Nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP: Hướng đi mới cho nông dân Móng Cái

28/03/2017 15:23
Nhằm nâng cao hiệu quả trong nghề nuôi tôm, những năm gần đây, một số hộ dân tại Móng Cái đã bước đầu ứng dụng thành công nuôi tôm theo quy trình VietGAP, thân thiện với môi trường. Ứng dụng quy trình này, người nuôi tôm đã quản lý chặt chẽ về con giống, tình hình dịch bệnh và việc sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi. Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, đã có 11 cơ sở nuôi tôm tại Móng Cái đã nuôi theo hướng VietGAP. Hiện thành phố đã có 2 cơ sở nuôi tôm đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu cho hiệu quả khá cao.

 

Nuôi tôm theo quy trình VietGAP tại cơ sở nuôi tôm của gia đình ông Bùi Ngọc Liêm, khu 9, phường Hải Hòa.
Nuôi tôm theo quy trình VietGAP tại cơ sở nuôi tôm của gia đình ông Bùi Ngọc Liêm, khu 9, phường Hải Hòa.

Cơ sở nuôi tôm của gia đình ông Bùi Ngọc Liêm, khu 9, phường Hải Hoà là một trong 2 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP tại Móng Cái. Với diện tích hơn 6,5ha, ông Bùi Ngọc Liêm đã đầu tư hạ tầng lên tới hơn 80 tỷ đồng với các ao nuôi bằng nhà bạt; hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, máy cho tôm ăn hoàn toàn tự động. Ông Bùi Ngọc Liêm cho biết: Từ năm 2015, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, tôi đã thử nghiệm nuôi theo quy trình VietGap với 1 ao nuôi, diện tích hơn 1.500m2. Theo quy trình VietGAP, quá trình nuôi phải ghi nhật ký, kiểm soát được toàn bộ từ cải tạo ao đầm, con giống, môi trường và việc sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn trong toàn bộ quá trình nuôi. Ngay trong vụ nuôi thử nghiệm đầu tiên, tôi thu được hơn 10 tấn tôm. Với quy trình VietGAP đã giảm thiểu rất nhiều rủi ro về dịch bệnh, đồng thời tôm thương phẩm được giá hơn, cho hiệu quả kinh tế khá cao. Đến nay, toàn bộ diện tích ao nuôi của gia đình đã áp dụng quy trình VietGAP và cơ sở nuôi của gia đình tôi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện theo tiêu chuẩn VietGAP.

 Hiện nay, áp dụng quy trình VietGAP, cơ sở nuôi tôm của ông Liêm đang sử dụng công nghệ nuôi sử dụng vi sinh BOX - một sản phẩm của Mỹ đang được Hội Nông dân tỉnh triển khai thử nghiệm tại một số cơ sở nuôi tôm và công nghệ nuôi tuần hoàn nước do Sở KH&CN triển khai. Công nghệ nuôi tuần hoàn đang được áp dụng đối với 3 ao nuôi, mỗi ao có diện tích 5.000m2 và một ao gièo giống diện tích 1.500m2. Với công nghệ này, việc gièo giống chỉ mất thời gian 1 tháng và thời gian nuôi chỉ 2 tháng/vụ. Nước tuần hoàn qua các ao nuôi, ao xử lý nước và thu gom nước thải, hạn chế việc thay nước trong ao nuôi nên một năm người nuôi tôm có thể nuôi từ 3-4 vụ. Cùng với hệ thống cảnh báo, quan trắc môi trường được lắp đặt tại toàn bộ các ao nuôi, người nuôi tôm có thể kiểm soát được môi trường nước, tình hình dịch bệnh mọi lúc, mọi nơi, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh trong nghề nuôi.

Cơ sở nuôi tôm của anh Ngô Văn Diệm, khu 7, phường Hải Hòa với diện tích 5,1ha cũng đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Diệm cho biết: Điểm khác biệt khi nuôi tôm theo quy trình VietGAP là người nuôi phải kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, như nước, thức ăn, con giống nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trên diện tích 5ha nuôi tôm thẻ chân trắng, anh Diệm chia nhỏ các ao nuôi, mỗi ao có diện tích 1.000m2. Để ương con giống, anh đầu tư 2 ao với diện tích 500m2/ao, khi ương 25-30 ngày tuổi thì đưa sang ao nuôi thương phẩm. Toàn bộ con giống được mua từ cơ sở cung cấp giống đạt tiêu chuẩn, được kiểm dịch trước khi thả nuôi, mua thức ăn từ đại lý đảm bảo uy tín chất lượng. Trong suốt quá trình nuôi chỉ sử dụng các loại thuốc, hoá chất nằm trong danh mục được phép lưu hành, ghi chép cẩn thận nhật ký ao nuôi từ khâu nhập con giống, thức ăn, cải tạo ao nuôi đến thu hoạch, xử lý chất thải sau thu hoạch.

Theo kế hoạch, năm nay TP Móng Cái sẽ thả nuôi 1.900ha thuỷ sản các loại, trong đó diện tích nuôi tôm hơn 1.600ha. Tại các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, người nuôi tôm đã tự đầu tư xây dựng các hệ thống đường, điện, kênh mương, hệ thống ao, đầm nuôi với một số công nghệ tiên tiến như: Ao nuôi có mái che nuôi tôm vụ đông, máy bắn thức ăn, nuôi vi sinh, hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi... Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chứng nhận đủ điều kiện nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP giúp cho các cơ sở nuôi tạo lòng tin với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong điều kiện giá tôm không ổn định như hiện nay, mô hình nuôi tôm VietGAP mở ra hy vọng mới cho nông dân, nâng cao giá trị và ổn định đầu ra sản phẩm để phát triển nghề nuôi bền vững.

Hữu Việt
Loading...