Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963 - 2018):

Nhất thể hoá bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu: Hướng đi đúng và quyết tâm vượt khó

17/10/2018 08:35
Trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh, Quảng Ninh đã nghiêm túc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với đặc điểm của tỉnh. Trong đó phải kể đến chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố ở tất cả các thôn, bản, khu phố trên địa bàn thông qua Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Từ thực tiễn đã và đang triển khai, việc nhất thể hoá bước đầu khẳng định được sự ưu việt, được dư luận nhân dân trên địa bàn đồng thuận, tin tưởng…

Yêu cầu từ thực tiễn

Năm 2016, toàn tỉnh còn 513/1.565 (33%) trưởng thôn, bản, khu phố chưa là đảng viên và chỉ có 336/1.566 (21,5%) bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Không những vậy vai trò của chi bộ khu dân cư chưa rõ nét, việc ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự của chi bộ thiếu toàn diện, lúng túng trong cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy cấp trên vào điều kiện thực tế của thôn, khu phố. Trình độ, năng lực thực tiễn của một số đồng chí bí thư chi bộ, chi ủy viên chưa đáp ứng yêu cầu. Thậm chí ở một số nơi phó, trưởng thôn, khu chưa là đảng viên thì việc tham gia học tập, quán triệt Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, nhất là việc cụ thể hóa thành nội dung công tác ở chi bộ còn có những bất cập, việc nắm bắt tình hình còn nhiều hạn chế, từ đó định hướng về tư tưởng, nhiệm vụ ở thôn, khu hiệu quả không cao…

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Đọc trong một cuộc đối thoại trực tiếp với các bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố của tỉnh. Ảnh: Hùng Sơn

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Đức, nguyên Bí thư Chi bộ khu phố 7A, phường Hồng Hải (TP Hạ Long) cho biết: Từ thực tiễn công tác của mình tôi thấy nếu như không nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ và trưởng thôn, khu thì vai trò lãnh đạo của chi bộ đối với nhiệm vụ chính trị của thôn, khu có lúc, có việc bị mờ nhạt; không phát huy được vai trò của người đứng đầu. Thêm vào đó, chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chung không thể thống nhất được nên quá trình thực hiện có việc chưa sát, thiếu hiệu quả, nhất là việc phát hiện, xử lý, giải quyết những vấn đề nảy sinh ở khu dân cư…

Bên cạnh những bất cập trên, từ thực tiễn cũng cho thấy nếu như không nhất thể hóa các chức danh này, công tác phối hợp giữa một số chi ủy bí thư chi bộ với trưởng thôn, khu có nơi, có thời điểm chưa thống nhất cao, nên kết quả thực hiện nhiệm vụ của thôn, khu thấp; chưa duy trì thường xuyên nền nếp giao ban giữa bí thư chi bộ với trưởng thôn, khu; chi bộ ban hành nghị quyết lãnh đạo chưa bao quát đầy đủ nhiệm vụ chính trị để trưởng thôn, khu tổ chức thực hiện. Một số chi bộ lúng túng về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, còn một số chi bộ đùn đẩy trách nhiệm lên cấp uỷ, chính quyền cấp trên… Đối với những nơi trưởng thôn, khu chưa là đảng viên thì quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của chi bộ còn gặp nhiều khó khăn, đôi khi vai trò lãnh đạo của chi bộ thiếu hiệu quả; sự thống nhất và chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, bí thư chi bộ của trưởng thôn chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết của chi bộ, của cấp uỷ cấp trên và thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn có trở ngại…

Gỡ những vướng mắc

Trước thực trạng đó, để thực hiện hiệu quả mục tiêu nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn khu, ngày 28/12/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 12-CT/TU chỉ đạo các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác này. Tuy nhiên, bước đầu triển khai Chỉ thị cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. 

