“Phát huy hiệu quả đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước bằng nỗ lực của chính người dân trong việc vươn lên thoát nghèo, tham gia phát triển sản xuất”

19/11/2018 17:16
Đây là ý kiến phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị BTV Tỉnh ủy diễn ra vào sáng nay, 19-11.

 

Hội nghị BTV Tỉnh ủy cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng.

Báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cho biết, ngay từ đầu năm 2018, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của UBND tỉnh, hệ thống khung pháp lý quản lý, điều hành và các văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh đã cơ bản được hoàn thành. Các chính sách giảm nghèo của Nhà nước và của tỉnh đã được triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa. Đời sống của nhân dân ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn tiếp tục có sự thay đổi, nhất là về hạ tầng cơ sở phục vụ cho việc sản xuất, phát triển kinh tế.

Từ việc lồng ghép nguồn lực các chương trình đã tạo sức mạnh hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tới nay, diện mạo của các xã, các thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn và địa phương xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền trong tỉnh.

Tốc độ giảm nghèo của tỉnh trong 10 tháng đầu năm 2018 ước giảm trên 0,5% (khả năng đạt mục tiêu cả năm giảm 0,7%); nhận thức của người dân về giảm nghèo có chuyển biến tích cực, phong trào tự nguyện thoát nghèo có sức lan tỏa sâu rộng (tiêu biểu ở huyện Ba Chẽ), được UBND tỉnh khuyến khích nhân rộng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã tập trung cho công tác rà soát, xác định hiện trạng nông thôn mới, xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư trên khả năng về nguồn lực, phân bổ nguồn vốn sớm làm cơ sở cho địa phương triển khai. Công tác kiểm tra, giám sát hướng dẫn cơ sở, đặc biệt là cấp xã, thôn được các sở, ngành triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động từng bước đi vào chiều sâu, sát đối tượng với những nội dung cụ thể thiết thực, do vậy, bước đầu đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Công tác đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ cơ sở được quan tâm hơn.

Đối với Chương trình 135, Đề án 196, các địa phương đã thực hiện Đề án với tinh thần, quyết tâm cao, phấn đấu đưa xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK sớm hơn so với lộ trình được phê duyệt và cao hơn chỉ tiêu phấn đấu của tỉnh năm 2018 (cao hơn 03 xã và 11 thôn). Các xã, thôn ĐBKK đều có chuyển biến tích cực về các tiêu chí, điều kiện hoàn thành Chương trình 135 và ra khỏi diện ĐBKK, do đó, đến nay một số xã, thôn đã đạt tiêu chí hoàn thành Chương trình 135. Nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng và người dân tại các xã, thôn ĐBKK thực hiện Đề án 196 được nâng lên, thể hiện ở sự đồng thuận, chủ động, tích cực tham gia thực hiện.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ cho 1.250 hộ nghèo, với tổng số vốn đã triển khai thực hiện là 53,85 tỷ đồng. Về giảm nghèo, đã có thêm 5 xã và 40 thôn ĐBKK đạt các tiêu chí để ra khỏi diện ĐBKK trong năm 2018; hộ nghèo đã giảm 1.965 hộ.

Kết cấu hạ tầng thiết yếu, trong đó chủ yếu là hạ tầng phục vụ trực tiếp cho phát triển sản xuất được cải thiện rõ rệt đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân. Một số mô hình, dự án phát triển sản xuất triển khai có hiệu quả, được nhân rộng đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo nâng cao nhận thức, bước đầu chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập, là cơ sở để thoát nghèo bền vững. Nhiều hộ dân đã chủ động đăng ký thoát nghèo, đặc biệt, một số hộ dân đã viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, thể hiện sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và quyết tâm thực hiện Đề án.

Trao đổi ý kiến tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, giám sát, hướng dẫn triển khai ở một số cấp ủy, chính quyền vẫn chưa sâu sát, quyết liệt;  còn có tư tưởng bằng lòng với kết quả đạt được, đặc biệt ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí cũ; một số sở, ngành chưa thực sự chủ động trong việc hướng dẫn triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao, chưa thường xuyên bám sát địa phương được phân công theo dõi. Việc huy động tổng thể các nguồn lực, nhất là huy động nguồn lực xã hội hóa và sự tham gia của chính cộng đồng, người dân trong thực hiện các Chương trình chưa được các địa phương chú trọng và kết quả chưa cao mà nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế; việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn cùng mục tiêu để thực hiện Chương trình tại một số địa phương chưa được quan tâm, tỷ lệ bố trí vốn còn thấp...

Kết luận về nội dung này, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến công tác an sinh xã hội đặc biệt là việc ưu tiên nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội các vùng khó khăn. Đồng chí cũng khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật. Với những cách làm sáng tạo, thiết thực và hiệu quả, các Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập cho người dân.

Phát huy những kết quả đã đạt được, đồng chí yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát, đánh giá, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ trong các hoạt động giảm nghèo; kiên quyết không chạy theo thành tích, tránh phô trương, không hình thức; đảm bảo hiệu quả tiết kiệm, tránh lãng phí, tiêu cực, nhất là trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho chương trình.

Trong công tác xây dựng nông thôn mới, không vội vàng, làm đến đâu chắc đến đó, tránh hình thức; phải kiểm tra chặt chẽ, rà soát kỹ các tiêu chí, không chạy theo hình thức và địa phương nào đã đưa vào kế hoạch thì phải thực hiện được. Những tồn tại trong lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải khắc phục ngay, đồng thời phải bám sát cơ sở để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh. Với những đóng góp của nhân dân phải có tỷ lệ hợp lý, không hỗ trợ người dân 100% để tạo cho người dân lối suy nghĩ phải có trách nhiệm.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng yêu cầu các cấp chính quyền phải thay đổi quy chế cũng như khuyến khích khen thưởng với những người dân chủ động vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, cần nâng cao chỉ số việc làm và nhanh chóng hoàn thành việc giao đất cho người dân. Đối với Chương trình 135, đồng chí chỉ đạo phải xem xét các trường hợp thực sự nghèo để có chỉ đạo bền vững, đạt hiệu quả cao nhất.

Cũng tại hội nghị, BTV Tỉnh ủy đã thống nhất về chương trình kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 12 năm 2018. Trong đó, kỳ họp sẽ bàn và quyết nghị một số vấn đề như: điều chỉnh, bổ sung quy định thu một số khoản phí, lệ phí tại NQ 62/2017/NQ-HĐND ngày 7/7/2017 của HĐND tỉnh; quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; chính sách hỗ trợ nhà ở và thu hút lao động vào làm việc tại KCN cảng biển Hải Hà đến năm 2020…

BTV Tỉnh ủy cũng cho ý kiến về dự thảo chương trình công tác và chương trình kiểm tra, giám sát, thanh tra của tỉnh Quảng Ninh năm 2019./.

quangninh.gov.vn
Loading...