Quảng Nghĩa là xã vùng cao, vừa có đồi núi lại vừa có biển, nằm về phía Tây của thành phố Móng Cái; xã cách trung tâm thành phố Móng Cái 26 km; cách đường quốc lộ 18A khoảng 2,5 km và có địa giới tiếp giáp:
Phía Tây Bắc giáp xã Quảng Đức, Quảng Thành (huyện Hải Hà);
Phía Tây giáp xã Quảng Thắng (huyện Hải Hà);
Phía Bắc giáp xã Hải Sơn (thành phố Móng Cái);
Phía Đông giáp xã Hải Tiến (thành phố Móng Cái);
Phía Nam giáp biển.
Diện tích tự nhiên của Quảng Nghĩa hiện nay có 5.861 ha, trong đó có 4000 ha (chiếm 60% diện tích tự nhiên) là đồi núi xen kẽ với thung lũng.
Phía biển có bãi sú, vẹt rộng lớn, che chắn sóng biển bảo vệ đê điều, đồng thời là nơi các loại hải sản vào trú ẩn, sinh sản như cá, tôm, cua, ghẹ, mực, sát sùng, ngao, sò, v.v… Quảng Nghĩa có bãi triều lớn tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi trồng và đánh bắt hải sản phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế địa phương.
Hiện nay, Quảng Nghĩa đã có hệ thống đường liên thôn, liên xã từ đường 18A đi vào các thôn, khu dân cư. Được sự hỗ trợ của nhà nước, Quảng Nghĩa đã xây dựng được cầu treo bắc qua con sông Pạt Cạp nối hai bờ Đông - Tây của xã.
Hệ thống sông suối, bãi biển nằm trên địa bàn xã thấp dần từ Tây Bắc đến Đông Nam. Chảy qua địa phận xã Quảng Nghĩa có 3 con sông: ở phía Tây là sông Má Ham, phía Đông có sông Hồ Thính Coóng và chảy qua trung tâm xã có con sông Pạt Cạp bắt nguồn từ Quảng Đức (Nga Bát). Ở thượng lưu sông Pạt Cạp, hai con đập ngăn nước được xây dựng để ngăn nước dẫn về tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp (đập Pạt Cạp và đập Củ Sình).
Ba con sông trên đều hợp lưu vào sông Bầu rồi ra Cồn Rắn và thông ra Cửa Đại. Cửa Đại có nước sâu, rất thuận tiện cho tàu thuyền đánh cá ra vào.
Vị trí tự nhiên này đã và đang tạo cho Quảng Nghĩa những thuận lợi cơ bản cho việc giao lưu, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay.
Dân số của xã phát triển theo hướng di dân từ những địa bàn khác đến định cư là chính. Ngoài cộng đồng dân cư sở tại sinh sống từ lâu đời còn có bà con từ Hải Phòng, Hải Hưng (cũ) đến xây dựng kinh tế mới thay thế người Hoa về Trung Quốc (1978) và số bà con dân tộc từ Bình Liêu, Đình Lập đến từ năm 1997. Đến nay, có một số ít bà con công giáo ở Trà Cổ đến xã vào năm 1980, nhưng đến năm 1995 lại trở về Trà Cổ. Tính đến năm 2008, Quảng Nghĩa có tất cả là 732 hộ, với 3150 khẩu, gồm có 5 dân tộc anh em: Kinh, Tày, Dao, Sán Dìu, Hoa.
Thời kỳ thực dân Pháp thống trị nước ta, nhân dân trong xã chuyển sang sống thủy cư, các gia đình cứ lênh đênh trên biển làm nghề chài lưới để sinh sống, không một tấc đất cắm dùi. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân vùng biển xã Quảng Nghĩa vừa sản xuất, vừa tham gia ủng hộ hàng tấn lương thực, nhân dân và con em trong xã tích cực tham gia du kích, bộ đội, dân công kháng chiến giết giặc.
Từ sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc (7 - 1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Quảng Nghĩa tham gia vào quá trình sản xuất tập thể, từ tập đoàn sản xuất tiến lên hợp tác xã. Đây là thời gian mà nhiều hộ ngư dân Quảng Nghĩa đã lên đất liền cư trú và làm ăn. Hợp tác xã ngư nghiệp Tiến Thành được thành lập từ năm 1960 nhằm tổ chức cho ngư dân Quảng Nghĩa làm ăn theo hướng tập thể. Hợp tác xã ngư nghiệp của xã ra đời đã thúc đẩy hoạt động đánh bắt, nuôi thủy hải sản của địa phương đi lên, từ thủ công lên cơ giới hóa, thay thế sức kéo và sức đẩy của con người.
Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Hợp tác xã thủy sản Tiến Thành nhiều năm là đơn vị lá cờ đầu của ngành thủy sản của tỉnh Quảng Ninh và cả nước. Năm 1968, Hợp tác xã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 1983 được Chủ tịch nước tăng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 1984, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đến năm 1985, Hợp tác xã Tiến Thành vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lao động”. Ông Phạm Văn Mão - Chủ nhiệm Hợp tác xã được phong tặng “Chiến sỹ thi đua toàn quốc” và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Cơ cấu kinh tế hiện nay của Quảng Nghĩa bao gồm nông, lâm và ngư nghiệp.
Thực hiện chủ trương xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, năm 1992, Hợp tác xã nghề cá được giải thể chuyển sang sản xuất theo từng hộ gia đình. Các hộ gia đình đã sử dụng thuyền máy nhỏ từ 6CV, 12CV, 30CV, 45CV vẫn phát huy được nghề đánh bắt cá truyền thống, sản lượng hàng năm đạt 750 - 800 tấn hải sản các loại.
Quảng Nghĩa là địa phương có các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển: sản xuất gạch xây dựng, ngói âm dương, làm muối, chiếu cói, thêu ren, mành trúc xuất khẩu. Hiện nay còn duy trì và phát triển tốt nghề sửa chữa cơ khí, đóng và sửa chữa tàu thuyền phục vụ nghề cá, vận tải trong và ngoài huyện.
Mặc dù có tiềm năng phát triển nhưng từ năm 1989 trở về trước, đất đai sản xuất của Quảng Nghĩa bị bạc màu nên chậm phát triển với nền kinh tế thuần nông tự cung tự cấp. Trong những năm 1978 - 1980, sản xuất nông nghiệp của địa phương không cung cấp đủ lương thực cho nhân dân, phần lớn phải dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây là một thực tế của xã mà trước hết xuất phát từ quá trình di dân của người dân các nơi khác đến lập nghiệp chưa quen với điều kiện canh tác ở đây, công cụ sản xuất lại thiếu, dẫn đến năng suất thu được thấp.
Từ thời điểm thực hiện chủ trương “mở cửa” biên giới theo Thông báo số 118-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI (2 - 1989), đặc biệt là từ khi được phép áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu theo Quyết định 675/TTg ngày 18 - 9 - 1996 và chính thức theo Quyết định 53/2001/QĐ-TTg ngày 19 - 4 - 2001 của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Nghĩa đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong những năm gần đây, nông - lâm - ngư nghiệp của Quảng Nghĩa đã được tiến hành quy hoạch, tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm.
Quảng Nghĩa có 319 ha đất nông nghiệp, trước năm 2000, mỗi năm sản xuất được gần 650 tấn lương thực và từ năm 2000 cho đến nay, đều đạt từ 1.000 đến 1.200 tấn lương thực/năm. Ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được quan tâm phát triển. Xã còn có 3074 ha đất rừng và đồi núi đến nay đã được giao cho nhân dân gieo trồng các loại cây khác nhau như keo, bạch đàn và các loại cây ăn quả khác nhau. Ngành đánh bắt nuôi trồng thủy sản được phát triển mạnh, nhanh. Nhiều loại hải sản đem lại giá trị kinh tế cao như cá song, tôm, cá nước ngọt (chăm, mè, rô phi đơn tính, … được nhân dân đưa vào nuôi trồng. Với diện tích đất ao hồ mặt nước khoảng 68 ha đem lại 30 - 50 tấn tôm cá. Ngành đánh bắt nuôi thủy hải sản của Quảng Nghĩa là một trong những đơn vị kinh tế trọng điểm của thành phố Móng Cái, với tốc độ phát triển hàng năm khoảng 10%.
Thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, cơ sở hạ tầng như trụ sở của xã, trạm xá, trường học kiên cố, đường giao thông…, được quan tâm đầu tư xây dựng nên phát triển nhanh. Gần 100% dân số trong xã được sử dụng điện lưới quốc gia. Các thôn trong xã đã xây dựng được nhà văn hóa cộng đồng. Trên 70% số dân Quảng Nghĩa sử dụng máy điện thoại.
