Phát triển du lịch văn hóa nơi địa đầu Móng Cái

20/02/2024 15:01
Hiện nay, du lịch văn hoá đang là xu hướng phát triển của nhiều địa phương. Trong đó, TP Móng Cái, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng và hứa hẹn nhiều triển vọng của loại hình du lịch này. Xuân Giáp Thìn, cùng nhân dân mọi miền về Móng Cái trẩy hội, cùng xem, cùng ngẫm cách phát triển du lịch văn hóa nơi địa đầu Tổ Quốc.

Mở đầu cho chuỗi lễ hội Xuân ở Móng Cái là lễ hội Đình Vạn Ninh tại xã Vạn Ninh. Đặc biệt hơn, trong ngày khai hội, TP Móng Cái tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đình Vạn Ninh. 

Trước đó, ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3424/QĐ-BVHTTDL ghi danh: Lễ hội đình Vạn Ninh, xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện này là mốc son to lớn trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; là sự ghi nhận, tôn vinh những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của lễ hội đình Vạn Ninh, để di sản tiếp tục được tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa của dân tộc. Đây là một lễ hội mang nhiều nét đặc sắc vùng miền nên thu hút rất đông nhân dân và du khách tham gia. Lễ hội gồm hai phần: lễ và hội. Phần lễ luôn diễn ra trang trọng, linh đình với các nội dung: Lễ cáo yết, Lễ rước Thần, Lễ nghênh Thần, Lễ an vị, Lễ nhập tịch, Lễ cúng Thần, Lễ tế Thần và Lễ tống (tiễn) Thần. Phần hội thường được tổ chức sôi nổi và cuốn hút với hát nhà tơ, các trò chơi dân gian truyền thống, giao lưu văn nghệ … Đặc biệt nhất trong lễ hội đình Vạn Ninh phải kể đến một lối hát dân gian rất nổi tiếng mà người dân thường gọi là hát nhà tơ – hát cửa đình, hát chầu thần hay hát chúc thần. Loại hình nghệ thuật này được coi là phần hồn của lễ hội, là “đặc sản” văn hóa chỉ có ở vùng đất ven biển Đông Bắc này. Hát cửa đình gắn liền với tục thờ thành hoàng làng của người Việt. Với nhiều nét đặc sắc, hát nhà tơ – hát cửa đình đã trở thành tài nguyên văn hoá phi vật thể mang tính nguồn cội, là niềm tự hào không chỉ riêng của người Vạn Ninh mà còn của cả tỉnh Quảng Ninh, của cả một dải đất ven biển Đông Bắc Tổ quốc.

Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đình Vạn Ninh
Thành phố Móng Cái có 59 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 01 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 4 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 12 di tích lịch sử cấp tỉnh

Trước và trong những ngày diễn ra Lễ hội, hàng ngàn nhân dân, du khách thập phương, kiều bào về Đình dự lễ, tạo nên một bức tranh sống động, rực rỡ sắc màu văn hóa truyền thống dân tộc nơi vùng đất cổ. Ông Phạm Phương Thủ, một người dân thôn Bắc, xã Vạn Ninh cho biết: đình có từ hồi ông Thủ còn bé, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, gửi gắm niềm tin của nhân dân. Ông Thủ cũng như người dân trong làng rất vui mừng phấn khởi khi biết tin lễ hội đình Vạn Ninh được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với người dân nơi đây, không chỉ là niềm tự hào, mà còn là trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản …

Đối với Móng Cái, du lịch văn hóa là loại hình du lịch có tiềm năng lớn và hứa hẹn nhiều triển vọng. Vì vậy, Móng Cái đã xác định trong lộ trình phát triển du lịch sẽ dựa trên sự phát triển hài hoà về văn hoá tâm linh.

Di sản văn hoá được bảo tồn tốt, giá trị và tính hấp dẫn sẽ lớn hơn, đó cũng là cơ sở để địa phương xây dựng sản phẩm du lịch. Mặt khác, khi du lịch phát triển, các điểm đến sẽ có thêm những nguồn thu để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Hiện nay, thành phố Móng Cái có 59 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 01 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 4 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 12 di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngoài ra Móng Cái còn có trên 40 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, phân loại, trong đó có 03 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Lễ hội truyền thống đình Trà Cổ; Hát nhà tơ – Hát múa cửa đình và Lễ hội truyền thống đình Vạn Ninh, đó được coi là những “Cột mốc văn hóa” trường tồn, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia và là nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt có giá trị, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao, là nhân tố cơ bản, góp phần phát triển ngành du lịch thành phố theo hướng bền vững.

Chia sẻ về những định hướng, những giải pháp để phát huy các giá trị của các di tích, di sản cũng như phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn, Bà Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái nhấn mạnh: 

TP Móng Cái quan tâm xây dựng các sản phẩm du lịch mới trong đó chú trọng các sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với các loại hình du lịch đặc trưng của thành phố như du lịch biên giới, biển đảo… Thành phố sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trong bảo tồn phát huy các giá trị các di tích, di sản văn hóa. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá để nhân dân trong và ngoài địa bàn biết đến để chiêm bái, thăm quan, du lịch, giáo dục truyền thống. Đồng thời, huy động các nguồn lực để tôn tạo, bảo tồn, chú trọng công tác quy hoạch, chỉnh trang, kết hợp với hạ tầng sẵn có của thành phố Móng Cái, tạo điểm đến văn hóa hấp dẫn cho nhân dân và du khách.

Như vậy, tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hoá và du lịch, hỗ trợ nhau để phát triển thông qua việc di sản văn hoá được bảo tồn tốt, giá trị và tính hấp dẫn sẽ lớn hơn, đó cũng là cơ sở để địa phương xây dựng sản phẩm du lịch. Mặt khác, khi du lịch phát triển, các điểm đến sẽ có thêm những nguồn thu để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Với nhiều nỗ lực, TP Móng Cái quyết tâm phấn đấu đón trên 3 triệu lượt khách trong năm 2024.

(Ảnh trong bài của tác giả Nguyễn Hậu và Quý Motor)

 

Thu Hằng - Nguyễn Đức
Trung tâm TTVH
Loading...