Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Nắm quyền dân chủ, chọn người xứng đáng

12/05/2021 14:36
Ngày 23.5 tới, toàn thể công dân Việt Nam sẽ đi bỏ phiếu bầu cử theo phương thức phổ thông đầu phiếu và thật sự dân chủ để lựa chọn ra được những đại biểu xứng đáng đại diện cho Nhân dân tham gia Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đó là ngày Nhân dân ta tiếp tục “vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”, nắm quyền dân chủ để lựa chọn ra những người đại diện, thay mặt mình vận hành quốc gia một cách thống nhất, toàn vẹn.

Tranh cổ động của Trịnh Bá Quát - Hà Nội

Phẩm giá của người đại diện vì Nhân dân

Kể từ ngày 6.1.1946, Nhân dân ta đã thực hiện quyền làm chủ, bầu ra 14 khóa Quốc hội và nhiều khóa HĐND các cấp. Trong suốt 76 năm qua, với chính thể nước Việt Nam mới, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Đó là sự thật không ai có thể chối cãi hay bất cứ lực lượng nào có thể xuyên tạc được!

Trong tầm nhìn năm 2045, Việt Nam hướng tới trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trước mắt đến năm 2030 phấn đấu là nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao, trên nền móng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới, với tổng thể chiến lược phát triển đất nước: đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển nhanh và bền vững; phát triển kinh tế, xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên, thì sự xác quyết của Nhân dân trong việc bầu ra Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp càng có ý nghĩa trọng đại.

Bởi đây là sự nối tiếp vẻ vang truyền thống nghìn năm anh hùng và văn hiến của dân tộc, phát triển trên tầm cao mới của 76 năm chính thể nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; kết tinh tầm vóc và sức mạnh của 35 năm đổi mới: Tất cả phải lấy dân là gốc, Nhân dân là trung tâm, là chủ thể, là cội nguồn sức mạnh trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà Quốc hội và HĐND là sự kết tinh trí tuệ, khát vọng của Nhân dân. Nói khái lược, Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 phải đáp lại sự đòi hỏi của quốc dân, sự phát triển của đất nước dưới ngọn cờ của Đảng ta và phù hợp với xu thế vận động, phát triển của thế giới hiện nay.  

Vì thế, hơn lúc nào hết, người đại diện cho dân cần hội tụ, tỏa sáng tư cách, phẩm giá của người đại biểu của dân, do dân và vì dân. Trước hết, phải là người vừa “hồng” vừa “chuyên”, có đạo đức cách mạng, có tinh thần anh dũng, gương mẫu, chịu đựng gian khổ, hy sinh và có năng lực thực thi nhiệm vụ được giao, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Và sau hết, phải có dũng khí, độc lập và phản biện. Bởi không có dũng khí sẽ dễ rơi vào vị kỷ, quẩn quanh và hẹp hòi trong lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mà lẩn tránh lợi ích cộng đồng, lợi ích Nhân dân và lợi ích quốc gia, không thể đại diện cho Nhân dân. Không có sự độc lập sẽ dễ rơi vào a dua hoặc rập khuôn. Không tranh luận, phản biện sẽ có nguy cơ rơi vào dân túy hoặc xuôi chiều. Như thế, vị thế và tư cách người đại biểu - người đại diện, sức mạnh và uy tín trước sứ mệnh quốc dân giao phó - sẽ không còn. Do đó, tư cách người đại biểu phải thực sự mang tầm nhìn, trí tuệ và hành động sáng tạo một cách đầy dũng khí vươn tới và trở thành người đại diện của Nhân dân trong thực tiễn. Đó là phẩm hạnh chính trị và đạo đức trước tiên của người đại biểu.

Tự mình noi gương Nhân dân

Mỗi đại biểu dân cử cần có phong cách cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo. Để có tri thức khoa học, phải học tập thật sự, nghiên cứu thật sự để nâng cao trình độ về chính trị, về chuyên môn, văn hóa chính trị, kỹ năng nghị trường. Nếu không có bản lĩnh đó, khi gặp thuận lợi dễ lạc quan, lúc gặp khó khăn dễ lúng túng, bị động, dẫn đến bi quan hoặc dao động, không thể quyết sách đúng và trúng; càng khó nâng cao tính khách quan, minh bạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, nhất là giám sát chặt chẽ việc sử dụng tài sản của Nhà nước, của Nhân dân, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả…

Dù tiếp xúc cử tri trước bầu cử hay sau khi là đại biểu của Nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải trau rèn phong cách dân chủ nhưng quyết đoán. Đó là thước đo danh dự và uy tín của mỗi người. Nghĩa là, phải không ngừng chủ động một mặt “gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp xếp nó thành những ý kiến có tính hệ thống”; mặt khác, “rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, làm nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó”. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu dựa vào Nhân dân để giám sát, kiểm tra, nhằm loại trừ các hành vi trục lợi, tham ô, biến của công thành của riêng…

Các đại biểu Quốc hội, HĐND phải sống trong Nhân dân, cầu thị lắng nghe Nhân dân và phụng sự Nhân dân.  “dân là gốc”, “dân là chủ”, “dân làm chủ”. Trong trời đất, không gì quý bằng Nhân dân; trong nước Việt Nam độc lập, tự do và dân chủ thì địa vị cao nhất là Nhân dân, lực lượng Nhân dân là mạnh nhất; phát huy dân chủ là phát huy tài dân, sức dân và lòng dân kiến thiết, giữ gìn quốc gia. Muốn vậy, phải thành tâm nghe dân, gặp dân, hỏi dân, hiểu dân, học dân, hết sức làm lợi cho dân và bảo vệ Nhân dân. Vì, Đảng ta và Nhà nước ta sinh ra “quyết không có lợi ích nào khác” ngoài lợi ích “phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”. Vì, “không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày thay đổi mới, Nhân dân càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp Nhân dân”, “xứng đáng là “đứa con nòi của giai cấp lao động” như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi.

Cần nhớ, nếu “không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”; “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ… biết học hỏi quần chúng”. “Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay”. Và, càng phải nhớ, “đối với dân ta đừng có làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”. Và, chúng ta phải tự mình trong sạch, tự mình liêm chính, tự mình noi gương Nhân dân. Nhưng cũng cần nhớ rằng, ai nhân danh Nhân dân để mị dân, lôi kéo dân, thậm chí kích động Nhân dân, gây rối xã hội để cốt mưu lợi ích cho mình, cho phe nhóm mình… thì chính là dân túy, là cơ hội nhất định phải bị lên án và kiên quyết tẩy trừ. Đó chính là trò mạo dân, đánh cắp lòng tin chân chính và trong sáng của Nhân dân, dứt khoát phải bị nghiêm khắc xử lý.  

TS Nhị Lê - Nguyên PhóTổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Tạp chí Cộng sản
Loading...