Ngược dòng lịch sử, Cách mạng Tháng Tám thành công, ở huyện Móng Cái (giờ là TP Móng Cái), chính quyền cách mạng còn non trẻ vừa thành lập đã phải đương đầu với nhiều thủ đoạn, âm mưu của kẻ thù là một thách thức lớn đối với phong trào cách mạng ở nơi địa đầu Tổ quốc. Nhận rõ những khó khăn thử thách của vùng đất biên cương, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo lãnh đạo phong trào cách mạng ở huyện Móng Cái, tạo điều kiện đưa phong trào cách mạng của huyện phát triển.
Sau một thời gian khẩn trương xây dựng, ngày 19-10-1946, tại số nhà 42, phố Chính (phường Hoà Lạc bây giờ) đã diễn ra Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản của huyện Móng Cái theo quyết định của Liên khu uỷ 12 và Ban cán sự Đảng tỉnh Hải Ninh. Khi mới thành lập, Chi bộ Đảng Cộng sản huyện gồm 4 đồng chí, trong đó đồng chí Hoàng Giang Đông được cử giữ chức Bí thư Chi bộ. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển quan trọng của tổ chức Đảng ở địa phương, đáp ứng yêu cầu thống nhất sự lãnh đạo của Đảng với phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc huyện Móng Cái.
66 năm đã trôi qua, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Móng Cái đã từng bước lớn mạnh và trưởng thành lãnh đạo nhân dân giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Ngày nay trong công cuộc đổi mới, huyện Móng Cái xưa đã trở thành thành phố Móng Cái tươi trẻ với sự phát triển kinh tế hết sức năng động có đóng góp quan trọng vào ngân sách của tỉnh Quảng Ninh cũng như kinh tế cửa khẩu của quốc gia. Bằng đạo lý uống nước nhớ nguồn, một tượng đài khang trang, uy nghiêm đang được thành phố gấp rút hoàn thiện nằm ngay trên nền đất cũ của ngôi nhà số 42 để lưu niệm, ghi dấu lịch sử nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Móng Cái. Khi được hoàn thiện, cụm di tích lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Móng Cái sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong hành trình của du khách muốn tham quan và khám phá về mảnh đất và con người nơi biên cương Tổ quốc.
Đài TTTH Móng Cái