Phường đã triển khai rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu; hướng dẫn, yêu cầu chủ nuôi chó, mèo ký cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm để tiêm phòng vắc xin dại đạt 100% tổng đàn chó, mèo nuôi thuộc diện tiêm trên địa bàn phường, đảm bảo chỉ tiêu thành phố giao; thường xuyên rà soát tiêm phòng vắc xin dại bổ sung cho chó, mèo nuôi mới, đến tuổi tiêm phòng. Chỉ đạo trạm y tế phường tăng cường công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại, cách xử lý khi bị động vật nghi dại cắn; thực hiện khám, tư vấn, vận động tất cả các trường hợp người dân bị động vật nghi mắc bệnh dại cắn đến khám và chỉ định tiêm phòng vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền để chủ nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không được thả rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại đầy đủ theo quy định; tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết chó, mèo nghi mắc bệnh dại, các biện pháp phòng chống bệnh, các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại để nâng cao nhân thức cho người dân và cộng đồng chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại; tuyên truyền, phổ biến cách xử lý ban đầu vết thương bị chó, mèo nghi dại cắn và hướng dẫn người dân đến điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vắc xin phòng dại kịp thời.
Bà Âu Thị Lương- Phó Chủ tịch UBND phường thông tin: Thời gian qua, trên địa bàn phường thường xuyên diễn ra tình trạng chó thả rông, chó không đeo rọ mõm khi ra ngoài đường. Để xử lý, khắc phục tình trạng trên UBND phường xây dựng kế hoạch ra quân xử lý chó thả rông, xử lý các trường hợp nuôi chó thả rông mà không có biện pháp đảm bảo an toàn cho người xung quanh trên địa bàn phường năm 2024. Mục đích chính của kế hoạch là nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định về quản lý chó nuôi, phòng- chống bệnh dại; chấn chỉnh công tác quản lý đàn chó nuôi trên địa bàn và tăng cường công tác phòng- chống bệnh dại, từng bước xây dựng phường xanh, sạch, đẹp, đô thị văn minh, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ sức khỏe và tính mạng con người.
Theo đó, đợt ra quân xử lý chó thả rông trên địa bàn, đội xử lý chó thả rông có trách nhiệm phối hợp với các khu tổ chức kiểm tra tại các tuyến đường trên địa bàn phường, tại các nơi công cộng, nếu phát hiện chó thả rông không rọ mõm, dùng điện thoại ghi hình, xác định chủ vật nuôi, đồng thời lập biên bản xử lý vi phạm theo quy định. Bên cạnh đó, tổ chức bắt giữ chó thả rông của các chủ hộ gia đình và chó thả rông không có chủ thực hiện tạm giữ tại trụ sở UBND phường, sau 48 giờ không có chủ vật nuôi đến nhận thì tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật. “Đối với các trường hợp vi phạm thì sẽ tham mưu áp dụng các hình thức xử phạt theo các quy định của pháp luật. Trong đó, căn cứ Khoản 3, Điều 2, Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 3-1-2020 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Thú y, quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Căn cứ Điểm b, Khoản 1, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng”- ông Phúc nhấn mạnh.
Sáng 20/03, theo chân Đội xử lý chó thả rông của phường tiến hành kiểm tra, giám sát tại một số tuyến đường trên địa bàn phường. Mặc dù đã có thông báo trước đó nhưng dễ nhận thấy vẫn còn tình trạng chó thả rông không rọ mõm lang thang trên đường. Trong buổi sáng, đội đã bắt 2 con chó thả rông mang về phường chờ xử lý theo quy định.
Do đó, tích cực phòng chống bệnh dại sẽ là cách bảo vệ sức khỏe, tính mạng tốt nhất cho mỗi cá nhân và người thân trong gia đình, bảo đảm an toàn cho cộng đồng và xã hội./.