Nếu như trước năm 1990, ngân sách của Quảng Nghĩa thu không đáng kể, thu không đủ chi, thì trong những năm gần đây đã có những bước phát triển đáng phấn khởi, đóng góp chung vào ngân sách chung của nhà nước, thu chi đã tự cân đối. Hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch thu ngân sách nhà nước giao từ 10%-15%, có năm tăng đến 153,15% (năm 2008). Ngoài ra, các loại quỹ khác nhau của địa phương và nhân dân đã thu được khá lớn từ sự đóng góp của người dân, đạt được mức 26.675.000 đồng vào năm 2008.
Mặc dù là xã vùng sâu, vùng xa của Móng Cái, nhưng nhờ được nhà nước quan tâm, cơ sở hạ tầng phục vụ sự nghiệp giáo dục đã được xây dựng như trường học cao tầng gồm có 3 cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Con em trong xã đến độ tuổi đều được đến trường đầy đủ, chất lượng học tập ngày càng được nâng cao. Quảng Nghĩa đã phổ cập trung học cơ sở vào cuối năm 2004 và cấp tiểu học được phổ cập vào năm 2006.
Kinh tế xã hội phát triển cũng kéo theo đời sống của nhân dân trong xã không ngừng được cải thiện. Đến nay, số hộ khá giả tăng nhanh, còn số hộ nghèo đói giảm mạnh, từ 60% (năm 1989) đã giảm xuống còn 4,1% vào năm 2008 và còn 2,085% vào năm 2010. Về cơ bản, nhà tạm đã được xóa hết. Hầu hết đã xây dựng được nhà kiên cố, có trên 50% số nhà có mái bằng khang trang sạch đẹp.
Sau hơn 20 năm tiến hành xây dựng quê hương theo đường lối đổi mới của Đảng, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, Quảng Nghĩa đều đã có nhiều chuyển biến đời sống của người dân càng ngày càng khấm khá hơn, góp phần vào phát triển chung vào việc xây dựng thành phố Móng Cái sầm uất, hiện đại, trở thành một trung tâm phát triển của cả tỉnh Quảng Ninh và vùng Đông Bắc tổ quốc.
II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH THÔN, LÀNG VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ-VĂN HÓA
Theo những tài liệu còn lại cho đến nay, thì vùng đất Quất Đoài - Quảng Nghĩa đã xuất hiện từ lâu. Đến đầu thế kỷ XIX, Quảng Nghĩa thuộc tổng Hà Môn thuộc châu Vạn Ninh. Tháng 6 - 1888, tổng Hà Môn tách khỏi châu Vạn Ninh thành lập châu Hà Cối (chữ Hán Việt: Hà là con sông, Cối là nơi cây cỏ rậm rạp. Tiếng Việt có từ cây cối. Hà Cối là vùng đất nhiều cây cỏ bên sông). Châu Hà Cối chia làm ba tổng: Đầm Hà, Hà Cối, Mã Tế. Năm 1937 thêm tổng Thanh Mòi (Tấn Mài) sau lại tách thêm tổng Hà Cối Nùng. Quá trình Quảng Nghĩa định hình được như đến ngày hôm nay đã trải qua quá trình thay đổi, được tách ra, sáp nhập vào những khu vực hành chính khác nhau. Sau khi thiết lập chế độ thống trị lên trên đất nước ta, thực dân Pháp đã tổ chức các khu vực hành chính, quân sự nhằm mục đích kìm kẹp nhân dân ta và tiến hành khai thác thuộc địa, đàn áp những cuộc đấu tranh của người dân Quảng Nghĩa cũng như nhân dân các dân tộc khác ở Hải Ninh - Móng Cái và trong toàn tỉnh Quảng Ninh ngày nay.
Xã Quảng Nghĩa hiện nay có tất cả 5 thôn, làng: thôn 1 (làng Bầu), thôn 2 (làng Cổ Thành), thôn 3 (làng Trung), thôn 4 (làng Má Ham), thôn 5 (làng Kim Long). Các thôn, làng của Quảng Nghĩa có những đặc điểm hình thành và cơ cấu dân cư khá riêng biệt. Trong khi có thôn, làng đã được cộng đồng người Kinh khai phá và dựng xây cách đây mấy trăm năm, thì có những thôn, làng khác mới được hình thành cách đây chưa lâu. Một số thôn, làng nếu như trước đây chỉ có hoàn toàn người Hoa sinh sống, thì nay với quá trình phát triển, cộng đồng người Kinh, người Hoa và các dân tộc thiểu số khác, cùng nhau định cư và lao động sản xuất xen kẽ nhau, đoàn kết xây dựng thôn, làng trong thời kỳ mới.
