Những “lát cắt biết nói”!

10/10/2018 09:32
Gần như chắc chắn, Chính phủ của nhiệm kỳ này sẽ năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu KT - XH được QH giao. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và nhiều thành viên của Ủy ban chia sẻ với Chính phủ “kết quả rất đẹp” này nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi: Chất lượng các chỉ tiêu ra sao? Đâu là động lực mới cho tăng trưởng năm 2019 khi những yếu tố đóng góp vào GDP đã tới hạn? Cách nào giải quyết những vấn đề nội tại tồn tại dai dẳng của nền kinh tế?

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. 

Ảnh: H. Loan

“Nhiều người chúc mừng”

“Nhiều người chúc mừng tôi về bộ chỉ số KT - XH đạt được năm nay rất đẹp”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung chia sẻ trong Phiên họp toàn thể lần

 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2019 dự kiến như sau:
Các chỉ tiêu kinh tế: GDP tăng 6,6 - 6,8%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 33 - 34%; CPI bình quân khoảng 4%.
Các chỉ tiêu xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 60 - 62%; số giường bệnh trên một vạn dân: 27 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,5%.
Các chỉ tiêu môi trường: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 89%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

thứ 8 của Ủy ban Kinh tế đang diễn ra tại Quảng Ninh. Ông Trung cho biết, Chính phủ dự kiến hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu chủ yếu QH giao năm 2018, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Như vậy, tiếp theo năm 2017, Chính phủ có thêm một năm điều hành nền kinh tế thành công. Cụ thể, lạm phát được kiểm soát dưới 4%; triển vọng GDP có thể tăng cao hơn 6,7%; bội chi ngân sách 3,67%; xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,2% và xuất siêu khoảng 1 tỷ USD…

Động lực cho tăng trưởng năm 2018 tiếp tục là nông nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo. “Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ, ước đạt 3,3%. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng vượt bậc, liên tục ở mức 2 con số, ước đạt 12,46%”, ông Trung điểm thêm một số nét ấn tượng.

“Đây là một kết quả khả quan”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định. Chúng tôi ấn tượng nhất là Chính phủ đã đạt được mục tiêu kép - vừa tăng trưởng tốt vừa giữ được lạm phát ở mức thấp. Nhưng Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng quan tâm đến việc kết quả này đã tạo ra chuyển biến thực chất cho nền kinh tế hay chưa? Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% trong năm 2019, vậy động lực cho tăng trưởng là gì khi mà những yếu tố đóng góp vào GDP như ngành nông nghiệp, dịch vụ đã tới hạn và những cái tên cụ thể như Samsung, thép khó có sự phát triển đột phá?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên chỉ ra rằng, liên tiếp 3 năm nay, nông nghiệp tăng trưởng cao, giữ vị trí là “bệ giảm sốc” và hỗ trợ phát triển kinh tế, nhưng năm nào chuyện giải cứu nông sản cũng diễn ra. Như vậy tức là chúng ta vẫn phó mặc cho bà con muốn trồng gì thì trồng, không hỗ trợ và thúc đẩy liên kết sản xuất chuỗi. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên cũng chỉ ra rằng, số vượt thu ngân sách năm nay khoảng 39 nghìn tỷ đồng thì dầu thô và tiền sử dụng đất góp 29 nghìn tỷ đồng, thu nội địa góp 10 nghìn tỷ đồng, cho thấy thu ngân sách không bền vững và “đóng góp cho thành công năm 2018 có những lĩnh vực chúng ta không thực sự mong muốn”. Đặc biệt, đã 3 năm nay không có một công trình quan trọng quốc gia, tập hợp được các nguồn lực trên 10 nghìn tỷ đồng được khởi công. Vậy thì trách nhiệm của chúng ta chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau như thế nào? Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên đặt câu hỏi.

Những “lát cắt biết nói”

Cũng trong phiên họp hôm qua, các đại biểu đã soi chiếu kỹ một vài “lát cắt” trong kết quả thực hiện nhiệm vụ KT  - XH mà báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa đề cập.

Ví dụ, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, “tình hình đăng ký kinh doanh tiếp tục khởi sắc”. 9 tháng năm nay có 96,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, bổ sung vào nền kinh tế 2,85 triệu tỷ đồng. Dự kiến cả năm có 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,5% so với năm 2017, 
Tuy vậy, nếu so sánh với mức tăng  15,2% (về số lượng doanh nghiệp thành lập mới) của năm 2017 thì rõ ràng xu hướng thành lập mới doanh nghiệp đang chững lại. “Vì sao chúng ta đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh mà số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại chững lại? Doanh nghiệp không mặn mà hay đã vượt quá ngưỡng?”, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến băn khoăn.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Bình Phước, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Huỳnh Thành Chung chỉ ra một điểm đáng chú ý khác: Khối lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể và đã giải thể khá lớn, cộng lại lên đến gần… 90 nghìn doanh nghiệp. Thế nhưng Chính phủ chưa nêu rõ nguyên nhân để có hướng khắc phục. “Anh Chung nói đúng! Kinh tế tư nhân vai trò rất quan trọng nhưng chúng ta đừng hô hào thành lập doanh nghiệp cho nhiều mà phải hướng vào thực chất”, Phó trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương tiếp lời.

 Một “lát cắt” khác là chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người. Bà Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, được Ủy ban Kinh tế mời họp với tư cách chuyên gia cho biết: Chúng ta đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 3.200 - 3.500 USD vào năm 2020. Tuy nhiên, kết thúc năm 2018 chỉ đạt 2.540 USD. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, đến năm 2020 GDP bình quân đầu người chỉ có thể đạt 2.854 USD - rất xa so với kế hoạch. Nếu muốn đạt mục tiêu thì phải tăng trưởng 11 - 12% mỗi năm trong hai năm còn lại của kế hoạch - điều này rất khó thực hiện. Tuy nhiên, câu chuyện này lại không được đề cập trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bà Hoa cho rằng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nên làm rõ vấn đề này, đồng thời bà kiến nghị QH quan tâm đến những chỉ tiêu có ý nghĩa lớn hơn như GDP bình quân đầu người, GNP (tổng sản lượng quốc gia) hay HDI (chỉ số phát triển con người)…

Vài “lát cắt” trên đây cho thấy, dù Chính phủ đã đạt toàn bộ chỉ tiêu QH giao trong năm 2018 thì trong thực tế những vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn tồn tại dai dẳng, chưa được khắc phục triệt để. Và một câu hỏi dù đã cũ nhưng vẫn cần được đặt ra: Kinh tế tăng trưởng là điều đáng mừng nhưng trên thực tế liệu người dân có được hưởng những thành quả mà sự tăng trưởng này mang lại?

Hồng Loan
daibieunhandan.vn
Loading...