Nỗi lo từ sán lợn

21/03/2019 07:38
Những ngày qua, câu chuyện được người dân quan tâm theo dõi, lo lắng nhiều chính là việc hàng nghìn trẻ ở Bắc Ninh được gia đình đưa đi xét nghiệm sán lợn tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Kí sinh trùng Trung ương, trước nghi vấn học sinh ăn thịt lợn nghi có sán ở trường học. Và những hoài nghi này là hoàn toàn có cơ sở khi đến thời điểm này, đã có 81 trẻ dương tính với sán lợn được xét nghiệm ở hai cơ sở y tế trên.

Câu chuyện chỉ được phát hiện khi các phụ huynh học sinh Trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) nghi con em mình ăn phải thịt lợn nhiễm sán gạo, gà đông lạnh, chân gà hư hỏng... và âm thầm theo dõi. Trước vụ việc trên, Hiệu trưởng ngôi trường này đã bị đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu công an vào cuộc làm rõ vụ thịt nhiễm sán ở trường mầm non này.

Có một thực tế đáng buồn là những câu chuyện về mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học thời gian qua hầu như chỉ do phụ huynh học sinh nghi ngờ, lo lắng rồi theo dõi phát hiện ra. Trong khi đó, để thực phẩm đến được bữa ăn của học sinh nếu theo quy trình thì phải qua rất nhiều bước kiểm định. Và ở trong quy trình đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các trường học đóng vai trò vô cùng quan trọng, những người luôn theo sát học sinh, ấy vậy mà việc phát hiện các sự việc đáng buồn lại chính là phụ huynh?!

Trước tình trạng nhiều học sinh ở Bắc Ninh dương tính với sán lợn, Bộ Y tế ngay lập tức ra khuyến cáo người dân phòng bệnh sán lợn trong cộng động. Theo Bộ này thì đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành phố có trường hợp mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn. Việc mắc bệnh là do liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, như vậy sẽ tương tự như ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn. Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện bệnh khác nhau.

Theo Bộ Y tế thì người dân không nên hoang mang vì bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Bộ khuyến cáo người dân không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm; không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn)...

Quay trở lại câu chuyện trẻ dương tính với sán lợn ở Bắc Ninh. Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu tỉnh này khẩn trương kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, sớm báo cáo việc thực phẩm không đảm bảo chất lượng xuất hiện trong Trường Mầm non Thanh Khương và việc nhiều học sinh có kết luận dương tính với sán lợn. Bộ cũng yêu cầu sở GD&ĐT các địa phương tăng cường chỉ đạo trường học đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn bữa ăn cho học sinh.

Có lẽ, câu chuyện về vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học luôn là nỗi lo lắng, băn khoăn của các bậc phụ huynh khi gửi gắm con em mình đến trường. Bởi thực tế hiện nay việc học sinh có được bữa ăn an toàn hay không phụ thuộc phần lớn vào cái tâm của nhà cung cấp dịch vụ, hệ thống lãnh đạo, thầy, cô giáo trong các trường, những người hằng ngày, hằng giờ theo sát học sinh, chăm lo từng giờ học, bữa ăn, giấc ngủ. Và để những chuyện buồn như ở Trường Mầm non Thanh Khương không còn xảy ra thì điều quan trọng nhất là mỗi hành động, mỗi việc làm của chúng ta phải xuất phát từ tình yêu thương.

baoquangninh.com.vn
Loading...