Quá trình hình thành xã Quảng Nghĩa gắn liền với công cuộc giải phóng dân tộc, đấu tranh bảo vệ biên giới, cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đất nước. Từ năm 1946, xã Phú Hải thuộc tổng Mã Tề, châu Hà Cối được tách ra từ tổng My Sơn, thuộc huyện Hải Ninh, thành 3 xã: Phú Hải, Tiến Tới, Cái Chiến. Xã Phú Hải gồm có 4 thôn: thôn 1 (làng Bầu), thôn 2 (làng Má Ham - Quất Đoài), thôn 3 (làng Quang Lĩnh), thôn 4 ở cửa sông thị trấn Hà Cối. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tháng 2 - 1949, Huyện ủy Hải Ninh bàn giao 3 xã Cái Chiên, Tiến Tới, Phú Hải cho huyện Hà Cối. Sau khi cả nước thống nhất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đầu năm 1979, xã Quảng Nghĩa được thành lập trên cơ sở một số thôn của xã Phú Hải hợp vào xã Quất Đoài. Ngày 16 - 1 - 1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 17-CP, trong đó Điều 2 về việc đổi tên một số xã và thị trấn thuộc huyện Móng Cái và huyện Quảng Hà: Quất Đoài đổi tên thành là Quảng Nghĩa.
Làng Bầu (Thôn 1)
Nằm ở phía Đông của xã, phía Bắc giáp thôn 7 xã Hải Tiến, thành phố Móng Cái; phía Tây giáp thôn 2 và hạ lưu sông Pạt Cạp, xã Quảng Nghĩa; phía Đông giáp sông Hồ Thính Coóng, đối diện với cảng tàu Dân Tiến; phía Nam giáp biển.
Làng Bầu ngày nay là một vùng đất ven biển đã hình thành từ lâu đời. Theo như lịch sử còn để lại, cách đây khoảng gần 400 năm, các ông tổ của các dòng họ Đỗ từ Thanh Hóa, họ Phạm từ Hải Phòng, họ Nguyễn từ Hải Dương, họ Hoàng từ Lạng Sơn đã đến định cư tại các xã ven biển vùng Hà Cối, Đầm Hà, Móng Cái… Những cư dân đầu tiên của làng đến định cư dựa vào đảo núi Miều (trước gọi là My Sơn), cuộc sống thủy cư chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy hải sản.
Phần đất liền của Quảng Nghĩa ngày nay xưa kia nằm dưới sự cai quản của triều đình phong kiến Trung Hoa, người Kinh không được phép cư ngụ ở đây. Theo những câu chuyện còn truyền lại, đến đầu thế kỷ XVII, quan trông coi vùng đất này cho phép số ngư dân của ba dòng họ Đỗ, Phạm, Nguyễn được chọn khu vực để định cư lâu dài trên đất liền. Theo đó, mọi người tập trung ở đầu sông núi Thỏ, cách cửa sông Bầu hơn 2 km, đối diện với Của Đại (đảo Vĩnh Trung) được thả một quả bầu, nếu như quả bầu trôi vào đâu thì vùng đất đó sẽ là nơi sinh sống của ngư dân người Kinh. Kết quả là quả bầu trôi vào Vụng Bầu. Làng định cư của những thế hệ ngư dân đầu tiên gọi là làng Bầu hay là làng Vụng Bầu. Từ đó cho đến nay, nhiều dòng họ khác như họ Trần, họ Hoàng, họ Bùi, họ Ngô… cũng đã đến đây cư trú và làm ăn, sinh sống.
Trước năm 1945, làng Bầu thuộc tổng My Sơn, châu Hà Cối. Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, để phù hợp với tình hình mới, cán bộ được tăng cường về gây dựng cơ sở, thúc đẩy cách mạng phát triển, vùng đất này được tách ra khỏi tổng My Sơn, thành lập xã Phú Hải (có nghĩa là vùng biển giàu có, trù phú) và sáp nhập vào tổng Mã Tề, châu Hà Cối.
Sau khi xã Phú Hải được thành lập, các thôn đã hình thành: làng Bầu là thôn 1; vùng ven biển làng Má Ham (Quất Đoài) là thôn 2; ven biển làng Quang Lĩnh (Quảng Thắng, huyện Hải Hà ngày nay) là thôn 3; khu vực cửa sông Hà Cối là thôn 4.
