Ngày 03/10, phường Bình Ngọc tổ chức tuần tra, kiểm tra đột xuất các khu vực có nguy cơ xảy ra hiện tượng đánh bắt chim hoang dã trên địa bàn phường phát hiện, thu giữ và tiêu hủy 300m lưới 12 cọc tre của các đối tượng giăng bắt chim tự nhiên, thả 03 con chim về tự nhiên. Hiện tại đang vào mùa cao điểm chim di cư nên các đối tượng tranh thủ săn bắt ồ ạt trái phép. Tại đây, hàng chục mét lưới được giăng dọc các khoảng đất trống, trên ruộng lúa. Nhiều đàn chim di cư như: Cò, ngói… khi xuống kiếm ăn đã mắc bẫy lưới.
Bà Âu Thị Lương - Phó Chủ tich UBND phường Bình Ngọc cho biết: So với các năm trước, tình trạng săn bắt, mua bán trái phép các loài động vật hoang dã, chim tự nhiên trên địa bàn đã giảm nhiều nhưng vẫn chưa xử lý triệt để. Tuy nhiên, hiện nay nhóm đối tượng săn bắt này hoạt động tinh vi hơn, thêm vào đó, các dụng cụ săn bắt dễ mua, giá thành rẻ nên khi bị thu giữ các đối tượng dễ dàng mua, trang bị lại gây khó khăn trong việc phát hiện xử lý. Hiện địa phương đã thành lập tổ công tác liên ngành ra quân truy quét liên tục nhằm tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt trái phép các loài chim tự nhiên. Nhằm ngăn chặn triệt để nạn săn bắt chim di cư, thời gian tới UBND phường tiếp tục phối hợp Khối Dân vận phường tuyên truyền, vận động và thực hiện ký cam kết với các hộ dân; đồng thời tổ chức kiểm tra, tháo dỡ và tiêu hủy các dụng cụ bẫy chim tự nhiên, xử lý nghiêm các trường hợp tái diễn, cố tình vi phạm.
Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 và Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, UBND phường tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung văn bản chỉ đạo của Trung ương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn không tham gia săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài động vật hoang dã, chim tự nhiên trái pháp luật… Bảo vệ các loài chim hoang dã trong mùa di cư hàng năm chính là bảo vệ sự đa dạng sinh học của tự nhiên, góp phần cân bằng hệ sinh thái môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Do vậy, để hạn chế triệt để những hành vi giăng lưới, săn bắt chim di cư như hiện nay, ngoài sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của lực lượng chức năng thì rất cần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về công tác này. Theo quy định của pháp luật, các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, chế biến, kinh doanh trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư có thể bị xử lý hành chính, phạt từ 1 triệu đồng đến 360 triệu đồng hoặc xem xét khởi tố hình sự tùy theo mức độ vi phạm.