Thương mại, dịch vụ Móng Cái:

Những tư duy và hành động cho lộ trình phát triển

02/04/2016 07:26
Tận dụng lợi thế đặc thù ven biên ven biển, trong những năm gần đây, kinh tế Móng Cái tiếp tục có nhiều khởi sắc, giữ vững vai trò cửa ngõ thông thương giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, thương mại biên giới tiếp tục được xác định là một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn thúc đẩy và tác động tới sự phát triển toàn diện của Thành phố.

Hoạt động thương mại XNK chính ngạch tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái

Từ nền tảng... 

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng thí điểm một số chính sách mở, kể từ năm 1998, Móng Cái đã gặt hái được nhiều thành công trong cuộc “thí điểm” này và nhanh chóng trở thành một điểm sáng trên bức tranh kinh tế nước nhà, với mũi nhọn là kinh tế thương mại - dịch vụ. Trong 5 năm gần đây (giai đoạn 2010-2015), lĩnh vực này đã chiếm khoảng 70% cơ cấu kinh tế của thành phố với tổng giá trị hàng hoá qua cửa khẩu đạt 23,136 tỷ USD, tăng 1,8 lần so với giai đoạn trước; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 34.453 tỷ đồng, tăng bình quân 5,3%/năm. Trong 3 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị hàng hóa XNK đạt 1,666,825 tỷ USD, bằng 162,9% cùng kỳ (Xuất khẩu đạt 662,010 triệu USD, tăng 46,3% cùng kỳ; Nhập khẩu đạt 1,004,815 tỷ USD, tăng 86,4% cùng kỳ); Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 1.900 tỷ đồng,tăng 11,3% cùng kỳ. 

Những tín hiệu khả quan từ thương mại 3 tháng đầu năm (Cửa khẩu Ka Long)

Kết quả trên cho thấy, Móng Cái đã tận dụng triệt để ưu thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, tính bổ trợ lẫn nhau về kinh tế của hai bên biên giới cũng như sự quan tâm rất lớn và nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi của Chính phủ hai nước. Trong đó phải kể đến việc xây dựng mô hình Khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái - Đông Hưng và được cụ thể hóa tại Quyết định số 34/2009/QĐ-TTg ngày 2-3-2009 của Chính phủ khi phê duyệt Quy hoạch phát triển vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ đến năm 2020, trong đó cũng đã định hướng hợp tác với Trung Quốc xây dựng Khu thương mại tự do Móng Cái; phát triển các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước và mở cửa, hội nhập mạnh với các nước ASEAN. Cụ thể hơn, trong Quyết định số 99/2009/QĐ-TTg ngày 29-7-2009 về phê duyệt Đề án phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ đã cho phép lãnh đạo TP Móng Cái được trao đổi với lãnh đạo TP Đông Hưng để triển khai xây dựng thí điểm Khu hợp tác kinh tế biên giới theo hướng có quy chế chung trong một số lĩnh vực… 
Trong công tác chỉ đạo điều hành, thành phố đã tập trung quyết liệt và linh hoạt để đưa ra các giải pháp phù hợp trong điều kiện tình hình có những biến động khó lường; chủ động nắm bắt, tháo gỡ cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đa dạng hoá phương thức kinh doanh. Mặt khác, thành phố không ngừng tích cực kiện toàn bộ máy, tăng cường nhân lực về quản lý và phát triển thương mại biên giới và coi đây là khâu quyết định việc thực hiện chủ trương quản lý và phát triển thương mại biên giới.

Tiếp tục vượt qua khó khăn...