Nếu như trước năm 1945, dân số của thôn mới chỉ là 41 hộ, với 375 nhân khẩu, thì cho đến nay (tháng 9 - 2010) có tổng số hộ là 221, với 909 nhân khẩu.
Diện tích tự nhiên của thôn hiện có 122,5 ha, trong đó đất thổ cư và vườn tạp là 49 ha; đất bãi triều, sông, suối, ao, hồ là 73,5 ha. Phía Nam ven biển có bãi sú vẹt rộng lớn chạy dài theo theo hai bên bờ sông Bầu che chắn sóng biển, bảo vệ đê, đồng thời cũng là nơi trú ẩn và sinh sản của các loại hải sản. Bãi triều rộng tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi trồng và đánh bắt hải sản phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế của địa phương. Thôn 1 năm giữa hai con sông chảy qua: phía Tây là sông Pạt Cạp và phía Đông là sông Hồ Thính Coóng. Hai con sông này cùng hợp lưu vào sông Bầu rồi chảy ra Cồn Rắn và thông ra Cửa Đại có mực nước sâu thuận tiện cho các phương tiện vận tải thủy và tàu thuyền ra vào đánh cá.
Làng Cổ Thành (Thôn 2)
Thôn 2 là địa bàn khu dân cư nằm dài theo hạ lưu sông Pạt Cạp, theo triền núi phía Bắc thượng nguồn lạch Hà Giáng giáp đường 18A. Phía Bắc, thôn giáp đường 18A và thôn 7 (xã Hải Tiến); phía Tây nối đầu cầu treo giáp thôn 3 (xã Quảng Nghĩa); phía Đông giáp thôn 1; phía Nam giáp biển, bãi sú, hạ nguồn sông Pạt Cạp đổ ra biển.
Từ năm 1977 trở về trước, thôn có tên gọi là Củ Sềnh (theo Hán ngữ), còn theo Hán Việt gọi là Cổ Thành hay Cổng Thành. Củ Sềnh trước kia thuộc xã Quất Đoài, là xã có 100% người Hoa sinh sống. Từ sau năm 1978, sau khi người Hoa rời về Trung Quốc thì bà con từ Hải Phòng, Hải Hưng cũ (Hải Dương, Hưng Yên ngày nay), đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực (Móng Cái) đến định cư và xây dựng khu kinh tế mới ở đây, bảo vệ vùng đất biên cương của Tổ quốc. Thời điểm này, thôn có 47 hộ được tổ chức thành 2 đội sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Nghĩa. Đến tháng 2 - 1990, đơn vị hành chính xã Quảng Nghĩa được sắp xếp lại, Củ Sềnh hay Cổ Thành (Cổng Thành) được gọi là thôn 2. Cho đến năm 2010, toàn thôn 2 có tất cả là 111 hộ, với 435 nhân khẩu.
Làng Trung (Thôn 3)
Thôn 3 ở vào vị trí trung tâm của xã Quảng Nghĩa. Phía Đông giáp thôn 2; phía Tây giáp thôn 5; phía Bắc giáp Quốc lộ 18A; phía Nam giáp biển.
Thôn 3 ngày nay từ trước năm 1978 có tên là thôn Chống Cán, trung tâm của xã Quất Đoài, tập trung hoàn toàn người Hoa sinh sống. Người Kinh chỉ ở khu vực ven biển làm nghề chài lưới. Vào những năm 1930 - 1940, có 20 hộ của họ Phạm, Nguyễn, Đỗ đã từ ven biển xã Hải Đông (huyện Móng Cái) đến định cư ven biển làng Quất Đoài, chủ yếu làm nghề đăng, chài lưới, đánh bắt thủy hải sản.
Năm 1954, miền Bắc lập lại hòa bình, tiến hành cải cách ruộng đất, đã có nhiều hộ ngư dân lâu nay vẫn sinh sống trên biển nhận đất của đồng bào người Hoa di cư vào Nam và định cư lâu dài ở trên đất liền. Từ sau năm 1978, người Hoa đã không còn có hộ nào ở đây nữa. Nhiều gia đình từ huyện Kiến Thụy, Thủy Nguyên (Hải Phóng) đến đinh cư, xây dựng đời sống kinh tế mới. Đến năm 1997, có một số đồng bào người dân tộc thiểu số Tày, Sán Chỉ ở huyện Đình Lập (Lạng Sơn) cũng đến đây sinh sống. Cho đến năm 2010, thôn 3 có tổng số hộ là 131 với 555 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc là: Kinh, Tày, Sán Chỉ.