Đó là một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ người hoạt động không chuyên trách và nhân dân ở thôn, khu còn băn khoăn về nhất thể hoá bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu khối lượng công việc nhiều khó đảm đương, chính sách đãi ngộ còn thấp. Một số thôn, khu có ít đảng viên, số đảng viên chủ yếu cao tuổi nên khó cáng đáng được nhiệm vụ khi nhất thể hoá. Nhiều chi bộ có đảng viên trẻ nhưng chưa đủ năng lực để đảm nhiệm tốt “nhiều vai” khi thực hiện kiêm nhiệm các chức danh... Bên cạnh đó, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại thôn, khu, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên địa bàn còn nhiều hạn chế, nếu kiêm nhiệm cả 2 chức danh sẽ gặp phải một số khó khăn trong lãnh đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Một số nơi còn hiện tượng tư tưởng dòng họ cục bộ, ảnh hưởng tới phương án nhân sự…

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Khê Thượng (xã Việt Dân, TX Đông Triều) Nguyễn Thanh Tùng tuyên truyền người dân xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh ở khu dân cưẢnh: Nguyễn Thanh

Trước những băn khoăn đó, với quyết tâm chính trị cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp để gỡ những nút thắt này. Đặc biệt trong tất cả các cuộc họp, các cuộc làm việc tại cơ sở, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều dành thời gian để kiểm tra, chỉ đạo những khúc mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận cũng được các địa phương đặc biệt quan tâm.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhấn mạnh đến việc phải nêu cao quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó yêu cầu đảng ủy cấp xã phải cùng với các chi bộ thôn, khu phố tổ chức họp nhân dân để lắng nghe ý kiến đảng viên, nhân dân kết hợp vận động giải thích, tạo sự đồng thuận chung.

Về công tác chuẩn bị nhân sự trưởng thôn, khu gắn với nhân sự bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2017-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác nhân sự đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, dân chủ, công khai, minh bạch... Với quyết tâm cao, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thực hiện nhất thể hoá bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố đạt 98,15%.

Khẳng định hướng đi đúng

Mặc dù thời gian triển khai chưa dài để đánh giá đầy đủ hiệu quả về mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, nhưng có thể khẳng định việc thực hiện được đồng bộ trong điều kiện không ít khó khăn như hiện nay là một thành công của Quảng Ninh trong việc tinh giản và nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền. Qua đó, không chỉ thể hiện sự mạnh dạn đổi mới của tỉnh trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, mà còn phù hợp với chủ trương chung của Trung ương với mục tiêu đưa Đảng với dân gần nhau hơn; đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, đến được với dân; gắn bó máu thịt với dân…

Theo Bí thư chi bộ kiêm trưởng khu 3, phường Hải Yên (Móng Cái) Ngô Sỹ Khuê, chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu của tỉnh là một chủ trương đúng đắn, đáp ứng kịp thời yêu cầu về nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ cấp thôn, khu. Qua đó, tạo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh đến cơ sở, đến người dân. Hoạt động của chúng tôi đã nhận được sự tin tưởng của người dân và cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá cao…

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu Trạo Hà (phường Đức Chính, TX Đông Triều) Trần Văn Chức (đứng giữa) đi đầu hiến đất và vận động người dân trong khu hiến đất mở rộng đường dân sinh. Ảnh: Nguyễn Thanh

Khẳng định vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu, trong một cuộc đối thoại với các bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng: Các đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố chính là đầu mối cuối cùng để truyền tải những chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, địa phương đến với nhân dân. Và người dân đồng tình hay không đồng tình đều thông qua kiến nghị với bí thư và trưởng thôn, khu. Tất cả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội có thực hiện được hay không đều phụ thuộc lớn vào nhân dân, do đó vai trò của bí thư, trưởng thôn, khu rất quan trọng. Các đồng chí có hoàn thành tốt các nhiệm vụ thì cấp xã, phường, các huyện, thị xã, thành phố, cấp tỉnh mới hoàn thành được nhiệm vụ đề ra.

Dẫu còn không ít khó khăn, thách thức phía trước, nhưng với tâm huyết, khát khao đổi mới của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sự tiên phong gương mẫu, nhiệt huyết của trên 1.500 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn và sự đồng thuận, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã và đang là minh chứng sống động, khẳng định quyết tâm "đưa Đảng gần với dân" của Quảng Ninh.

baoquangninh.com.vn
Loading...