Theo nhận định trong gia đoạn mới, lĩnh vực thương mại, dịch vụ vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài. Một số cơ chế, chính sách của Nhà nước còn bất cập, thiếu đồng bộ, chậm được tháo gỡ. Nguồn lực để đáp ứng cho nhiệm vụ đầu tư phát triển còn khó khăn. Chính sách biên mậu của hai nước không ổn định. Nguồn lực Nhà nước ưu tiên cho Móng Cái chưa tương xứng với nhiệm vụ chính trị được giao. Việc triển khai các công trình trọng điểm theo Quyết định 99/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa đạt tiến độ yêu cầu và khó khăn về nguồn vốn. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông kết nối vùng, logistic chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Một số dự án đầu tư hạ tầng kinh tế biên mậu của các doanh nghiệp triển khai chậm. Chất lượng nguồn nhân lực và công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, buôn lậu, gian lận thương mại... còn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, khó lường.

Tại cuộc làm việc với BTV Thành ủy Móng Cái vào cuối năm 2015, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc cũng đã khẳng định, hoạt động thương mại ở Móng Cái không bài bản, không chính ngạch nên dễ bị biến động và phụ thuộc. Là thành phố vùng biên nên hướng phát triển của Móng Cái vẫn là thương mại biên giới, do vậy, cần phải thay đổi tư duy hoạt động thương mại của các doanh nghiệp đang đầu tư, phải chuyển được sang hoạt động chính ngạch.

Thật vậy, để xây dựng Móng Cái là hạt nhân động lực thúc đẩy phát triển KKTCK Móng Cái, tiếp tục lấy lĩnh vực thương mại - dịch vụ là yếu tố chủ đạo, thành phố đã xác định mụt tiêu cụ thể trong cả giai đoạn trước mắt và lâu dài. 

Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII đã quyết định một số giải pháp trước mắt và lâu dài đối với một số lĩnh vực trong đó có kinh tế thương mại

Đối với nhiệm vụ trước mắt, thành phố sẽ thực hiện triển khai hiệu quả các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại biên giới, tăng cường các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh để thu hút các nguồn lực; đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư, hợp tác theo hình thức đối tác "công - tư" đối với một số công trình, dự án phù hợp. 

Đối với nhiệm vụ lâu dài, sẽ tận dụng lợi thế so sánh của thành phố cửa khẩu quốc tế, một trong những cửa ngõ giao thương giữa Trung Quốc và Asean để phát triển thương mại, dịch vụ, nhân lực thông qua mô hình hợp tác kinh tế biên giới. Tạo mọi thuận lợi, thông thoáng trong thông quan hàng hóa, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Đa dạng hóa hình thức huy động vốn, mà trọng tâm là hình thức hợp tác công - tư (PPP) để đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại, hệ thống kho bãi, bến cảng, bến thủy nội địa, các điểm thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa. Thu hút các nhà đầu tư kinh doanh kho vận và vận tải quy mô lớn, thương mại điện tử; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ nông thôn. Bên cạnh đó, thực hiện mở rộng quy mô, hiện đại hóa dịch vụ tài chính, ngân hàng; phát triển Móng Cái trở thành trung tâm dịch vụ tài chính của tỉnh với lĩnh vực ưu tiên phát triển là ngân hàng nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tư vấn, cho vay giá trị lớn. Nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ vận tải, nhất là vận tải biển đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân.

Ở khía cạnh quan hệ giữa các địa phương biên giới Móng Cái (Việt Nam) với Đông Hưng và Phòng Thành Cảng (Trung Quốc), thành phố đã cùng cụ thể hoá Hiệp định sửa đổi về thương mại biên giới Việt - Trung, tuyên bố chung giữa hai nước cũng như nỗ lực thực hiện tốt phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” bằng những việc làm cụ thể. Trong đó, Móng Cái và Đông Hưng, Phòng Thành cùng đặt quyết tâm chính trị thực hiện tốt việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên hoạt động; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phối hợp triển khai phát triển hệ thống thương mại điện tử hai bên; phối hợp hoàn thiện các dự án hạ tầng kỹ thuật động lực và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các loại hình dịch vụ, thương mại, du lịch. Đồng thời, cùng tích cực triển khai hình thức “một lần dừng, một lần kiểm tra tại cửa khẩu quốc tế”, phát huy, tăng cường trao đổi thông tin và hội đàm giữa chính quyền TP Móng Cái với TP Đông Hưng, Khu Phòng Thành để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn phát sinh với mục tiêu là “cùng thắng” trong hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ khu vực biên giới.

