Phát huy tiềm năng, lợi thế của KKTCK Móng Cái

01/08/2017 13:54
Móng Cái là địa phương hội tụ được những tiềm năng, lợi thế khác biệt và toàn diện thể hiện ở 5 giá trị nổi trội. Thứ nhất, Móng Cái là điểm khởi đầu của vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Trong chiến lược phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung, Quảng Ninh với vị trí địa chiến lược quan trọng được xác định là điểm hội tụ của cả hai hành lang kinh tế, điểm trung chuyển giữa Trung Quốc với Việt Nam và là trung tâm của vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, nằm trong vùng kinh tế động lực phía Bắc Việt Nam và phía Nam Trung Quốc. Với vị trí điểm đầu như vậy, Móng Cái là mắt xích quan trọng để trở thành một điểm phát triển kinh tế mang ý nghĩa động lực của tỉnh và cả vùng.

 

Một góc TP Móng Cái hôm nay.

Thứ hai, Móng Cái là địa bàn có điều kiện xây dựng thành khu kinh tế mở vì có cả biên giới trên bộ lẫn trên biển, có thành phố cửa khẩu quốc tế làm hạt nhân. Thực tế cho thấy, Móng Cái đã từng bước thể hiện được vai trò trung tâm của các dịch vụ thanh toán tài chính biên mậu trong giao dịch kinh tế của cả nước với Trung Quốc. Nơi đây đang có sự chuyển mình rất lớn và được xác định là cửa ngõ chủ lực, đóng góp tích cực trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Thứ ba, Móng Cái là nơi xuất phát quan trọng trong chiến lược biển đối với khu vực đông bắc Việt Nam và khu vực phía đông nam Trung Quốc. Bên cạnh TP Hạ Long và KKT Vân Đồn, KKTCK Móng Cái ngày càng nổi bật trong vai trò “trạm trung chuyển quốc tế” trong mạng lưới giao thông của khu vực Vịnh Bắc Bộ. Với lợi thế chung đường biên giới trên bộ và trên biển; đường bờ biển dài, cộng với lợi thế lạch nước sâu đã tạo cho Móng Cái có đủ điều kiện để xây dựng cầu cảng tiếp nhận tàu cỡ lớn có trọng tải lên tới 150.000 DWT, nối liền với các trung tâm kinh tế lớn như: Bắc Hải, Nam Ninh, Hải Nam, Thâm Quyến, Ma Cao, Hồng Kông, Nhật Bản...

Thứ tư, Móng Cái có lợi thế trở thành một trong những điểm giao thương và phát triển quan hệ quốc tế trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Trung Quốc. Với vị trí địa quan trọng, có đường thông thương đến các trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc, Móng Cái được định hướng là cửa ngõ, là đầu mối giao thông giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc, cũng như giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, trong khuôn khổ xây dựng khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Thời gian qua, Móng Cái đang dần trở thành một khu vực năng động, sầm uất với các trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch sôi động; một trung tâm kinh tế, đầu mối chính về trung chuyển, thương mại của tỉnh và cả vùng. Như vậy, Móng Cái không chỉ ngày càng trở nên quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, mà còn ngày càng được khẳng định trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và hợp tác kinh tế với ASEAN và Trung Quốc.

Thứ năm, Móng Cái có sự liên kết phát triển nối với Vân Đồn, khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà và TP Hạ Long. Trong Quyết định số 19/2012/QĐ-CP ngày 10-4-2012, Thủ tướng Chính phủ đã đưa khu công nghiệp cảng biển Hải Hà vào KKTCK Móng Cái như một khâu đột phá, tạo ra không gian kinh tế rộng lớn cho phát triển KKTCK Móng Cái. Kết nối giữa KKTCK Móng Cái với TP Hạ Long và Vân Đồn sẽ tạo cho tỉnh phát triển toàn diện và bền vững trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế so sánh của các khu vực này. Đồng thời sẽ tập hợp sức mạnh liên hoàn từ việc phát huy tiềm năng và lợi thế riêng của từng địa bàn, tạo sức mạnh cạnh tranh với các khu kinh tế khác của Trung Quốc và các nước ASEAN.

Hội nhập kinh tế và hợp tác cùng phát triển là xu thế tất yếu của quá trình toàn cầu hoá, tự do hoá mậu dịch. Từ nhiều năm nay, Việt Nam và Trung Quốc đã hướng tới thúc đẩy hoạt động kinh tế đối ngoại, mở rộng hợp tác phát triển giữa hai nước. Chính phủ hai nước đang tích cực thúc đẩy hợp tác xây dựng hai hành lang, một vành đai kinh tế nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh, tiềm năng về mặt địa lý và đồng thời biến hành lang và vành đai kinh tế thành cầu nối thúc đẩy tự do hoá kinh tế, giao lưu văn hoá giữa Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN.

Trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt - Trung cũng như ASEAN - Trung Quốc ngày càng được đẩy mạnh thì tỉnh Quảng Ninh nói chung và KKTCK Móng Cái nói riêng có vị thế ngày càng quan trọng trong hợp tác hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.

KKTCK Móng Cái phát triển không chỉ đem lại thịnh vượng cho địa phương mà còn tạo sự phát triển lan toả đến các tỉnh, thành phố khác trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng Sông Hồng, cả nước và cả khu vực quốc tế lân cận. Chính vì vậy, cùng với việc tập trung lãnh đạo, dành nguồn lực cho Vân Đồn, Hạ Long thì Móng Cái cũng cần được ưu tiên đầu tư để tạo sự liên kết, lan toả giữa các khu vực trong tỉnh, trong vùng.

PV
Trung tâm TT&VH
Loading...