Móng Cái tham dự Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XII) qua đường truyền trực tuyến

29/06/2018 16:39
Ngày 29/6, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai các Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XII). Từ điểm cầu chính đặt tại phòng họp Diên Hồng, Toà nhà Quốc hội (Hà Nội) hội nghị được truyền trực tuyến tới hàng trăm điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nêu rõ, các Nghị quyết vừa được Ban Chấp hành Trung ương thông qua là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, đề cập tới những vấn đề lớn, hệ trọng, vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững đất nước, tác động to lớn, sâu rộng, trực tiếp đến đời sống, tâm tư của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Do vậy, việc học tập, quán triệt không chỉ để hiểu, nhận thức đúng về Nghị quyết mà còn giúp có thêm kiến thức để làm tốt việc giới thiệu, quán triệt Nghị quyết cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời trực tiếp chỉ đạo triển khai, thực hiện Nghị quyết tại địa phương, đơn vị mình thời gian tới.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thành ủy Móng Cái 

Đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị, ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể nhanh chóng xây dựng kế hoạch, tổ chức học tập, quán triệt tuyên truyền các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, phải coi trọng tính thuyết phục, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ chốt của ban, bộ, ngành liên quan trực tiếp tới ba lĩnh vực: Cán bộ, tiền lương và bảo hiểm xã hội, cần có thêm các hình thức thảo luận, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, phân tích kỹ tình hình, đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, nhận thức sâu sắc, đầy đủ nội dung của từng Nghị quyết. Dành thời gian thỏa đáng để cụ thể hóa Nghị quyết các chương trình, kế hoạch hành động sát hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. Trong đó, cần xác định rõ việc cụ thể, gắn với trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết. Chú trọng phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong tuyên truyền ba Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, trên cơ sở đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, giúp nhân dân hiểu đúng, đầy đủ, cặn kẽ các chủ trương lớn của Đảng, tránh lợi dụng làm ảnh hưởng đến ổn định xã hội.

Đồng chí Phạm Hồng Cẩm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (giữa ) cùng lãnh đạo địa phương dự tại điểm cầu Móng Cái 

Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng lưu ý, trong quá trình tổ chức học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, cấp ủy các cấp cần quan tâm đánh giá, tổng hợp những đề xuất, kiến nghị, kể cả những ý kiến khác nhau trong nhận thức và tổ chức thực hiện Nghị quyết, để có hình thức giải đáp kịp thời và báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Kiên quyết đấu tranh với những ý kiến không mang tính xây dựng, những quan điểm sai trái, thù địch, cản trở việc nghiên cứu, học tập, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các Nghị quyết.

Ngay sau khai mạc, hội nghị đã được nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính giới thiệu chuyên đề Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”. Trong đó, làm rõ tính cấp thiết, tầm quan trọng của Nghị quyết trên cơ sở đánh giá 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Đáng chú ý, trong 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết lần này có nhiều nội dung mới, thể hiện quyết tâm tạo bước đột phá của Trung ương Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược. Trong 9 nhóm giải pháp cụ thể nhằm “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ”, Trung ương xác định đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trung ương cũng sẽ chỉ đạo xây dựng chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và học tập ngoại ngữ; xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài... Đặc biệt, Trung ương sẽ chỉ đạo xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hoá ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ

Đồng chí Phạm Minh Chính cũng khẳng định: Thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp, Trung ương xác định 2 trọng tâm và 5 đột phá. Trong đó, Trung ương quyết tâm kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời, chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền, thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương ở những nơi đủ điều kiện, cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc...

Chiều cùng ngày, hội nghị đã nghe đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 28-NQ/TW “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”; đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW “Về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Thu Hằng
Trung tâm TTVH
Loading...