Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong kinh doanh du lịch

05/06/2017 08:57
Những năm qua, du lịch Quảng Ninh đã có sự phát triển nhanh, trở thành một trong những điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Ngành Du lịch đã tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động du lịch còn có một số hạn chế, tồn tại như: Mức đóng góp vào GRDP của tỉnh từ hoạt động du lịch còn khiêm tốn; môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh các tiêu cực... Để khắc phục hạn chế, đưa ngành Du lịch ngày càng phát triển, tỉnh đã không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch
Đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo TP Hạ Long, các sở, ngành liên quan kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức chương trình “Rực rỡ Hạ Long 2017”, ngày 25-4.
Đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo TP Hạ Long, các sở, ngành liên quan kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức chương trình “Rực rỡ Hạ Long 2017”, ngày 25-4.

Thúc đẩy sự phát triển của du lịch

Du lịch được Quảng Ninh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, là giải pháp hữu hiệu để có thể thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Chính vì thế, công tác quản lý nhà nước về du lịch đã được tỉnh thường xuyên tăng cường và không ngừng đổi mới. Đặc biệt là công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, ban hành các chính sách quản lý, các quy chế, kế hoạch, đề án; nhận thức của nhân dân, doanh nghiệp và các cấp, các ngành, địa phương về du lịch đã có những thay đổi, chuyển biến và tác động rất mạnh mẽ đến hoạt động du lịch. Cụ thể, tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó đặc biệt quan tâm đến các nội dung và 56 giải pháp, dự án thành phần để thúc đẩy phát triển du lịch; đa dạng hoá các nguồn lực, đồng thời tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch: Khu kinh tế Vân Đồn, TP Hạ Long, Móng Cái... Mặt khác, tỉnh cũng giao các ngành, địa phương đề xuất những ý tưởng mang tính đột phá, đặc biệt là các giải pháp về quản lý, công tác xây dựng chính sách, giao trách nhiệm, kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện và uỷ quyền, phân cấp... Được tỉnh quan tâm chỉ đạo, các địa phương đã chủ động phát huy nội lực, tổ chức thực hiện kịp thời, bám sát thực tiễn, qua đó đã phát huy hiệu quả, tích cực trong công tác quản lý nhà nước, điển hình như: Công tác quản lý nhà nước về du lịch trên Vịnh Hạ Long, công tác quản lý khách du lịch lữ hành qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, công tác quản lý cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch... Cùng với đó, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng đã chủ động ban hành các kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện các quy hoạch và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư các dự án để phát triển du lịch. Điển hình là các quy hoạch như: Quy hoạch phát triển dịch vụ vùng đệm Yên Tử; Quy hoạch phát triển du lịch huyện Cô Tô, TP Móng Cái, TP Cẩm Phả; Quy hoạch bảo tồn và phát huy 3 khu di tích lịch sử và danh thắng quan trọng của Quảng Ninh: Khu Di tích lịch sử - Danh thắng Yên Tử, Khu di tích lịch sử Nhà Trần Đông Triều, Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng, Quảng Yên... đã trở thành những điểm sáng trong bản đồ du lịch. Đó chính là những minh chứng về hiệu quả của việc áp dụng cách làm mới mang tính đồng bộ, giải pháp phù hợp trong công tác nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Bên cạnh đó, các ngành, các đoàn thể cũng tăng cường vai trò, tích cực nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Đến nay, Sở Văn hoá - Thể thao đã tổ chức phân loại, kiểm kê 474 di tích và 76 lễ hội, tổ chức đầu tư tôn tạo một số di tích, công trình văn hoá như chùa Bắc Mã (Đông Triều) với số vốn là 30 tỷ đồng, dự án đình Hải Yến (Quảng Yên) với số vốn 19 tỷ đồng, di tích Bạch Đằng 204 tỷ đồng..., đưa 3 di sản Văn hoá phi vật thể và phục dựng một số nghi lễ để phục vụ phát triển du lịch, tiếp tục tổ chức biểu diễn văn hoá nghệ thuật phục vụ khách du lịch; tổ chức các công tác quản lý khác, đặc biệt là công tác biểu diễn nghệ thuật, chương trình TDTT... Sở GT-VT đã tham mưu xây dựng 3 quy hoạch có liên quan (quy hoạch vận chuyển khách bằng xe buýt, phát triển đường thuỷ nội địa, nâng cao chất lượng tàu du lịch). Sở NN&PTNT hỗ trợ 20 làng nghề phát triển du lịch...

Tập trung khắc phục hạn chế

Với quyết tâm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch, Quảng Ninh đã tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập của ngành du lịch. Đối với công tác quản lý tại một số điểm đến, tỉnh đã chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với Vịnh Hạ Long về UBND TP Hạ Long. Đến nay, sau một năm rưỡi chuyển về TP Hạ Long (kể từ ngày 1-12-2015), công tác quản lý nhà nước đối với Vịnh Hạ Long đã có những kết quả nổi bật, khẳng định chủ trương, quyết định của UBND tỉnh chuyển giao chức năng quản lý nhà nước từ Ban Quản lý Vịnh về TP Hạ Long là đúng đắn. Ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, khẳng định: Sau một năm chuyển chức năng quản lý về thành phố, Vịnh Hạ Long có 4 tăng là tăng lượng khách, tăng thu, tăng đầu tư và tăng chất lượng quản lý. Đặc biệt, thành phố đã xử lý được nhiều vấn đề “nóng” về môi trường kinh doanh du lịch như kinh doanh hải sản trái phép, “chặt chém” khách du lịch; giải quyết dứt điểm tình trạng lộn xộn của các nhà bè nuôi trồng, kinh doanh hải sản tại một số điểm tham quan... Ngoài ra, tại một số điểm đến khác như: Khu di tích Yên Tử, đền Cửa Ông, Cụm thông tin cổ động Sa Vĩ..., công tác quản lý đã được cấp uỷ, chính quyền quan tâm áp dụng các giải pháp đảm bảo vệ sinh, an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ; xử lý kịp thời các nội dung khiếu kiện của du khách, đưa ra các quy định cấm chèo kéo, đeo bám khách du lịch.

