Quảng Ninh: Hướng tới trung tâm dịch vụ thương mại hàng đầu

09/11/2017 09:12
Bằng những giải pháp đồng bộ, Quảng Ninh đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm về thương mại, hoàn thiện hạ tầng, góp phần thay đổi diện mạo, cũng như từng bước trở thành trung tâm dịch vụ hàng đầu, cửa ngõ giao thương trong nước và quốc tế.

 

Hạ tầng thương mại có sự khởi sắc mạnh mẽ với sự gia tăng số lượng, chất lương, quy mô của các trung tâm thương mại, siêu thị (Trong ảnh: Siêu thị Big C Hạ Long))
Hạ tầng thương mại của tỉnh có sự khởi sắc mạnh mẽ với sự gia tăng số lượng, chất lượng, quy mô của các trung tâm thương mại, siêu thị. (Trong ảnh: Siêu thị Big C Hạ Long)

Nhằm thu hút đầu tư hiệu quả cho hạ tầng thương mại, Quảng Ninh đã thực hiện hàng loạt các giải pháp. Trong đó, tỉnh đã tranh thủ các nguồn lực cải thiện hạ tầng giao thông nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực thương mại, như: Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long, dự án Cảng hàng không Quảng Ninh, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn...

Đáng chú ý, tháng 9 vừa qua, cầu Bắc Luân II đã chính thức khánh thành sau 2 năm thi công. Đây là cây cầu nối liền mạch giao thương giữa TP Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) với TP Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc), Khu hợp tác xuyên biên giới Đông Hưng- Quảng Ninh.

Hiện nay, tỉnh cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng trạm kiểm soát liên hợp với vốn đầu tư 300 tỷ đồng tại khu vực này, đồng thời hội đàm với các bên để thống nhất phương thức quản lý nhằm đảm bảo cho các phương tiện sớm được lưu thông, thúc đẩy mối quan hệ thương mại giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc), góp phần hoàn thiện hạ tầng thương mại biên giới.

Trung tâm thương mại Vincom Hạ Long thu hút đông đảo người dân tới mua sắm
Trung tâm thương mại Vincom Hạ Long thu hút đông đảo người dân tới mua sắm.

Để tạo động lực cho ngành thương mại phát triển, công tác quy hoạch được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó, cuối năm 2016, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch Phát triển ngành thương mại tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu là phát huy hiệu quả các công trình hạ tầng trọng điểm; thực hiện tốt chức năng cung ứng, tiêu thụ và trung chuyển hàng hóa; phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại. Đồng thời, giá trị tăng thêm đạt bình quân 12,5-13,5%/năm giai đoạn 2016-2020; 14,5-15,5%/năm giai đoạn 2021-2025 và 10-11%/năm giai đoạn 2026-2030. Đây sẽ là "kim chỉ nam" cho ngành thương mại phát triển, góp phần thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng.

Thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm logistics khu vực phía Bắc, tỉnh đã chủ động ban hành chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 18-20% vào ngành dịch vụ, đồng thời đạt từ 8-10% GRDP của tỉnh. Cùng với đó, Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư.

Bằng những giải pháp quyết liệt, tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực lớn để đầu tư vào hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh không ngừng được hoàn thiện theo hướng hiện đại. Trong đó, mô hình trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng gia tăng về số lượng, quy mô, chất lượng theo hướng hiện đại hoá với 25 siêu thị và 5 trung tâm thương mại. Trong đó, nhiều tên tuổi thương mại lớn trong và ngoài nước đã có mặt tại Quảng Ninh như: Vincom Center Hạ Long, MM Mega market, Big C, Lotte, Lanchi mart...

Đáng chú ý, tiếp nối những thành công của Vincom Center Hạ Long, Tập đoàn Vingroup đã nghiên cứu đầu tư 8 dự án tạo thành chuỗi Vincom trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, Trung tâm thương mại Vincom tại TP Uông Bí đang gấp rút được hoàn thành, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong tháng 11/2017. Điều này đã khẳng định sự thành công của Quảng Ninh trong lĩnh vực thu hút đầu tư hàng đầu trong và ngoài nước phát triển các lĩnh vực thương mại, mang lại sự đổi mới về diện mạo, hình ảnh văn minh của hoạt động thương mại.

Cầu Bắc Luân 2 được thông xe vào ngày 13/9 (Ảnh: Thái Cảnh)
Cầu Bắc Luân 2 được thông xe vào ngày 13/9. Ảnh: Thái Cảnh

Cùng với nguồn lực đầu tư bên ngoài, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng chủ động nắm bắt thời cơ, chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực thương mại, đảm bảo phát triển bền vững. Điển hình trong số những doanh nghiệp “chuyển mình” thành công đó là Công ty TNHH Petro Bình Minh. Năm 2010, Công ty này quyết định chuyển hướng từ kinh doanh cho thuê kho, bãi, cảng phục vụ các đơn vị ngành Than sang lĩnh vực xăng dầu. Bên cạnh việc xây dựng hệ thống các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, Công ty cũng đầu tư dự án kho, cảng xăng dầu Mông Dương, phường Mông Dương. Dự án có tổng mức 1.800 tỷ đồng với kho chứa xăng dầu dung tích 260.000m3, cụm bến cảng chuyên dùng có thể tiếp nhận tàu trọng tải 20.000 tấn cùng các tuyến ống nhập, xuất xăng dầu, công trình phụ trợ khác... Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành cuối năm 2017, trở thành một trong những kho, cảng xăng dầu lớn nhất tại miền Bắc.

Cùng với đó, tháng 9/2016, Công ty đã trở thành đầu mối xuất, nhập khẩu duy nhất tại Quảng Ninh và đầu mối thứ 6 toàn miền Bắc. Qua đó, riêng 10 tháng năm 2017, doanh thu của đơn vị đạt 850 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2016 đồng thời nộp ngân sách nhà nước 120,7 tỷ đồng, tăng 14,6 lần so với cùng kỳ năm 2016. Song song với đó, thương mại điện tử cũng không ngừng được phát triển; điển hình là sự ra đời của Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh (qnitrade.gov.vn).

Hiện, tỉnh cũng đang từng bước xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực, đưa Quảng Ninh trở thành đầu mối quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistic của khu vực phía Bắc và quốc tế.

Những kết quả đạt được thời gian qua sẽ là nền tảng quan trọng thúc đẩy ngành thương mại nói riêng và dịch vụ nói chung của tỉnh phát triển bền vững,hiện thực hoá mục tiêu trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp vào năm 2020.

 

baoquangninh.com.vn
Loading...