Gia đình là “tế bào” của xã hội, gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển (ảnh: Vietcombank Móng Cái)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”.
Thực hiện tâm nguyện của Người, ngày 04/5/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày Gia đình Việt Nam là một ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người thiếu vắng bố mẹ, gia đình. Mỗi gia đình phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc. Ở Việt Nam, gia đình được hình thành và phát triển với những chuẩn mực, giá trị tốt đẹp, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Đó là những giá trị truyền thống như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu nghĩa, hiếu học…đã được mỗi gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Vì thế, Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để mỗi người con hướng về cội nguồn, về người thân, nuôi dưỡng những tình cảm, giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Dù có đi đâu, làm gì đi chăng nữa, dù bạn là ai, hãy luôn hướng về gia đình, nhớ đến gia đình với những gì tốt đẹp nhất.
Những năm qua, tại TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng, đón nhận. TP Móng Cái đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm thông tin tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững, thực hiện tốt công tác phòng chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em.
Móng Cái đạt giải A toàn đoàn tại hội thi “Cha trách nhiệm, mẹ thảo hiền, con cái chăm ngoan”
Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh đã tổ chức Hội thi “Cha trách nhiệm, mẹ thảo hiền, con cái chăm ngoan”, nhằm tuyên truyền kỷ niệm 21 năm ngày gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2022) và tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình. Tham gia Hội thi, với sự nỗ lực cố gắng cao nhất, Đoàn tuyên truyền TP Móng Cái đã xuất sắc là 1 trong 3 đội thi đạt giải A toàn đoàn khối các thị xã thành phố. Qua đó góp phần truyền tải ý nghĩa sâu sắc về truyền thống gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, văn hóa trong thời đại mới.
Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Móng Cái đã ra Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 10/6/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trên địa bàn thành phố Móng Cái. Trong đó nêu rõ:
Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường để hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách cho con người và lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta, là trách nhiệm của toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền các cấp.
Trong những năm qua, công tác gia đình trên địa bàn Thành phố Móng Cái luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện đạt được những kết quả tích cực: Tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm tăng, số vụ bạo lực gia đình giảm, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình có nhiều tiến bộ; giữ ổn định tỷ suất sinh, tăng quy mô dân số đảm bảo lộ trình phát triển bền vững; việc chăm lo, vun đắp, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình, nhất là các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân được coi trọng, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng dân chủ, văn minh, tiến bộ, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao, nhiều gia đình nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, kinh tế hộ gia đình ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế; chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi ngày càng được cải thiện, nâng cao tuổi thọ của người dân, giảm tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ em; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng 02 lần so với năm 2015, Thành phố không còn hộ nghèo (trừ hộ thuộc diện bảo trợ xã hội).
Chỉ thị của BTV Thành ủy Móng Cái cũng nêu rõ, ngoài kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, cụ thể là tình trạng vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, vi phạm chính sách dân số, việc sinh con thứ 3 trở lên, lựa chọn giới tính khi sinh, nhất là trong cán bộ, đảng viên gia tăng; công tác giáo dục hôn nhân, cung cấp các kiến thức làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình chưa được coi trọng, tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, trẻ em vi phạm pháp luật... diễn biến phức tạp; do quá tập trung phát triển kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên gia đình, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi; giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình đang có biểu hiện xuống cấp, điều kiện đời sống sinh hoạt và mặt bằng trình độ dân trí có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền, các tệ nạn xã hội làm một số gia đình có nguy cơ đổ vỡ. Nguyên nhân chủ quan do một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác gia đình, chưa có giải pháp khắc phục; công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về công tác gia đình chưa thường xuyên, thiếu chiều sâu; Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, định kiến “Giới”, có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”; nguồn lực cho công tác gia đình còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Các cơ quan, đơn vị…trên địa bàn hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, góp phần xây dựng văn hóa giàu bản sắc người Móng Cái, tăng qui mô và chất lượng dân số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm quốc phòng an ninh. Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; trong đó cụ thể là: Quán triệt sâu sắc và toàn diện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật trẻ em, Pháp lệnh dân số….
Bên cạnh đó, xác định gia đình là một trong những nhân tố quyết định sự phát triển bền vững, xây dựng gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” là nội dung quan trọng để nâng cao chỉ số hạnh phúc của Nhân dân. Gắn xây dựng gia đình với tăng qui mô chất lượng dân số, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững thành phố Móng Cái văn minh, hiện đại; xây dựng Móng Cái là “nơi đáng đến; nơi đáng làm việc và cống hiến; nơi đáng sống”.
