Phòng chống đuối nước cho trẻ em: Nâng cao trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội

11/08/2022 08:25
Để góp phần phòng chống nguy cơ đuối nước cho trẻ em và nâng cao chất lượng công tác bảo vệ trẻ em. Bên cạnh sự quan tâm vào cuộc và chăm lo của cấp ủy - chính quyền các cấp, nhà trường và xã hội thì vai trò, trách nhiệm của gia đình là quan trọng hàng đầu trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục và giám sát phòng chống đuối nước đảm bảo an toàn cho con em mình bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Dạy bơi cho trẻ em phòng chống nguy cơ đuối nước. Ảnh: Hải Ninh

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Móng Cái liên tiếp xảy ra những vụ trẻ em bị đuối nước thương tâm, để lại nỗi đau, tổn thất to lớn cho gia đình và xã hội. Trước tình hình đó, TP Móng Cái đã tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo, ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 37- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho người dân và khách du lịch trên địa bàn”; bằng việc tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức trên hệ thống truyền thanh cơ sở, tuyên truyền trực quan và tuyên truyền miệng, mở các lớp tập huấn dạy bơi và cấp cứu đuối nước, xây dựng các mô hình thanh niên xung kích phòng chống đuối nước nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn đuối nước nhất là đối với trẻ em trên địa bàn.

Bên cạnh sự quan tâm vào cuộc và chăm lo của cấp ủy - chính quyền các cấp, nhà trường và xã hội thì vai trò, trách nhiệm của gia đình là quan trọng hàng đầu trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục và giám sát đảm bảo an toàn cho con em mình bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả. 

Tập huấn kỹ năng phòng chống thương tích và cấp cứu khi bị đuối nước ở trẻ em

Để góp phần phòng chống nguy cơ đuối nước cho trẻ em và nâng cao chất lượng công tác bảo vệ trẻ em, các gia đình cần phải thực hiện nghiêm các giải pháp cụ thể như: Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên; không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm, khi bơi phải có phao bơi an toàn; Không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ, sông suối, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố. Đối với những nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào, bên cạnh đó nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).

Móng Cái là thành phố có nhiều sông suối, ao hồ, kênh mương nước và gần biển tiềm ẩn nguy cơ gây đuối nước. Việc phòng ngừa tai nạn thương tích ở trẻ em nói chung và đuối nước nói riêng là rất cần thiết, đòi hỏi phải có sự đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt, cha mẹ cần chủ động hơn trong việc quản lý và đảm bảo môi trường vui chơi an toàn cho trẻ. Có như vậy mới tránh được những rủi ro tai nạn thương tâm đáng tiếc đối với trẻ em, đem lại hạnh phúc, bình yên cho mỗi gia đình và toàn xã hội./.

Trần Tương
Trung tâm TT và VH
Loading...