Nuôi tôm trong bể- hướng đi mới của Nông dân Quảng Nghĩa

30/08/2020 23:33
Tiết kiệm chi phí hơn so với nuôi tôm theo hình thức ao nuôi truyền thống ở ngoài trời, lại an toàn, hạn chế rủi ro- đó là lợi thế mới của mô hình nuôi tôm trong bể ở Quảng Nghĩa. Đây được coi là hướng đi mới để nông dân Quảng Nghĩa thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Gia đình Ông Phạm Văn Đỗ ở thôn 3, xã Quảng Nghĩa có “thâm niên” nuôi tôm hơn 20 năm. Thành công cũng có nhưng thất bại cũng nhiều bởi nghề nuôi tôm bằng ao nuôi truyền thống ngoài trời chịu rủi ro và tác động trực tiếp từ tự nhiên. Năm 2020, sau khi học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm từ các nơi và bằng sự tìm tòi, nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm của bản thân, Ông Đỗ bắt đầu thử nghiệm nuôi tôm trong bể. Với số vốn ban đầu gần một tỷ đồng, trên diện tích khu nuôi khoảng 800 mét vuông có mái che đơn giản, thoáng khí, Ông Đỗ xây 32 bể xi măng, nền và 4 bức tường lót bạt, sử dụng hệ thống sục khí để nuôi thả tôm thẻ chân trắng. Sau 3 tháng, tôm trong bể đã cho thu hoạch với chất lượng và thành phẩm tương đương như tôm nuôi trong ao ngoài trời, mà chi phí lại tiết kiệm hơn cả.

Ông Phạm Văn Đỗ bên con tôm thành phẩm 

Ông Đỗ chia sẻ: Gia đình cũng đi tìm hiểu nhiều nơi và học được cách nuôi tôm trong bể. Đây là mô hình công nghệ cao, nuôi tôm khép kín. Qua quá trình sản xuất ban đầu, Tôi thấy lượng điện tiêu thụ giảm được khoảng 30 triệu đồng so với nuôi bên ngoài trời, chất lượng tôm thì cũng tương đương. Về xử lý môi trường, gia đình xây bể lọc, sau đó đưa nước đã lọc sạch ra ngoài, chất lắng đọng thì đem bón cây, tiết kiệm được phân bón cho sản xuất mà vẫn đảm bảo môi trường.

Theo Ông Đỗ, nuôi tôm trong bể có chi phí đầu tư ban đầu thấp,

ai có điều kiện tài chính đến đâu thì làm đến đó, ít rủi ro

So sánh về hiệu quả kinh tế và rủi ro giữa 2 hình thức: nuôi tôm trong bể và nuôi tôm trong ao ngoài trời, Ông Đỗ khẳng định: nuôi truyền thống thì khả năng năm được năm thua, nhưng nuôi trong bể thì tỷ lệ rủi ro thấp (do tôm được chia từng bể nhỏ riêng biệt, giả sử có tôm bệnh ở bể nào, chỉ cần tháo nước và xử lý ở bể đó, hoàn toàn không ảnh hưởng tới tôm ở bể khác). Theo tìm hiểu của Ông Đỗ thì ở những nơi đã nuôi, năm nào cũng thành công!

Những ngày này, gia đình Ông Đỗ rộn ràng thu hoạch tôm nuôi trong bể với 3 tấn thành phẩm đã xuất bán. Với giá 170 nghìn đồng/ kg (loại 35- 40 con/ kg), Ông Đỗ đã thấy lợi nhuận cao hơn hẳn so với cách nuôi truyền thống ngay từ vụ ban  đầu. Trên đà thắng lợi, gia đình Ông Đỗ tiếp tục vệ sinh các bể nuôi, xử lý nguồn nước cẩn trọng và khẩn trương thả giống mới, quyết tâm nuôi từ 4- 5 vụ/ năm.

Gia đình tiếp tục vệ sinh bể, chuẩn bị thả giống mới ngay sau khi thu hoạch 

Ông Vũ Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Nghĩa

thăm, động viên gia đình Ông Đỗ 

Từ thành công bước đầu của mô hình nuôi tôm trong bể của gia đình Ông Đỗ ở thôn 3, xã Quảng Nghĩa, tới nay, địa phương sẽ có hướng nhân rộng, góp phần nâng cao giá trị ngành thủy sản nơi cửa ngõ thành phố.

Ông Vũ Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Nghĩa cho biết: Quảng Nghĩa là xã miền núi, khó khăn của TP Móng Cái. Xác định rõ đặc thù địa bàn, Đảng bộ, chính quyền xã tập trung phát huy tiềm năng thế mạnh của xã về nông- lâm- ngư nghiệp, coi đây là cách làm quan trọng để  giảm nghèo. Những năm qua, chúng tôi rất quan tâm xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại và đã có nhiều mô hình phát triển tốt như: nuôi tôm trong bể, trồng cam, thanh long, gà, bưởi Diễn .. bước đầu nâng cao đời sống của nhân dân.

Thời gian tới, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn với xây dựng NTM nâng cao, xã Quảng Nghĩa tiếp tục tuyên truyền vận động, nhân rộng các mô hình, trong đó có mô hình nuôi tôm trong bể… quan tâm định hướng, kêu gọi hỗ trợ, tạo cơ chế rõ ràng để người dân thực hiện các mô hình, quan tâm tìm đầu ra cho sản phẩm…

Từ thành công bước đầu của mô hình nuôi tôm trong bể, cộng với những tín hiệu tích cực từ nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đã vạch rõ những hướng đi mới cho nông dân Quảng Nghĩa, khẳng định sâu sắc một chân lý, đó là: khi có sự quan tâm đúng, trúng của Đảng, Nhà nước, sự sát sao của mỗi cán bộ địa phương với phương châm “cán bộ là công bộc của nhân dân” và sự chủ động, quyết tâm của mỗi người dân thì chắc chắn “có sức người- sỏi đá cũng thành cơm”.

Thu Hằng
Trung tâm TTVH
Loading...