Tăng cường củng cố vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác xây dựng gia đình; tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò của gia đình; phát huy trách nhiệm người đứng đầu các cấp về công tác xây dựng gia đình; cán bộ, đảng viên đề cao tính tiền phong, gương mẫu và vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc, nhất là việc chấp hành tốt chính sách dân số, sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt; xây dựng gia đình đảng viên, cán bộ gương mẫu, hạnh phúc, 3 không “không vi phạm chính sách pháp luật, không đơn thư, không bạo lực”. Lấy kết quả thực hiện là tiêu chí để kiểm điểm, đánh giá thực hiện nhiệm vụ chính trị, đánh giá thi đua của tập thể, người đứng đầu cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, cơ quan, đơn vị hàng năm. Nghiêm khắc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình; thiếu gương mẫu trong sinh hoạt gia đình, bạo lực gia đình.
Đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước, thực hiện hiệu quả các Chiến lược về xây dựng gia đình, phát triển hệ giá trị gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống và các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc; đưa nhiệm vụ phát triển gia đình vào các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng năm của các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, pháp luật về gia đình. Đầu tư nguồn lực, xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao văn minh hiện đại, trung tâm y tế, trạm y tế, trường học, nhất là khu vui chơi cho trẻ em, người cao tuổi, hệ thống nhà văn hoá, thư viện, công trình văn hoá, lịch sử phục vụ nhu cầu chăm sóc, nâng cao thể chất và đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Dành quĩ đất xây nhà ở cho công nhân, người lao động thu nhập thấp; chăm lo gia đình công nhân trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp đảm bảo đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần lành mạnh, tiến bộ. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về gia đình tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn kết dân số, bình đẳng giới và trẻ em. Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình từ Thành phố đến các xã, phường; nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình.
Đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức lối sống; gia đình giữ vai trò trung tâm trong mối quan hệ giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội; vận động, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các tiêu chí gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Gắn kết hài hòa, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, định hướng các giá trị đạo đức, lối sống, kiến thức, kỹ năng sống, trách nhiệm vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc; xây dựng môi trường văn hóa, hình ảnh “Người Móng Cái thân thiện, năng động, sáng tạo”, giàu lòng nhân ái, có ý chí khát vọng đổi mới, phát triển. Phê phán, lên án, kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, nhất là địa bàn vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình; gia đình văn hóa tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh em đoàn kết. Phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam”, “Gia đình Văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, thực hiện quy ước, hương ước cộng đồng; xây dựng tiêu chí gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Tổ chức chiến dịch truyền thông nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11); tuyên dương gia đình tiêu biểu, tạo sự lan tỏa, hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, tôn vinh giá trị gia đình.
Chủ động giải quyết các yêu tố an ninh phi truyền thống ngay trong gia đình, từ sớm, từ xa, từ cơ sở; phát triển kinh tế hộ gia đình; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng chiến lược “03 con, 02 cây, 01 điểm đến”, phát triển sản phẩm OCOP đặc thù Móng Cái; khuyến khích thanh niên trẻ xây dựng gia đình về thành phố sinh sống, để mưu sinh, khởi nghiệp, lập nghiệp, cống hiến, phát triển; gắn xây dựng gia đình với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh. Thực hiện công tác an sinh xã hội, cung cấp dịch vụ hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế bền vững; hỗ trợ gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số; giảm nhanh mức độ, chênh lệch nhận thức, hưởng thụ văn hóa, khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực phường trung tâm với các xã vùng đồng bào biên giới, hải đảo, dân tộc; gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội, thực hiện tốt chương trình phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác gia đình. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc giám sát, phản biện các chính sách liên quan đến công tác xây dựng gia đình. Định kỳ sơ, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện; kịp thời khen thưởng, biểu dương đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm liên quan đến công tác gia đình, nhất là đối với đảng viên, cán bộ, công chức để làm gương.
Có thể nói, TP Móng Cái luôn quan tâm chú trọng phát huy những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam nói chung, bản sắc con người Móng Cái nói riêng, qua đó nhân lên những “tế bào xã hội” hạnh phúc, ngày càng bền vững, xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền chặt./.