Tận dụng thời cơ, vận hội để phát triển

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, sự tham gia của nước nhà với các Hiệp định FTA mới, nhất là các Hiệp định thế hệ mới – TPP và FTA với EU; Việc ký kết của Việt Nam và Trung Quốc phấn đấu thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2017; cùng với những tiến bộ trong vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics... đang đặt ra cho thành phố những thời cơ và vận hội rất lớn. Đây cũng chính là những bài toán căn cơ cần phải có những tư duy và hành động mới để từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh phát triển.

Tại Hội nghị công bố các Quy hoạch đã có 10 dự án với tổng mức đầu tư là 9.731,1 tỷ đồng được trao chứng nhận và ký biên bản ghi nhớ đầu tư

Bước tiến đầu tiên, đặt nền tảng cho lộ trình phát triển bền lâu đó chính là những nỗ lực để hình thành hai quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050. Đây là một cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển kinh tế cửa khẩu nói chung, kinh tế, thương mại, dịch vụ của thành phố Móng Cái nói riêng mang tầm vóc quốc tế, hiện đại. Quy hoạch cũng đã định hình theo hướng tập trung phát triển đa ngành, đa lĩnh vực; phát triển dựa trên 3 trụ cột chính là: Thương mại biên giới, du lịch và công nghiệp chế biến, chế tạo; Trong đó thương mại và dịch vụ vận tải được xác định là những hoạt động cốt lõi trong định hướng phát triển.

Một động thái tích cực khác đó là việc chuyển đổi cơ cấu và quản lý đầu tư từ “đầu tư công - quản lý công” sang “Lãnh đạo công - quản trị tư”, “Đầu tư công - quản lý tư”, “Đầu tư tư, sử dụng công” đối với một dự án hạ tầng đầu tư thương mại, dịch vụ. Đây được xem là giải pháp căn cơ của thành phố Móng Cái nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Thành phố, khai thác hiệu quả vốn đầu tư. Theo đó, Cảng cạn (Inland Container Depot – gọi tắt là ICD) có vị trí tại Km 3+4 (Hải Yên, Móng Cái, Quảng Ninh) là hệ thống hạ tầng đầu tiên với nguồn vốn hoàn toàn do Doanh nghiệp trực tiếp đầu tư. Bến cảng này nhằm mục tiêu khai thác, kinh doanh dịch vụ bốc xếp và thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cảng cạn phù hợp với Quy chế quản lý hoạt động của cảng cạn. Hiện tại dự án đã đi vào hoạt động và được Cục Hàng Hải Việt Nam cập nhật cảng cạn Km 3+4 Móng Cái vào quy hoạch chi tiết hệ thống cảng cạn theo quy định. Tại đây việc mở tờ khai, làm thủ tục sẽ được thực hiện tại Móng Cái thay vì phải làm thủ tục chuyển cửa khẩu từ Hải Phòng như trước đây. Điều này vừa giải tỏa được hiện tượng ách tách hàng container tại cảng biển trong những năm gần đây, đồng thời cũng tăng hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, biên phòng, kiểm dịch…

Hoạt động dịch vụ và thương mại tại cảng Thành Đạt đã bước đầu cho hiệu quả và hiệu xuất cao

Có thể nói, Móng Cái đang hội tụ đầy đủ các yếu tố có tiềm năng, có sức bật lớn. Hy vọng với quyết tâm chính trị lớn, ý chí và hành động cụ thể, quyết liệt, Móng Cái sẽ hoàn thành được mục tiêu đề ra với sự chắc chắn, bền vừng trong hoạt động phát triển kinh tế xã hội cũng như lĩnh vực thương mại và dịch vụ trên địa bàn.

Bá Khang - Hải Ninh
Đài TT-TH
Loading...