Trong những năm qua, cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, Thành phố luôn quan tâm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, chú trọng công tác đầu tư, bảo tồn, phát huy có hiệu quả các giá trị các di sản, các thiết chế văn hóa.
Trên địa bàn Thành phố Móng Cái ngày càng có nhiều di sản văn hóa được tôn vinh giá trị ở tầm Quốc gia và cấp Tỉnh. Đến nay đã 04 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; có 59 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, kiểm kê; trong đó, có 01 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đặc biệt; có 04 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 12 di tích xếp hạng cấp Tỉnh và 42 di tích đưa vào danh mục kiểm kê của tỉnh; toàn thành phố có 10 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Hàng năm, thành phố và các xã, phường duy trì và tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn hóa tâm linh, là điểm đến thăm quan du lịch không thể thiếu đối với du khách thập phương; các hoạt động văn hóa, đã góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống tinh thần, tín ngưỡng của nhân dân, là động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Trong những ngày tháng Giêng – mùa lễ hội, các di tích văn hóa, Đền, đình, Chùa... là nơi đón đông đảo nhân dân và du khách tới thăm quan, chiêm bái, vãn cảnh. Đây cũng là một trong những hoạt động ý nghĩa góp phần thúc đẩy du lịch tâm linh vùng biên giới địa đầu đất nước.
Đơn cử, Đình Bình Ngọc là một trong những di tích văn hóa luôn được đón nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ Tỉnh, Thành phố...; sự ủng hộ mọi nguồn lực, cả về vật chất, tinh thần của các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân và du khách khắp mọi miền tổ quốc nói chung và người dân Bình Ngọc hiện đang sinh sống trong và ngoài nước nói riêng trong việc đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị trong những năm qua.
Từ năm 2016, di tích đã được UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép phục hồi. Năm 2020, di tích đình Bình Ngọc được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp Tỉnh. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; là sự ghi nhận, tôn vinh những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của di tích và lễ hội; là dịp để tôn vinh, khẳng định nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của vùng đất và nhân dân Bình Ngọc;
Từ khi di tích Đình Bình Ngọc được phục hồi và duy trì tổ chức lễ hội đến nay, cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng toàn thể nhân dân Phường Bình Ngọc đã đoàn kết, đồng lòng, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao để bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị của Di tích; Trong đó, mỗi năm, vào dịp Lễ hội Đình, cấp ủy, phường Bình Ngọc đã chuẩn bị hết sức chu đáo, công phu; huy động được đông đảo các lực lượng tham gia; tổ chức với quy mô lớn hơn, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung (với nhiều nghi lễ truyền thống và hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao.... được tổ chức thực hiện), mang đậm bản sắc văn hoá và nét đặc sắc , độc đáo của con người, vùng đất nơi địa đầu đông bắc của Tổ quốc. Tiếp tục tạo sức lan toả rộng lớn, quảng bá các giá trị của di tích và lễ hội đình Bình Ngọc nói riêng và các nét đẹp văn hóa của thành phố Móng Cái nói chung đến du khách trong và ngoài nước.
Đồng chí Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái đánh giá: lễ hội Đình Bình Ngọc đã có sự chung tay, góp sức trong công tác bảo tồn, duy trì và phát huy giá trị Di sản có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hóa hết sức độc đáo của địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Quảng Ninh về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa,sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững”, phường Bình Ngọc nói riêng, các cơ quan chức năng của thành phố Móng Cái nói chung sẽ tiếp tục nghiên cứu, củng cố hồ sơ khoa học của di tích đình Bình Ngọc để đề nghị xếp hạng di tích là di tích cấp Quốc gia, xây dựng lễ hội đình Bình Ngọc là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, quảng bá về Di tích, mùa Lễ hội; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, lấy nhân dân là chủ thể trong việc tham gia bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương, gắn với hoạt động giáo dục truyền thống. Phối hợp, kết nối giữa di tích đình Bình Ngọc với các di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố để phát huy di sản văn hoá gắn với điểm đến du lịch “an toàn – thân thiện – hấp dẫn” để thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến với địa phương.
Nhìn từ cách phát huy giá trị di tích Đình Bình Ngọc, mở rộng ra toàn địa bàn, Móng Cái đã và đang kết hợp tốt việc vừa giữ gìn, bảo tồn các di sản văn hóa vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.
Thông qua các hoạt động kinh tế - xã hội các giá trị văn hóa được thấm sâu vào đời sống xã hội, tạo dựng và củng cố nền tảng tinh thần lành mạnh và tiến bộ; đồng thời các giá trị di sản văn hóa sẽ có cơ hội được lan tỏa và quảng bá rộng rãi đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đơn cử như: lễ hội Đền Xã Tắc thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia, góp phần kích cầu du lịch những ngày đầu năm; Ngành giáo dục và đào tạo Móng Cái triển khai phương pháp giáo dục di sản với nhiều hình thức, hướng tới nhiều đối tượng học sinh các bậc học từ mầm non tới THPT thông qua các hành trình khám phá di sản; phường Ka Long đẩy mạnh triển khai, thực hiện việc số hóa di sản; xã Vạn Ninh đưa hát nhờ tơ- hát múa cửa đình vào trường học; xã Hải Sơn với hành trình khám phá miền biên giới thiêng liêng hùng vĩ gắn với hành trình tìm về “địa chỉ đỏ” Pò Hèn thu hút hàng ngàn du khách, học sinh từ mọi miền Tổ Quốc… qua đó giúp người dân trong và ngoài nước hiểu biết, thêm yêu văn hóa truyền thống của vùng đất Móng Cái anh hùng nơi phên dậu Đông Bắc đất nước.
Trong thời gian tới, để phát triển chiều sâu ngành Văn hóa- vun đắp giá trị di sản thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Móng Cái tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về gắn kết di sản văn hóa với phát triển KTXH gắn với xây dựng người Móng Cái thân thiện, hào sảng, nghĩa tình. Tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hóa và tạo điều kiện cho du lịch phát triển, xây dựng chiến lược phát triển du lịch văn hoá phù hợp./.