Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng khó

31/10/2024 23:51
TP Móng Cái thời gian qua luôn chú trọng đến công tác phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các xã miền núi, hải đạo; trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó Thành phố cũng quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS và người công tác tại vùng đồng bào DTTS đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

 

Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS và người công tác tại vùng đồng bào DTTS 

Những năm qua, TP Móng Cái đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với tạo việc làm theo nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp; nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý các Chương trình, triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, công tác dân tộc. 

Thành phố đặt ra mục tiêu nguồn nhân lực phải đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố. Đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với xu hướng hội nhập quốc tế. Đến nay cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch đúng hướng; trong đó ngành thương mại, dịch vụ chiến 56%, ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 36% và ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 8%.

Trong giai đoạn từ 2021-2023, số trường được kiên cố hóa trên địa bàn 5 xã khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa, hải đảo gồm Quảng Nghĩa, Hải Sơn, Bắc Sơn, Vĩnh Thực, Vĩnh Trung là 12/12 trường, đạt 100%. Công tác huy động xã hội hóa giáo dục được triển khai đúng quy định, đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Trong năm học 2022-2023, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các bậc phụ huynh trên địa bàn đã hỗ trợ hơn 120 triệu đồng để sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, tặng quà, học bổng và tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa cho học sinh các trường trên địa bàn 5 xã. 

Tuyên truyền, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn xã Hải Sơn ( Ảnh: Phùn Kỳ)
Khai giảng lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại xã Vĩnh Thực

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được Thành phố quan tâm, chú trọng. Hàng năm, Thành phố đều ban hành kế hoạch, đăng ký nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để cử cán bộ viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức an ninh quốc phòng. Đồng thời khuyến khích các đơn vị tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức chủ động đi học nhằm đạt chuẩn và nâng chuẩn về trình độ chuyên môn. Qua đó giúp nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong giai đoạn hiện nay. 

Thành phố cũng đã triển khai thực hiện tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho 564/564 (đạt 100%) học sinh tại 5 xã vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Năm 2021 có 29/172 (đạt 16,8%) học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở được phân luồng vào học nghề, vừa học văn hóa vừa học nghề; năm 2022 có 35/204 học sinh đạt 17,1%, năm 2023 là 24/105 học sinh đạt 22,8%; phấn đấu năm 2024 đạt 30%, đạt tiêu chí của chương trình đề ra.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tính chủ động của người lao động trong quá trình tìm việc làm và chuyển đổi nghề được quan tâm thực hiện. Gắn với đó, các cơ sở giáo dục đều xây dựng chương trình và nội dung học tập thiết thực cho từng nhóm đối tượng; tăng cường liên kết trong việc chuyển giao - tiếp nhận tri thức, kỹ thuật, sử dụng lao động qua đào tạo, tiêu thụ sản phẩm của lao động trong và sau khi đào tạo nghề; trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.

Từ năm 2021, Thành phố đã hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 490 lao động, trong đó có 162 người là lao động thuộc các xã Hải Sơn, Bắc Sơn, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Quảng Nghĩa. Một số ngành tiêu biểu như: kỹ thuật chế biến món ăn; điều khiển phương tiện thủy nội địa; kỹ thuật nuôi, phòng trừ bệnh cho lợn; trồng cây lâm nghiệp; kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả. 

Định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh THPT được thực hiện tốt, từ 2021 đến nay đã có 26 học sinh sau tốt nghiệp THPT tham gia vừa học văn hoá vừa học nghề trình độ Trung cấp. Năm 2021 chỉ có 15/192 học sinh đạt 7,8%; năm 2022 có 11/204 học sinh đạt 5,4%; năm 2023 có 24/105 đạt 22,8%.

Đào tạo nghề cho học sinh

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có đội ngũ lãnh đạo quản lý là người DTTS, cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đào, Thành ủy, UBND Thành phố ban hành, triển khai Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức quốc phòng và an ninh; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm. 

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với đội ngũ cán bộ, công chức công tác tại các xã vùng đồng bào DTTS, bảo đảm bố trí, sắp xếp hợp lý và nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ, công chức. Hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu công tác trong giai đoạn hiện nay. Đến nay 100% các xã có cán bộ chủ chốt là công chức thành phố hoặc cán bộ các phường. 

TP Móng Cái phấn đấu, đến năm 2025, tỷ lệ lao động trong độ tuổi được qua đào tạo nghề đạt 87,5%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52%; 100% học sinh vùng đồng bào DTTS được định hướng nghề nghiệp, phấn đấu 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở được phân luồng vào học nghề, vừa học văn hóa vừa học nghề.

Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt là khu vực vùng nông thôn, miền núi, hải đảo góp phần đưa TP Móng Cái hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách vùng miền, đảm bảo mục tiêu xây dựng TP Móng Cái sớm trở thành đô thị loại I hiện đại, văn minh.  

 

Hải Ninh
Trung tâm TT&VH Móng Cái
Loading...