên một cực tăng trưởng mới ở quy mô lớn, mang tầm đại đô thị. Bên cạnh đó, thực hiện tái cơ cấu một số CCN trên địa bàn.

Trong quá trình xây dựng nghị quyết phải đặc biệt chú trọng đến việc quản lý, sử dụng bền vững, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, trong đó đất đai là chủ yếu; giải quyết bài toán tạo đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo đột phá trong thu hút đầu tư dự án FDI thế hệ mới; đóng góp đột phá tăng trưởng, thu ngân sách, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; đóng góp chính sách, thể chế quốc gia.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, việc phát triển nhanh, bền vững các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh là nội dung rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, không chỉ phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh trước mắt, mà còn mang tính lâu dài. Các cơ quan chuyên môn sớm hoàn thiện Đề án để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu nghị quyết đầu tiên của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, đóng góp vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách của tỉnh, thu hút lao động chất lượng cao, có kỹ năng gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số và tạo đột phá cho các KKT, KCN trở thành động lực quan trọng để Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vai trò của cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc trong trạng thái bình thường mới./.

Vi Thu
Trung tâm TT&VH Móng Cái
Loading...