TP Móng Cái

Nói “không” với thực phẩm không nguồn gốc

22/05/2017 11:30
Là địa bàn cửa ngõ biên giới, Móng Cái luôn tiềm ẩn nguy cơ thẩm lậu thực phẩm từ biên giới vào nội địa và thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ từ tuyến trong xuất bán ra. Vì vậy, việc “Nói không với thực phẩm không nguồn gốc” đang được cả hệ thống chính trị của Móng Cái vào cuộc.

 

Theo thống kê từ cơ quan quản lý, trên địa bàn TP Móng Cái có 1.594 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 634 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; 338 cơ sở kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực ngành công thương, 622 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành y tế quản lý.

Nhằm tiếp tục siết chặt, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, những năm qua, TP Móng Cái đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, trong đó, tăng cường thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm.

Kiểm tra ATTP tại tiệm bánh Hồng Thảo (Hòa Lạc)

Riêng trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Móng Cái đã tổ chức kiểm tra 407 cơ sở; phát hiện 105 cơ sở vi phạm; xử phạt hành chính 42 cơ sở, phạt tiền 63.700.000 đồng; tiêu hủy đối với một số mặt hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc với trị giá tiền 143.503.000 đồng; đình chỉ hoạt động 06 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và 01 cơ sở sản xuất rượu thủ công không chấp hành các quy định về ATTP; nhắc nhở 63 cơ sở.

test nhanh tại cơ sở bánh ngọt Kim Liên 

Theo Bà Hoàng Thị Xuyến- Trưởng phòng y tế TP Móng Cái: Trong số hàng tiêu hủy, đa phần là các loại gia vị như mù tạt, tương ớt, bột nêm, xì dầu. Đây là những gia vị yêu thích của người tiêu dùng.

Mù tạt wasabi là gia vị ưu thích của người dân miền Đông nhập lậu từ Trung Quốc bị lực lượng chức năng thu giữ 

Bà Xuyến cũng cho biết thêm, song song với kiểm tra, nhắc nhở, các ngành chức năng của TP Móng Cái cũng đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cả người bán lẫn người tiêu dùng nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh và trở thành những nhà tiêu dùng thông thái. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cộng đồng dân cư, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện công tác đảm bảo ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là phòng ngộ độc rượu. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm một cách an toàn;  phát 1.020 lượt tin trên loa truyền thanh của các thôn, khu phố, các chợ…  Từ đó, đã tạo một bước chuyển mới trong việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các hộ sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm ATTP nói chung và rau thịt, rượu nói riêng, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc rượu.

Kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trên rau ở Hải Hòa 

Thực phẩm ở Móng Cái được sử dụng từ nhiều nguồn cung cấp với đa dạng phong phú, xuất xứ từ trong, ngoài Thành phố và thực phẩm nhập khẩu. Với dân số trên mười một vạn người và luôn đón hàng ngàn du khách trong và ngoài nước tới đây tham quan, nghỉ dưỡng, do vậy việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và vận động nhân dân, các hộ kinh doanh “Nói không với thực phẩm không nguồn gốc” sẽ thiết thực góp phần đảm bảo tốt ATTP, bảo vệ sức khỏe con người.

 

Thu Hằng
Trung tâm TT&VH
Loading...