Quảng Ninh: Nỗ lực để đứng đầu về cải cách hành chính

22/05/2023 09:30

QUẢNG NINH: NỖ LỰC ĐỂ ĐI ĐẦU TRONG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Năm 2017 với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên đứng đầu toàn quốc với 89,54 điểm, tăng 6,72 điểm và tăng 6 bậc so với năm 2016, cao hơn so với đơn vị đứng ở vị trí thứ 2 là Hà Nội tới 3.99 điểm; Chỉ số SIPAS đứng thứ 5 toàn quốc; Chỉ số PAPI vào nhóm 2 của cả nước, tăng 30 bậc so với năm 2016.


Quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện

Để có kết quả này, Quảng Ninh luôn xác định CCHC là một trong các nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm và thực hiện liên tục, quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Năm 2017, tỉnh đã ban hành các kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện CCHC. Đồng thời, xác định việc thực hiện tốt công tác CCHC phải gắn liền với kỷ luật, kỷ cương hành chính nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Để đánh giá kết quả việc triển khai công tác CCHC trên địa bàn, Quảng Ninh đã triển khai xác định Chỉ số đánh giá kết quả CCHC các sở, ban, địa phương năm 2017. Đồng thời, căn cứ chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, MTTQ tỉnh đã tổ chức thí điểm điều tra, khảo sát về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tại 14 địa phương trên địa bàn tỉnh, qua đó đã có những kiến nghị kịp thời với UBND Tỉnh để chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân trên địa bàn.

Tháng 3/2008, UBND tỉnh công bố Chỉ số đánh giá kết quả CCHC các sở, ban, địa phương năm 2017
Tháng 3/2018, UBND tỉnh công bố Chỉ số đánh giá kết quả CCHC các sở, ban, địa phương năm 2017

Để đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS), UBND tỉnh đã chủ động ban hành kế hoạch điều tra khảo sát thí điểm sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2017 tại 7 đơn vị cấp huyện và 37 đơn vị cấp xã với 6 lĩnh vực TTHC, kết quả điều tra cho thấy sự hài lòng của người dân đạt trung bình trên 85%. Hiện nay, UBND tỉnh đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Đề án “Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020” để triển khai điều tra trên 14 địa phương trong toàn tỉnh, qua đó kịp thời có các giải pháp để nâng cao chất lượng CCHC và lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là thước đo đánh giá.

Bên cạnh đó, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền về CCHC, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính. Đã tổ chức thành công Hội thi tìm hiểu về công tác CCHC. Hội thi đã nhận được quan tâm, hưởng ứng của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó, nâng cao nhận thức của CB,CC,VC về ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, phát huy mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác CCHC.


Tiên phong áp dụng các mô hình cải cách mới

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh luôn là địa phương đi tiên phong trong việc triển khai thí điểm áp dụng các mô hình cải cách mới, mang tính đột phá mạnh mẽ, như: mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; sáng kiến thành lập trang fanpage DDCI Quảng Ninh để tiếp nhận và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua mạng xã hội Facebook; các mô hình đổi mới sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức...

Tỉnh Quảng Ninh là nơi đầu tiên trong cả nước nghiên cứu, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công, trực thuộc UBND tỉnh, từ năm 2015. Theo đó, tất cả thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành được đưa ra tiếp nhận và giải quyết tại một đầu mối tập trung duy nhất là Trung tâm hành chính công. Việc giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình Trung tâm hành chính công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp diễn ra nhanh chóng và được giám sát chặt chẽ; nâng cao tính công khai, minh bạch và rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức tham gia giải quyết, xử lý công việc cho nhân dân.

Tỉnh Quảng Ninh là nơi đầu tiên trong cả nước nghiên cứu, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công,
Tỉnh Quảng Ninh là nơi đầu tiên trong cả nước nghiên cứu, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công.

Tiếp tục pháp huy những hiệu quả từ việc áp dụng mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, Quảng Ninh đã tăng cường đầu tư, nhân rộng mô hình Trung tâm hành chính công đến cấp huyện, trên cơ sở kiện toàn, nâng cấp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung tại UBND cấp huyện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Những lợi ích của mô hình này mang lại thể hiện ở kết quả giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn trong năm 2017 của tỉnh là rất cao; tỉnh cũng dẫn đầu về kết quả Chỉ số thành phần "Cải cách thủ tục hành chính” với số điểm tối đa; kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ hành chính trên địa bàn tỉnh đạt tới 92,88%. Có thể thấy, những kết quả tích cực trong triển khai mô hình Trung tâm hành chính công của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã được Trung ương đánh giá cao, nhân dân đồng tình ủng hộ và nhiều địa phương đến học tập kinh nghiệm để triển khai nhân rộng, góp phần quan trọng vào việc triển khai mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính mà Chính phủ đã đề ra.

Tỉnh cũng là một trong những đơn vị đi tiên phong và có bước đột phá mạnh mẽ trong việc rà soát, tổ chức, sắp xếp bộ máy các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, cắt giảm đầu mối tổ chức, tinh giảm biên chế. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25). Qua đó, thực hiện đợt kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn và là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai quyết liệt, mang lại kết quả tích cực và được Trung ương đánh giá rất cao. Sau gần 3 năm thực hiện Đề án 25, đã giảm được 4 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh và 107 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương (trong đó: cấp tỉnh 56; cấp huyện 51).

Lãnh đạo TX Đông Triều kiểm tra đột xuất việc thực hiện kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức.
Lãnh đạo TX Đông Triều kiểm tra đột xuất việc thực hiện kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức.


 

Đến nay, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh cơ bản đã được sắp xếp, tinh gọn; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động đảm bảo ổn định; chất lượng được nâng lên; qua việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tỉnh Quảng Ninh đã giảm được số biên chế về bằng với số Trung ương giao. Hiện tỉnh thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, đến hết năm 2017 tỉnh Quảng Ninh đã triển khai tại 54 đơn vị cấp tỉnh, 235 đơn vị cấp huyện và 186 đơn vị cấp xã.

Bên cạnh đó, với chủ đề cải cách hành chính của năm 2017 là “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh”, Quảng Ninh đã có những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. Tỉnh cũng đã triển khai và vận hành hiệu quả Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại ở các xã, phường nhằm phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Đến nay đã có 179/186 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại của các xã, phường, thị trấn được đầu tư đồng bộ các trang thiết bị và đi vào hoạt động (còn 7 đơn vị đang sửa chữa, cải tạo trụ sở để đưa vào hoạt động từ Quý II/2018).


Nâng cao nhận thức và trách nhiệm

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã đổi mới lề lối, phong cách làm việc, luôn hòa nhã, thân thiện trong giao tiếp với người dân
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã đổi mới lề lối, phong cách làm việc, luôn hòa nhã, thân thiện trong giao tiếp với người dân

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác CCHC, chất lượng quản trị và hành chính công trên địa bàn, góp phần cải thiện điểm số của các tiêu chí, tiêu chí thành phần Chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS, trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và toàn thể CB,CC,VC, người lao động tại các cơ quan nhà nước trong CCHC. Đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác CCHC, cải thiện và nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nhận thức rõ trọng trách là người đứng đầu quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương, quán triệt sâu sắc tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả”.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, yếu kém thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý; có chính sách, giải pháp phù hợp, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng xác định và nhất quán quan điểm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Nguồn: Báo Quảng Ninh
Loading...