Thời gian qua, TP Móng Cái đã tích cực triển khai nhiều giải pháp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh “sáng-xanh-sạch đẹp”. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và chỉ đạo việc xây dựng nông thôn mới “từ nhà ra ngõ”, “từ thôn lên xã, lên thành phố”; đồng thời xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong việc bàn và quyết định các nội dung nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng lợi”.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các ban xây dựng đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp, xác định các nội dung tuyên truyền phù hợp với điều kiện đặc thù vùng miền để người dân hiểu đầy đủ quan điểm của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của người dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Giai đoạn 2019 – 2024, Mặt trận Tổ quốc các cấp Thành phố và các tổ chức thành viên đã tổ chức phát động và triển khai hiệu quả 5 nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào thi đua “Quảng Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”, xây dựng “xã, phường, thị trấn văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước với nhiều cách làm sáng tạo, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, phát huy hiệu quả nguồn lực trong xã hội. Trong đó nhân dân đã đóng góp trên 25,5 tỷ đồng và 18.300 ngày công lao động, 21.648 m2 tường rào, vật liệu xây dựng; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Trên địa bàn thành phố, các xã phường từ nông thôn đến thành thị tích cực duy trì việc chỉnh trang, vệ sinh môi trường thường xuyên. Gắn với đó là nghiêm túc xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, hành vi gây ô nhiễm môi trường. Chỉ tính riêng từ ngày 16/9 đến 29/9, các đơn vị, xã phường trên địa bàn thành phố đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường 12 trường hợp với tổng số tiền trên 20 triệu đồng.
Thành phố cũng ưu tiên tập trung đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm, bố trí nguồn vốn đầu tư cho các dự án, công trình thực sự cần thiết, cấp bách về giáo dục, y tế, nước sạch, xử lý nước thải, thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ; các công trình giao thông chiến lược kết nối liên vùng, liên xã có tác động lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực phát triển. Trong đó huy động và đa dạng hoá các nguồn lực để triển khai thực hiện chương trình gắn với nông thôn mới, chương trình tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.
Hình thành một số vùng nuôi tôm tập trung được đầu tư đồng bộ, áp dụng công nghệ tiên tiến; kinh tế trang trại phát triển, một số mô hình sản xuất quy mô lớn (trồng ớt, khoai lang tại Hải Đông), bước đầu triển khai trồng cây dược liệu (tại Hải Sơn, Bắc Sơn), vận động thay đổi tư duy phát triển kinh tế; chủ động khai thác lợi thế về cảnh quan, khí hậu, đặc trưng vùng miền để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng...tại các xã vùng miền núi, hải đảo góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Diện mạo các xã nông thôn của Thành phố có bước thay đổi nhanh, hình thành một số thôn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao. Đến nay Thành phố có 09/09 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ đạt 100%); 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí giai đoạn (2021-2025); 42 sản phẩm OCOP, trong đó, có 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao cấp Tỉnh; đặc biệt có 3 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: Tôm thẻ chân trắng, Ghẹ Trà Cổ, Lợn Móng Cái.
Năm 2024, kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM của Thành phố được bố trí nguồn vốn khoảng 262 tỷ đồng, gồm ngân sách hỗ trợ trực tiếp NTM là139,9 tỷ đồng, vốn lồng ghép, huy động gần 4,5 tỷ đồng. Vốn tín dụng 43,347 tỷ đồng, vốn Doanh nghiệp HTX 41,2 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp là 33,77 tỷ đồng.
Hiện TP Móng Cái đang tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; trong đó cơ cấu kinh tế của thành phố đang chuyển dịch đúng hướng. Đến nay, ngành thương mại, dịch vụ chiếm 56%, ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 36% và ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 8%;
Trong thời gian tới, TP Móng Cái nỗ lực giải pháp nhằm xây dựng hạ tầng thông tin, truyền thông hướng tới chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, nâng cấp đô thị xanh - sạch - đẹp, đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên địa bàn các xã miền núi, hải đảo (Hải Sơn, Bắc Sơn, Vĩnh Thực, Vĩnh Trung) và 3 xã lên phường (Hải Xuân, Hải Tiến, Hải Đông) gắn với mục tiêu xây dựng thành phố Móng Cái trở thành đô thị loại I trước năm 2030./.