Nâng cao công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em

17/04/2024 08:54
Mùa hè đến là thời gian các em được nghỉ hè, nghỉ lễ, tham quan, du lịch cũng là khi thời tiết xuất hiện nhiều mưa lũ. Vì vậy các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến tai nạn thương tích trong dịp nghỉ hè của con em mình, đặc biệt công tác phòng chống đuối nước để các cháu có kỳ nghỉ hè thực sự an toàn và bổ ích.

 

Hàng năm ở nước ta có rất nhiều tai nạn đuối nước xảy ra, đã cướp đi nhiều sinh mạng, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở lứa tuổi thiếu nhi là nhiều nhất, ngoài ra, còn xảy ra một số vụ đuối nước mà nạn nhân là người lớn. Điều đáng nói là trong số các nạn nhân bị đuối nước, có nạn nhân không biết bơi, có nạn nhân biết bơi, thậm chí bơi giỏi. Tất cả các vụ đuối nước đều rất thương tâm, để lại nỗi đau cho gia đình và xã hội.

Thời điểm xảy ra tai nạn đuối nước là vào  các dịp lễ, tết, nhất là vào kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình, cơ quan, trường học sẽ tổ chức cho các bạn học sinh đi nghỉ mát, tắm biển. Đặc biệt, vào mùa hè, lượng người cả người lớn và trẻ em tắm mát ở sông, suối, ao hồ khá phổ biến. Móng Cái là thành phố có nhiều sông suối, ao hồ, kênh mương nước và gần biển tiềm ẩn nguy cơ gây đuối nước và có thể xảy ra bất cứ nơi nào, với bất kỳ ai.

Một số điểm cần lưu ý về tai nạn đuối nước

Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ... mà còn có thể xảy ra ở ngay tại nhà, nơi làm việc, nhà trường, nhà trẻ ..vv. Vì thế  tất cả moi người phải hết sức cẩn thận, không được chủ quan, lơ là và phải nắm vững kĩ năng xử trí tai nạn đuối nước.

Nguyên nhân đuối nước hay xảy ra đối với trẻ lớn tuổi do bản tính hiếu động, tò mò; đối với trẻ nhỏ do tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình. Ngoài ra, môi trường sống chung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước... không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước sâu. Đối với người lớn, tai nạn đuối nước thường xảy ra ở những nơi nước chảy xiết, nước sâu, không có rào chắn, không có bậc lên xuống.

Hơn nữa, tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá tràn lan, sự vô ý thức của con người... đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu… không có hàng rào, không có biển cảnh báo nguy hiểm cũng là những nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước.  

Tai nạn do đuối nước có thể xảy ra trong các trường hợp: ngạt nước, những người không biết bơi ngã xuống nước, hoặc trẻ em ngã cắm đầu vào chậu nước hay bồn tắm;  ngất đột ngột khi vừa tiếp xúc với nước; lặn sâu dưới nước khi hết hơi không ngoi lên kịp bị ngạt; bơi quá mệt, cơ thể mất nhiệt do nước lạnh, bị chuột rút  rồi ngất đi… Như vậy, tai nạn đuối nước xảy ra đối với cả người biết bơi và cả người không biết bơi.

Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước. 
Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao có buộc dây thừng... và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn. Có thể ném một sợi dây dai, chắc... từ bờ để nạn nhân túm lấy được dây thừng và kéo nạn nhân vào bờ, hoặc cùng với mọi người vớt nạn nhân lên…

Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn nhân tấm khăn khô. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước…

Một số cách phòng tránh tai nạn đuối nước: Không được phép bơi khi chưa xin phép bố mẹ; Không chơi ở những nơi gần sông, hồ… khi không có người lớn; không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn; Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi & cứu đuối; Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa; Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm; Phải khởi động trước khi xuống nước; Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước; Không dùng các phao bơm hơi; Không đi tắm bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi,kèm; Cần thực hiện nghiêm túc về an toàn giao thông đường thủy như: An toàn về phương tiện, có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, chở đúng số người quy định.

Đối với trẻ lớn và người lớn: Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không; Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền; Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước; Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.

Đối với trẻ nhỏ: Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu, chơi bài…Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.

Nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào. Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).

 TP Móng Cái tăng cường công tác phòng chống đuối nước 

Trước yêu cầu thực tiễn, TP Móng Cái yêu cầu các cơ quan, đơn vị, xã phường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn, điểm đen gây tai nạn thương tích, đuối nước để trẻ em và người dân phòng tránh. Tuyên truyền về các biện pháp, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho trẻ em khi gặp tình huống tai nạn, đuối nước.

Hướng dẫn các cơ sở giáo dục lồng ghép việc phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước vào chương trình giáo dục thể chất, giáo dục ngoại khoá trong nhà trường cho toàn thể giáo viên, nhân viên, học sinh.

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, nhân viên về việc tuân thủ các quy định an toàn, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, đơn vị và các cơ quan, đoàn thể. Thường xuyên cảnh báo, nhắc nhở học sinh về nguy cơ tai nạn thương tích, tập huấn kiến thức cho học sinh nhất là khi vào hè; thường xuyên đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng của đội ngũ tuyên tuyên truyền viên măng non, giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích.

Ủy ban MTTQ và các đoàn thể CT-XH Thành phố, các xã phường tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; tích cực tham gia phòng ngừa tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước, gắn với cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 

Để góp phần phòng chống nguy cơ đuối nước cho trẻ em và nâng cao chất lượng công tác bảo vệ trẻ em. Bên cạnh sự quan tâm vào cuộc và chăm lo của cấp ủy - chính quyền các cấp, nhà trường và xã hội thì vai trò, trách nhiệm của gia đình là quan trọng hàng đầu trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục và giám sát phòng chống đuối nước đảm bảo an toàn cho con em mình bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả.

 

 

Hải Ninh
Trung tâm TT&VH Móng Cái
Loading...