Từ trước cho đến nay, thôn 3 vừa có đất trồng khoai, trồng lúa, vừa là nơi có biển để đánh bắt hải sản. Những ngư dân ở đây nương theo điều kiện tự nhiên đó mà sinh sống và khá giả hơn so với những nơi khác. Theo những cụ cao niên kể lại rằng, cho đến nay vẫn còn lưu truyền câu ca:
“Cá khôn, cá ở đầm dài,
Người khôn, người ở Quất Đoài, Quất Đông”.
Cho nên, vùng đất thôn 3 trở thành nơi định cư của nhiều cư dân, là nơi “đất thơm cò đậu”.
Hiện nay, thôn có diện tích đất tự nhiên là 484 ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp là 54,8 ha, đất hai vụ lyá là 35,7 ha, diện tích đất một vụ lúa là 19,1 ha. Ngành nghề chính là sản xuất nông nghiệp, ngoài ra còn có thêm nghề chăn nuôi thủy hải sản ở vùng ven biển.
Làng Má Ham (Thôn 4)
Thôn 4, phía Tây Nam giáp biển; phía Đông Bắc giáp thôn 3 (làng Trung); phía Bắc giáp thôn 5 (làng Kim Long).
Theo những câu chuyện còn lưu lại, vào những năm 1930 - 1931, ông Phạm Khắc Phong đưa vợ con từ Cao Bằng đến vùng ven biển làng Má Ham (Quất Đoài) tiến hành đắp đê lấn biển làm ăn và định cư. Từ đó đến ngày nay, liên tiếp có nhiều dòng họ khác cũng theo về quần tụ. Từ năm 1946, làng có tên là thôn 2 thuộc xã Phú Hải, huyện Hà Cối (nay là huyện Hải Hà). Đến năm 1990, được đổi trở thành thôn 4, thuộc xã Quảng Nghĩa, thành phố Móng Cái. Trong những năm trước đây, thôn 4 được tổ chức thành hai đội sản xuất (đội 1 và đội 2) của Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Nghĩa.
Trong 7 dòng họ định cư lâu đời nhất ở đây, thì dòng họ Phạm có nhân khẩu đông nhất, chiếm 70% dân cư trong thôn. Tính đến năm 2009, thôn 4 có 106 hộ, với 413 nhân khẩu. Ngành nghề chính của thôn là sản xuất nông nghiệp; ngoài ra còn có nuôi trồng thủy sản.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân trong thôn đã sớm vùng lên đấu tranh, đóng góp sức người, sức của từ ngày đầu cho đến khi kháng chiến kết thúc thắng lợi. Nhiều gia đình là cơ sở nuôi, che giấu cán bộ Việt Minh hoạt động. Điển hình là gia đình cụ Hà Văn Lạch, từ năm 1948 đến năm 1954, cả gia đình ở trên thuyền làm nghề đánh lồng cá bống ở dông sú vẹt, che mắt địch để chuyên chở cán bộ Việt Minh qua sông. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, gia đình cụ lại có hai con trai xung phong tham gia bộ đội và đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ quê hương, đất nước.
Làng Kim Long (Thôn 5)
Thôn 5 ngày nay, phía Bắc giáp xã Quảng Đức (huyện Hải Hà); phía Nam giáp thôn 4 (làng Má Ham); phía Đông giáp thôn 3 (làng Trung); phía Tây giáp sông Má Ham và xã Quảng Thắng (huyện Hải Hà).
Thôn 5 ngày trước thuộc xã Quất Đoài, có tên gọi là Kim Long (có nghĩa là rồng vàng), là vùng đất mới có dân cư đến định cư cách đây mấy chục năm. Vào năm 1960, thôn đã có khoảng 9 hộ, 27 nhân khẩu sống và chuyên làm nghề trồng rừng. Đến giữa năm 1978, sau sự kiện người Hoa rời về Trung Quốc, có 35 hộ, 110 nhân khẩu từ Kiến Thụy (Hải Phòng) đến xây dựng kinh tế mới. Dân cư cũng theo đó dần dần mà tăng lên. Đến năm 2010, dân số của thôn là 773 người/193 hộ. Dân cư của thôn bao gồm cả dân tộc Kinh, Tày, Dao.
Thôn 5 hiện nay có 4.016 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp có 78 ha, có tới 70% diện tích là đất đồi núi. Đường 18A chạy cắt ngang thôn từ Đông sang Tây, kéo dài khoảng 9 km (từ Km 18 đến Km 27).
