![]() |
Một góc khu dân cư phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả). Ảnh: Khánh Giang |
Bước chuyển từ xã lên phường
Gia đình ông Trần Văn Sinh, tổ 4, khu 3A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả là một trong số ít gia đình có nhiều thế hệ sinh sống ở phường Quang Hanh. Ông bùi ngùi nhớ lại: “Gia đình tôi đã an cư ở đây từ nhiều đời nay. Thế nên tôi có thể nhìn thấy rõ những bước đổi thay, phát triển của mảnh đất này. Độ 15 năm trước, Quang Hanh còn là vùng đất rộng, người thưa. Đường sá chủ yếu là đường đất. Con đường duy nhất để nối Quang Hanh với phường Hà Tu (TP Hạ Long) đi qua dốc Đèo Bụt hồi ấy tuy là đường nhựa nhưng bé lắm. Mấy đứa trẻ nhà tôi đi học chỉ toàn phòng học cấp 4 lợp ngói đỏ chứ đâu có trường cao tầng như bây giờ”.
Thời điểm mà ông Sinh nhắc đến, Quang Hanh vẫn được gọi là xã. Dân số chỉ khoảng 2.500 hộ với hơn 12.000 nhân khẩu. Toàn xã được chia thành 10 thôn. Cuộc sống và thu nhập của bà con chủ yếu trông vào nông nghiệp nhưng phần lớn cũng lại phụ thuộc vào thời tiết. Ông Trương Văn Pha, Bí thư Đảng uỷ phường, một trong số ít cán bộ đương nhiệm có thời gian công tác gắn bó lâu năm ở phường cho biết: “Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã lần thứ X, nhiệm kỳ 1996-2000 đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp hết sức quan trọng. Đây cũng chính là dấu mốc mở ra thời kỳ phát triển mới để Quang Hanh được nâng cấp lên phường vào năm 2001”.
Những phần thưởng cao quý - Năm 2014: Huân chương Lao động hạng Nhất. |
Ở thời điểm Quang Hanh được “nâng hạng”, cơ sở hạ tầng trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng khá hoàn thiện. Các tuyến đường trong khu dân cư cơ bản được vôi xỉ hoá; 9/10 thôn được sử dụng điện dân dụng, trường học, trạm y tế bước đầu được đầu tư tạo điều kiện nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Để tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường đã cùng chung sức, đồng lòng trong thực hiện các phong trào thi đua, các giải pháp tăng thu ngân sách, mở rộng không gian đô thị… Nhờ vậy, các chủ trương, kế hoạch lớn của phường, thành phố đều được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Trong đó có thể kể đến việc nhân dân đã chấp hành tốt chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) khi triển khai dự án như: Cải tạo đường 86, tuyến đường tránh TP Hạ Long đoạn Vũ Oai - Quang Hanh, dự án khu đô thị km8, km10, khu chung cư cho người lao động của Tổng Công ty Đông Bắc với trên 1.000 hộ bị ảnh hưởng, không có trường hợp nào phải cưỡng chế; hơn 500 hộ dân hiến trên 3.000m2 đất để mở rộng 11 tuyến đường khu dân cư, xây kè 5 tuyến suối, xây 7 nhà văn hoá; ủng hộ các quỹ xã hội, từ thiện nhân đạo được gần 5 tỷ đồng, xây 9 nhà đại đoàn kết, xoá 86 hộ nghèo; 100% số hộ cam kết chấp hành quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng pháo và cấm đèn trời; tích cực hưởng ứng các phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng khu phố văn hoá an toàn giao thông…
Khẳng định vị trí cửa ngõ
Có thể nói, địa thế của phường Quang Hanh rất khó để làm quy hoạch đô thị. Bởi lẽ, phường có chiều dài hơn 9km bám dọc QL18A, những khu dân cư tập trung bị kẹp chặt giữa dãy núi đá vôi. Thế nhưng, đây lại là lợi thế để Quang Hanh có thể khai thác phát triển kinh tế.
Với những kết quả đã đạt được từ những giai đoạn trước cộng thêm sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân mà Quang Hanh đã nhanh chóng trở thành nơi “đất lành chim đậu”. Hiện tại, dân số của phường đã phát triển lên con số 5.600 hộ với 17.800 nhân khẩu. Đơn vị hành chính được chia thành 17 khu với 102 tổ dân. Đặc biệt, địa phương đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư các dự án hạ tầng đô thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, như: Năm 2012, khánh thành và đưa vào khai thức sử dụng chợ Suối Khoáng; năm 2013 kêu gọi Công ty ITC đầu tư cải tạo chợ Trung tâm Quang Hanh thành trung tâm thương mại.
Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn mở rộng cơ sở, đa dạng hoá dịch vụ, hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đưa hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn tiếp tục ổn định, phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương theo đúng định hướng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường đã đề ra. Trong 5 năm (2010-2014), phường đã xác nhận hợp đồng thế chấp tài sản vay vốn cho 212 lượt hộ vay 90,2 tỷ đồng để mở rộng sản xuất kinh doanh. Đến nay trên địa bàn phường có 80 doanh nghiệp nhà nước, công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân; 1 HTX nông nghiệp, 206 trang trại và hộ lâm nghiệp, 7 hộ nuôi trồng thuỷ sản; gần 700 hộ kinh doanh cá thể và gần 50 cơ sở sửa chữa, gia công cơ khí, gần 100 hộ sở hữu phương tiện vận tải ô tô đã giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động với thu nhập khá, ổn định; hàng năm thực hiện nghĩa vụ nộp thuế Nhà nước hơn 4 tỷ đồng và tích cực tham gia ủng hộ các phong trào của khu dân cư.
Nhờ kinh tế ổn định, phát triển mà các lĩnh vực văn hoá, an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội cũng được đảm bảo. Từ năm 2011, tất cả các trường học trên địa bàn đã được xây cao tầng, kiên cố hoá, các điều kiện dạy và học được đảm bảo, trong đó, 5/6 trường đạt chuẩn quốc gia (3 trường đạt chuẩn mức độ 1 và 2 trường đạt chuẩn mức độ 2). Trạm Y tế phường được đầu tư nâng cấp. Công tác chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công, đối tượng chính sách được quan tâm. Riêng công tác xoá đói giảm nghèo, từ năm 2005 đến nay đã xoá được 86 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,4%; không có hộ tái nghèo... Đặc biệt, trong phong trào thi đua xây dựng xã, phường tiên tiến; thôn, khu văn hoá, phường luôn dẫn đầu thành phố, được tặng danh hiệu phường văn hoá. Năm 2009 khu phố 2 đã vinh dự được Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen về thành tích trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; khu phố 5 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng làng văn hoá, khu phố văn hoá giai đoạn 1989-2009. Năm 2013, khu phố 3 đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích xuất sắc trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”…
Theo baoquangninh