Đầu những năm 2000, trên địa bàn tỉnh có tình trạng cán bộ ở nhiều xã, phường vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về trình độ. Khi đồng chí Bí thư hoặc Chủ tịch UBND nghỉ hưu hoặc vì lý do nào đó mà không tiếp tục bố trí giữ nguyên chức vụ được, trong khi đội ngũ kế cận chưa đảm bảo yêu cầu, một số đơn vị cấp huyện đề nghị BTV Tỉnh uỷ được vận dụng thực hiện thí điểm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND. Tiêu biểu như ở huyện Hoành Bồ có các xã Dân Chủ (thực hiện năm 2000), xã Đồng Sơn (năm 2006); xã Nam Hoà (TX Quảng Yên) thực hiện từ năm 2005…
Sau khi có Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 (khoá X) - Nghị quyết số 22/NQ-TW về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Tỉnh uỷ đã xây dựng chương trình hành động và chỉ đạo Thành uỷ Hạ Long xây dựng đề án thực hiện thí điểm mô hình này ở một số phường. Đến tháng 8-2008, sơ kết mô hình này, BTV Tỉnh uỷ đánh giá đây là một chủ trương đúng, đồng thời chỉ đạo khuyến khích các huyện, thị, thành uỷ thực hiện mô hình ở những xã, phường đủ điều kiện.
Tính từ khi thực hiện mô hình thí điểm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp xã đến nay, toàn tỉnh có 10/14 đơn vị cấp huyện thực hiện thí điểm ở 42/186 đơn vị cấp xã (đạt 22,6%, T.Ư giao cho các tỉnh thực hiện thí điểm từ 2 đến 3% số xã). Trong đó nhiều nhất là ở TP Hạ Long, đã thực hiện ở 12 phường với 13 lượt cán bộ, nay đang thực hiện ở 9 phường. TP Móng Cái đã thực hiện ở 4 phường, xã, nay đang thực hiện ở 3 phường, xã. TP Cẩm Phả đã thực hiện ở 7 phường, nay đang thực hiện ở 3 phường… Trong 43 đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, có 20 đồng chí được tăng cường từ các phòng, ban cấp huyện xuống; 1 đồng chí được luân chuyển từ phường này sang phường khác, 22 đồng chí là cán bộ tại chỗ. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 21/186 xã, phường đang thực hiện mô hình này (=11,3% số đơn vị cấp xã). Trong số này có 15 đồng chí Bí thư được bầu kiêm Chủ tịch UBND, 6 đồng chí Chủ tịch UBND được bầu làm Bí thư Đảng uỷ.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, từ khi thực hiện đến nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn được thí điểm tiếp tục có bước phát triển về mọi mặt. Đảng bộ cấp xã nơi thực hiện thí điểm mô hình đã xác định được chức năng, nhiệm vụ; từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo và nội dung hoạt động. Mối quan hệ công tác, lề lối làm việc giữa các thành viên ban thường vụ, cấp uỷ viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị chặt chẽ hơn. Hầu hết các đảng bộ đã phát huy được năng lực lãnh đạo trong phát triển kinh tế, giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội ở địa phương. Các đảng bộ đã xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt quy chế làm việc; đổi mới được nội dung, quy trình ban hành nghị quyết, xác định được những vấn đề trọng tâm để tập trung lãnh đạo. Trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, các đảng bộ nơi thí điểm vẫn giữ vững và phát huy kết quả đạt được; hầu hết các cơ sở này đều đạt trong sạch vững mạnh. Công tác lãnh đạo xây dựng đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể được quan tâm; lề lối làm việc và điều hành của chính quyền có bước đổi mới, đã lựa chọn được những vấn đề trọng tâm, những khâu yếu để tập trung lãnh đạo, điều hành. Đa số các đảng bộ đã phát huy được chức năng là hạt nhân chính trị, xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ, thể hiện rõ vai trò, năng lực lãnh đạo toàn diện ở cơ sở.
Tuy chưa được T.Ư quy định chức trách, nhiệm vụ của Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND, nhưng trong quá trình điều hành, các đồng chí này đã bám sát chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng; chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. Phương thức lãnh đạo của cấp uỷ được đổi mới theo hướng giảm được khâu trung gian, giải quyết việc phát sinh nhanh hơn, chống sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của các bộ phận. Việc bí thư cấp uỷ kiêm chủ tịch UBND cấp xã làm cho sự thống nhất ý chí của cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết nhanh và hiệu quả hơn. Ở những cơ sở này, bộ máy lãnh đạo vận hành linh hoạt hơn, cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin nhanh nhạy, kịp thời hơn; việc xử lý các công việc, nhất là công việc phát sinh, những vấn đề mới và khó ít bị chồng chéo, ách tắc. Cấp uỷ, chính quyền tập trung được sự lãnh đạo giữa việc ra nghị quyết, chủ trương, kế hoạch và tổ chức thực hiện. Việc thực hiện mô hình đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, gắn được trách nhiệm của cá nhân với tập thể ở cơ sở.
Nghe và cho ý kiến về mô hình thí điểm này, hầu hết các đồng chí trong Thường trực, BTV Tỉnh uỷ đều đồng tình với việc tiếp tục triển khai mô hình này. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo nhân rộng mô hình ở cấp xã, xin ý kiến cấp trên thực hiện ở một số đơn vị cấp huyện đặc thù trong tỉnh. Quá trình triển khai cần gắn thực hiện mô hình này với công tác luân chuyển cán bộ; cần xây dựng các tiêu chí phù hợp để cho các địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện./.
(Nguồn tin: Ngọc Hà – Báo Quảng Ninh)