Đây là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Trong cơ cấu đất trồng có cả đất trồng màu và trồng rừng. Diện tích đất đồi núi đã giao cho nhân dân trong xã trồng cây lâm nghiệp: keo, bạch đàn, thông, cây ăn quả, v.v… và có đồng cỏ chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò.
Như vậy, kể từ khi là một phần của tổng Hà Cối xưa cho đến sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 là xã Phú Hải - Quất Đoài thuộc huyện Hải Ninh đến huyện Hà Cối, rồi huyện Quảng Hà và hiện nay là xã thuộc thành phố Móng Cái, Quảng Nghĩa được thay đổi về tổ chức hành chính quản lý nhiều lần, song về cơ bản, nhiều thôn xóm của xã là những đơn vị dân cư ổn định, là nơi sinh sống lâu đời của nhiều thế hệ người dân.
Quảng Nghĩa ngày nay, từ ngày xưa đã nằm trong một khu vực, vùng đất có sự xuất hiện sớm của con người. Mấy chục năm trước đây, qua việc khai quật, người ta đã tìm ra được nhiều dấu tích qua các công cụ cho thấy sự tồn tại của những cộng đồng người tiền sử.
Tháng 11 - 1976, nằm về phía Tây Bắc của Quảng Nghĩa, đã phát hiện ở Tấn Mài (nay là xã Quảng Đức) nhiều hòn đá có dáng công cụ thô sơ thời tiền sử. Về sau này, cũng có ý kiến cho rằng, đây chỉ là những mảnh vỡ của những viên đá có dáng dấp của những công cụ lao động và sinh hoạt của con người chứ thực ra không phải là như vậy. Việc nghiên cứu vẫn còn đang tiếp tục. Rất có thể đây là di chỉ thời đồ đá cũ đầu tiên và duy nhất tìm thấy ở Quảng Ninh? Năm 1995, tình cờ phát hiện trên đồi chè Quảng Lễ, xã Quảng Chính một chiếc trống đồng thuộc hệ trống đồng Đông Sơn thời địa Hùng Vương.
Quảng Nghĩa nằm trong vùng địa - văn hóa chung Móng Cái với những dấu hiệu và bằng chứng về việc có người ở nơi đây đã từ rất sớm. Hàng loạt di chỉ đồ đá mới được phát hiện ở Vạn Ninh, Hải Đông, Hải Tiến đã cho thấy một vùng cư dân cổ khá đông đúc. Ở Vạn Ninh còn dấu vết những lò gốm cổ và đặc biệt là dấu vết một thương cảng khá sầm uất, có thể đồng thời hoặc sớm hơn thương cảng Vân Đồn chính thức được thành lập thời Lý.
Tuy cùng với nhiều địa phương khác nằm trên tuyến biên giới Việt Trung, nhưng Quảng Nghĩa lại có những đặc thù riêng. Ngoại trừ ở những thôn có đông người Hoa và các dân tộc ít người sinh sống, thì xã còn có các thôn giáp với biển, là nơi sinh sống tập trung của cư dân thuần Việt, tạo nên hệ thống di tích văn hóa vật thể có giá trị, nhiều truyền thống tốt đẹp cho đến nay vẫn tiếp tục được giữ gìn và phát huy trong thời kỳ hiện nay.
Đền làng Bầu (ở thôn 1) được xây dựng cách đây đã gần 300 năm (năm 1775).
Đền thờ ba ông Tượng tổ của ba dòng họ Đỗ, Phạm, Nguyễn là: cụ Đỗ Quỹ Công, cụ Phạm Pháp Đình, cụ Nguyễn Pháp Công. Đây là những người có công lớn đầu tiên khai khẩn và hình thành nên làng Bầu cho đến hôm nay. Ngoài ra, đền còn thờ vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (Đức Thánh Trần).
Đền làng được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh. Ba gian ngoài là tiền đường, phía trong là hậu cung thờ cúng thành hoàng làng. Ngày trước, vật liệu để xây dựng nên đền là bằng gạch chỉ, mái ngói âm dương. Trên mái trước đình có đắp hai con rồng chầu nguyệt.
Từ khi xây dựng đến nay, đền làng Bầu đã được tôn tạo và tu bổ 4 lần:
Năm 1945, do tàu chiến của Nhật từ cửa Đại bắn làm cho tường phía Nam của đền bị hỏng phải tháo ra xây dựng lại bằng gạch chỉ và thay gỗ lợp lại mái.
