Nhiều giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

06/11/2017 08:32
Tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương của cả nước đạt kết quả tốt trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra những vụ cháy, chặt phá rừng hay tranh chấp đất rừng nổi cộm.

Hiện toàn tỉnh có trên 435.000ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 70% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó tổng diện tích đất có rừng gần 334.000ha, bao gồm trên 123.000 rừng tự nhiên và gần 211.000ha rừng sản xuất; độ che phủ rừng đạt 54,1%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ che phủ rừng của cả nước (trên 41%).

 Lực lượng kiểm lâm TP Móng Cái tuần tra, kiểm soát rừng
Lực lượng kiểm lâm TP Móng Cái tuần tra, kiểm soát rừng.

Để có được kết quả trên, trong những năm qua, bằng rất nhiều nỗ lực và giải pháp hiệu quả, tỉnh đã từng bước phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Phần lớn diện tích rừng và đất lâm nghiệp đều có chủ quản lý. Trong đó từ năm 2015, tỉnh giám sát thực hiện việc giao đất, thuê đất, thu hồi đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng. Các địa phương phối hợp với chủ rừng cắm mốc ranh giới tại thực địa, xử lý các trường hợp lấn chiếm đất rừng, rà soát để đảm bảo mọi diện tích đất rừng đều có chủ quản lý.

Quảng Ninh cũng là địa phương sớm “đóng cửa rừng” tự nhiên, từ cách đây gần 20 năm nhằm phát triển rừng. Trong nhiều năm gần đây, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh trồng từ 12.000 - 13.000ha rừng tập trung, hơn 530.000 cây phân tán; doanh nghiệp sử dụng đất rừng để làm mục đích khác đều thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định với hàng trăm ha diện tích rừng…

Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2017, toàn tỉnh có 23 doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế với tổng diện tích trên 213ha. Việc chuyển đổi diện tích rừng phục vụ các dự án đặc biệt được UBND tỉnh quản lý chặt chẽ, đúng quy trình, không chấp thuận các dự án nhỏ lẻ, mang lại ít hiệu quả cho cộng đồng, xã hội, không chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích khác nếu không thật sự cần thiết.

 Mật độ che phủ rừng của Quảng Ninh đang là 54,1%
Mật độ che phủ rừng của Quảng Ninh hiện đạt 54,1%.

Xác định cháy rừng, xâm hại rừng là nguyên nhân chính làm suy giảm diện tích và độ che phủ của rừng, chính bởi vậy tỉnh đặc biệt chú trọng đầu tư về trang thiết bị, cơ chế chính sách trong công tác phòng chống cháy rừng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý và xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm rừng. Hiện lực lượng kiểm lâm đang vận hành hiệu quả phần mềm cảnh báo cấp dự báo cháy rừng, được đánh giá hiện đại, hiệu quả trong công tác phòng chống cháy. Tới đây, trong chương trình phát triển chung của toàn ngành, tỉnh sẽ tham gia thực hiện dự án vận hành hệ thống phát hiện sớm cháy rừng, nâng cao một bước trong công tác này.

Trước thực tế nhiều diện tích rừng đã chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác bị cháy, UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án, kể cả các chủ đầu tư mới được tạm giao phải tăng cường phòng, chữa cháy rừng, thường trực 24/24h để tuần tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời, không để cháy lan rộng, chịu trách nhiệm trước tỉnh, và pháp luật nếu để xảy ra cháy.

Trung bình mỗi năm, lực lượng chức năng tỉnh xử lý hàng trăm vụ vi phạm rừng, trong đó chỉ tính riêng 9 tháng vừa qua đã xử lý 101 vụ khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm thổ sản trái phép, phạt tiền trên 800 triệu đồng và thu hồi nhiều tang vật.

Đầu năm 2017, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 12-CTr/TU và UBND tỉnh có Chương trình thực hiện số 7923/CT-UBND cụ thể hóa các nhiệm vụ về bảo vệ và phát triển rừng.

Theo đó, các đơn vị chuyên môn, các địa phương đã nhanh chóng cụ thể hóa chương trình hành động, triển khai đồng bộ nhiều hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Hiện nay, các đơn vị tập trung điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đảm bảo phù hợp, sát thực tế. Trong đó, chú trọng rà soát diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất và ngược lại diện tích rừng sản xuất tại các khu vực giữ nguồn sinh thủy sang rừng phòng hộ, đặc dụng. Tỉnh khuyến khích các chủ rừng nâng cao chất lượng rừng trồng thuần loài bằng hỗn loài với các loại cây bản địa, tạo đa dạng sinh học, đa tầng tán, từ đó tăng độ che phủ, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất…

Cacs cánh rừng trồng sẽ chuyển sang trồng thâm canh, chu kỳ dài, nâng cao giá trị rừng
 Các cánh rừng trồng sẽ chuyển sang trồng thâm canh, cây bản địa, chu kỳ dài, đa tầng, đa tán nhằm nâng cao giá trị rừng.

Để gia tăng giá trị rừng, UBND tỉnh chỉ đạo ưu tiên chọn các loại cây như: Thông, lim, sến, giổi, lát hoa, phi lao… để trồng rừng thay thế, trồng rừng hoàn nguyên môi trường của ngành Than và trồng bổ sung làm giàu rừng phòng hộ.

Được biết, đến thời điểm này các đơn vị chuyên môn đang xây dựng dự án trồng rừng sản xuất bằng cây thông, cây bản địa thay thế cây keo và một số cây khác có hiệu quả kinh tế thấp; trồng rừng phòng hộ hỗn giao cây bản địa tại diện tích rừng phòng hộ hồ Yên Lập. Từng bước thực hiện quy hoạch 10 khu bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó nâng cấp 3 khu rừng đặc dụng hiện có, thành lập mới 4 khu bảo tồn đa dạng sinh học và xây dựng 3 khu bảo tồn biển, trong đó có mục tiêu bảo vệ rừng ngập mặn.

Mục tiêu của Quảng Ninh đến năm 2020 đạt độ che phủ rừng ở tỷ lệ 55%, phấn đấu có 15% diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng bền vững; nâng cao giá trị rừng theo 2 hướng là hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gỗ và vùng cây lâm nghiệp đặc sản.

baoquangninh.com.vn
Loading...