Hải Sơn là xã vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cách trung tâm thành phố Móng Cái 34 km về phía tây bắc, có vị trí trọng yếu, chiến lược về quốc phòng, an ninh; diện tích tự nhiên 8.308,41 ha. Địa hình chủ yếu là đồi núi, dân cư thưa thớt. Đơn vị hành chính có 03 thôn. Dân số có 350 hộ, với 1.569 nhân khẩu, gồm 03 thành phần dân tộc (Kinh, Dao, Sán Chỉ), trong đó dân tộc thiểu số chiếm 86,8%; (đồng bào dân tộc Kinh là 47 hộ = 165 nhân khẩu; đồng bào dân tộc Dao là 180 hộ = 906 nhân khẩu; đồng bào dân tộc Sán Chỉ là 123 hộ = 498 nhân khẩu). Nhân dân trên địa bàn chủ yếu là dân tái định cư (chuyển từ lòng hồ Tràng Vinh ra) và dân đi xây dựng kinh tế mới (từ các tỉnh Hưng Yên, Nam Định; huyện Tiên Yên, Bình Liêu đến); thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông - lâm nghiệp.
Trong những năm qua, tình hình an ninh trên địa bàn xã ổn định, nhân dân các dân tộc tin tưởng, chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới, tích cực tham gia giữ gìn bảo vệ đườngbiên, cột mốc.
Vốn là cư dân nông nghiệp, lại sống định canh, định cư theo từng bản làng và có tổ chức khá chặt chẽ nên dân tộc Sán Chỉ có tính cộng đồng cao. Đặc biệt, đến nay, đồng bào còn giữ được nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống quý báu.
Trang phục của người Sán Chỉ do những bàn tay khéo léo của phụ nữ Sán Chỉ làm ra, đơn giản và không rực rỡ như trang phục của người Mông, người Dao, nhưng vẫn có những nét độc đáo riêng biệt. Trang phục này đơn giản nhưng kín đáo mà vẫn giữ được nét thanh thoát, tiện lợi khi vận động. Khi mặc trang phục truyền thống là áo xanh, váy màu tối, phụ nữ Sán Chỉ phải vấn tóc, đội khăn màu xanh và kèm theo các đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Trang phục nam của người Sán Chỉ mộc mạc, đơn giản hơn nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp với áo màu chàm, có hai túi rộng; quần dài, cạp chun, ống quần rộng để thuận lợi cho việc leo núi đồi.
Dân tộc Sán Chỉ thường xuyên mặc trang phục dân tộc truyền thống đi làm, đi chơi, hội hè hay những ngày lễ, Tết. Trang phục của người Sán Chỉ là màu xanh, tượng trưng cho màu hy vọng cho tất cả mọi người.
Đồng bào Sán Chỉ đang gìn giữ khá tốt tục cưới hỏi truyền thống. Mỗi bộ trang phục truyền thống, đặc biệt là trang phục ngày cưới chính là một tác phẩm nghệ thuật mà người Sán Chỉ đã tạo nên từ sự cần cù, khéo léo, tinh tế. Không chỉ mang giá trị vật chất đơn thuần mà còn chứa đựng trong đó cả giá trị nhân văn sâu sắc, giá trị thẩm mỹ cao. Ngày cưới của người dân tộc Sán Chỉ cũng là ngày vui chung của cả bản làng.
Giống như các dân tộc thiểu số khác, người Sán Chỉ rất yêu ca hát, nhảy múa, những câu hát soóng cọ được bà con sáng tác dựa vào phong tục tập quán, trong quá trình lao động sản xuất và được lưu truyền cho đến hôm nay. Làn điệu soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ gắn liền với tập tục hôn nhân, chúc thọ, mời rượu, đối đáp trao duyên và được trình diễn dưới nhiều hình thức, bối cảnh, không gian khác nhau. Sự phong phú trong lời hát Soóng cọ của người Sán Chỉ và tài ứng khẩu, đặt lời mới của người hát luôn thu hút mọi người. Với người Sán Chỉ, hát soóng cọ là một món ăn tinh thần không thể thiếu có tác dụng khích lệ, động viên con người xích lại gần nhau, yêu quê hương, làng bản của mình hơn.
Bên cạnh những văn hóa tinh thần thì lao động sản xuất cũng mang những nét văn hóa rất riêng của đồng bào người Sán Chỉ. Người Sán Chỉ làm ruộng là chính và có nghề thủ công như làm mộc, đan lát, mây tre, nuôi ong, nấu rượu...
Ở Hải Sơn hôm nay, người đồng bào không chỉ lao động sản xuất để phát triển kinh tế, mà còn tham gia mô hình du lịch cộng đồng, lấy du lịch cộng đồng làm nền tảng cho bảo tồn văn hóa, lấy bảo tồn văn hóa để làm du lịch cộng đồng. Phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, người dân ở Hải Sơn đang tích cực tận dụng để phát triển du lịch cộng đồng vừa nâng cao thu nhập, vừa góp phần bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, chất lượng cuộc sống của người dân Hải Sơn được cải thiện rõ rệt. Đến nay, toàn xã không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới. Người dân dần tự ý thức trong bảo vệ môi trường sống, tự cải tạo cho ngôi nhà của gia đình, đường làng, ngõ xóm thêm sạch đẹp hơn; tích cực gìn giữ, bảo vệ bản sắc văn hóa, nghề truyền thống của dân tộc. Và mỗi du khách khi tới du lịch Hải Sơn, sẽ được đồng bào hoan hỉ giới thiệu, khoác lên mình bộ trang phục độc đáo, được trải nghiệm vấn tóc, nhổ sẵn, làm bánh… Đây không chỉ là cách làm du lịch thân thiện mà còn là cách để giữ gìn, trao truyền, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, góp phần tạo nên bản sắc, điểm nhấn độc đáo để thu hút du khách.