Năm 1997, sữa chữa làm mái thượng và lợp lại mái.
Năm 2006, xây thêm gian nhà chờ bên cạnh đình.
Năm 2008, xây bao loan và cổng đình.
Lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức vào Rằm tháng Giêng, gọi là lễ hội xuân. Phần lễ rước Thành hoàng làng dân hương tế lễ, hát tơ, xướng đào. Cuối ngày hội có lễ cầu ngư cho người dân đi biển “cầu cho mưa thuận gió hòa, để cho ngư dân được mùa tôm cá”. Phần hội gồm có các trò chơi dân gian. Lễ hội được tổ chức đông vui, lành mạnh, góp phần xây dựng đời sống đoàn kết của nhân dân địa phương, cùng nhau góp công góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.
Đền làng Bầu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xếp hạng di tích văn hóa theo Quyết định số 1405/QĐ-UBND ngày 05 - 5 - 2004.
Nhà thờ từ đường họ Đỗ làng Bầu (thôn 1) được xây dựng từ năm 1743, sát bờ sông làng Bầu, từ khi cụ Thượng tổ Đỗ Quý Công từ xã Yên Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến định cư nơi đây. Cụ Đỗ Quý Công sinh được 5 người con trai: Đỗ Đình Huy, Đỗ Pháp Thần, Đỗ Như Ý, Đỗ Đình Nghiêm, Đỗ Đình Khuyến. Cả 5 người con của cụ Đỗ Quý Công đều được thờ chung tại nhà từ đường họ Đỗ.
Trong nhà từ đường, có hai câu đối bằng chữ Hán:
“Tích khánh nhất đường căn bản hậu
Lưu phương thiên cổ diệc chi trường”
Tạm dịch nghĩa là:
“Tích phúc một nhà cây gốc vững
Tiếng thơm muôn thuở lá cành nhiều”.
Hậu duệ đời thứ 5 của dòng họ Đỗ đã được triều đình phong làm Bá hộ cho 4 cụ có công phù nước, được sắc phong thờ ở đền làng Bầu:
Đỗ Duy Hàn-Tự pháp Tiền
Đỗ Ngũ Lang-Tự pháp Gia
Đỗ Văn Định-Tự pháp Nhân
Đỗ Phúc Phả-Tự pháp Thủy
Kiến trúc nhà từ đường họ Đỗ được xây dựng theo kiểu chữ Đinh. Ba gian ngoài là tiền đường, phía trong là hậu cung thờ cúng tổ tiên. Khung bàn thờ có hai cột đấu đắp hình dáng Long-Ly-Quy-Phượng. Nhà từ đường từ khi xây dựng cho đến nay đã được sửa chữa nhiều lần, có hai lần tu bổ lớn:
Năm 1942, thay cây lợp lại mái và xây tường bao bằng đá cuội.
Năm 1997, tháo dỡ tường đá xây lại bằng gạch chỉ, mái lợp ngói đỏ và xây lại bằng tường bao.
Làng Bầu là đất có địa danh đơn vị hành chính từ xa xưa, cộng đồng cư dân thôn 1 thôn quý trọng nghĩa tình, coi trọng đạo lý uống nước nhớ nguồn “ăn quả nhớ người trồng cây” điều đó được thể hiện trong việc xây dựng đền thờ thành hoàng, thờ những vị tiền nhân có công với nước, với làng và lấy đó là sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngoài việc thờ Thành Hoàng chung của làng, các dòng họ lớn trong thôn như: họ Đỗ, Phạm, có nhà thờ từ đường riêng của họ, còn lại những họ khác lấy nhà ông trưởng họ để thờ tổ tiên của dòng họ mình, hàng năm cứ đến ngày 16 tháng chạp âm lịch con cháu của các dòng họ tập trung về nhà từ đường họ để chạp mộ tổ, tu tạo mộ và làm lễ cúng tổ tiên.
Đây là di tích lịch sử văn hóa có giá trị trong việc đoàn kết nhớ đến công ơn của ông bà tổ tiên, động viên và dạy dỗ con cháu chăm lo làm ăn… Hàng năm cứ đến ngày 16 tháng Giêng, con cháu trong họ dù sinh sống ở đâu cũng tập trung về nhà thờ họ. Nhà thờ họ thôn Đồng Bầu đã được tỉnh Quảng Ninh khảo sát, sưu tầm và thẩm định, lập hồ sơ đề nghị nhà nước công nhận là di tích lịch sử- văn hóa.