Song song với đó, công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quản lý đối với hoạt động du lịch đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực như quản lý hoạt động vận chuyển khách du lịch trên Vịnh Hạ Long, hoạt động lữ hành tại Móng Cái, quản lý về môi trường kinh doanh du lịch, quản lý môi trường tự nhiên... UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3486/2015/QĐ-UBND ngày 5-11-2015 về quản lý hoạt động lữ hành, Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21-12-2015 về quản lý hoạt động vận chuyển khách du lịch trên Vịnh Hạ Long, Quyết định số 2434/QĐ-UBND ngày 21-8-2015 về tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng du lịch, Quyết định số 529/QĐ-UBND ngày 14-3-2014 về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch...

Đáng chú ý là công tác quản lý nhà nước về môi trường du lịch đã được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng, kịp thời ngăn chặn các tiêu cực phát sinh, nhất là công tác quản lý về giá, các vấn đề văn minh du lịch. Bám sát Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong 4 năm qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Quyết định 3268/2012/QĐ-UBND ngày 11-12-2012 về quản lý môi trường kinh doanh du lịch; hàng loạt các văn bản, quyết định về kiểm tra liên ngành trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long... Cùng với đó, tỉnh cũng tổ chức các hội nghị chuyên đề về môi trường kinh doanh du lịch. Lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra tại các địa phương, các điểm du lịch trọng yếu để chỉ đạo cụ thể các sở, ngành, địa phương, đơn vị về công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch. Các sở, ngành, địa phương đã tổ chức hàng trăm đợt kiểm tra, xử lý các vụ việc có liên quan đến hoạt động du lịch, trong đó tập trung vào các lĩnh vực trật tự an toàn xã hội và môi trường kinh doanh du lịch. Trong giai đoạn 2014-2016, UBND TP Hạ Long đã tổ chức ký cam kết với 5.668 tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy định về du lịch, xử lý 563 vi phạm, tổng số tiền phạt 1,18 tỷ đồng, đồng thời đã kiểm tra 3.205 lượt, xử lý 220 trường hợp về an ninh trật tự; TP Cẩm Phả tổ chức kiểm tra 178 cơ sở, xử lý 27 cơ sở vi phạm, xử lý 1.653 vụ về trật tự đô thị, kiểm tra 1.045 lượt cơ sở về VSATTP...; TP Móng Cái đã tổ chức kiểm tra 6.627 lượt tổ chức, cá nhân, xử lý 1.092 trường hợp vi phạm, xử phạt 788 triệu đồng; TP Uông Bí đã xử lý 102 trường hợp vi phạm với tổng mức xử phạt là 26,5 triệu đồng... Còn riêng năm 2016, Sở Du lịch đã tiến hành kiểm tra 366 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 51 hướng dẫn viên với số tiền 315 triệu đồng, giải quyết hàng trăm kiến nghị của du khách; Cảnh sát PCCC tổ chức kiểm tra, hướng dẫn 3.963 cơ sở, kiến nghị khắc phục đối với 5.748 cơ sở, xử phạt 344 trường hợp vi phạm...

Sau một thời gian chỉ đạo quyết liệt, đến nay công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch bước đầu đã đi vào nền nếp và nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng và cộng đồng. Điển hình như biện pháp và mô hình quản lý tại điểm tham quan: Vịnh Hạ Long (TP Hạ Long), Khu di tích danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí), Khu di tích nhà Trần (TX Đông Triều), đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả)... đã phát huy hiệu quả, tạo hình ảnh thân thiện, hấp dẫn của điểm đến. Qua đó, các tồn tại về môi trường kinh doanh du lịch, các kiến nghị của khách du lịch đã có chiều hướng giảm so với giai đoạn trước. Vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại các khu vực trọng điểm về tham quan du lịch đã được cải thiện bước đầu.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã nghiên cứu, rà soát, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch cho phù hợp với thực tiễn. Công tác an ninh trật tự ở các khu, điểm du lịch được chú trọng, quan tâm, tạo thuận lợi tốt nhất cho khách du lịch, doanh nghiệp trong quá trình tổ chức kinh doanh và tham quan du lịch. Hiện nay, trên địa bàn có 3.347 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, 1.532 cơ sở lưu trú, 22 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực du lịch... Từ tháng 6-2013 đến nay, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương quản lý trên 9 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, Việt kiều thuộc 230 quốc gia và vùng lãnh thổ đến Quảng Ninh lưu trú; Bộ Chỉ huy BĐBP đã cấp giấy phép, làm thủ tục nhập cảnh cho 1,06 triệu lượt khách du lịch nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, 300.000 lượt qua cửa khẩu đường biển, làm thủ tục tiếp nhận cho 73.000 lượt khách chuyển cảng đến Hạ Long.

Có thể thấy, bằng sự vào cuộc mạnh mẽ của tỉnh và các ngành, các địa phương trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức hoạt động du lịch, ngành Du lịch Quảng Ninh đang phát triển đúng hướng, xứng đáng với tiềm năng sẵn có.

baoquangninh.com.vn
Loading...