Quảng Ninh: Nỗ lực trong công tác phòng, chống mại dâm

20/04/2017 14:10
Thời gian qua, với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, sự vào cuộc tích cực từ tỉnh đến các địa phương, công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng kể, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường xã hội lành mạnh.

Cán bộ Hội LHPN xã Quảng Đức, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho các hội viên phụ nữ về phòng, tránh các tệ nạn xã hội.

Toàn tỉnh hiện có trên 4.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, karaoke, vũ trường, trong đó có 39 cơ sở nghi vấn liên quan đến hoạt động mại dâm. Theo đánh giá từ các cơ quan chức năng, tệ nạn mại dâm vẫn lợi dụng kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, karaoke, massage… để hoạt động “trá hình” bán dâm khi có điều kiện, chuyển từ hình thức bán dâm “công khai, lộ liễu” sang hoạt động “ngầm, bí mật" với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh các lực lượng chức năng. Từ năm 2014 đến năm 2016, lực lượng công an toàn tỉnh đã phát hiện, lập án đấu tranh, triệt phá 39 vụ, bắt giữ 211 đối tượng gồm 40 chủ chứa, 21 môi giới, 150 trường hợp mua, bán dâm; đồng thời lập hồ sơ đề nghị truy tố 39 vụ, 62 bị can; phạt cảnh cáo, xử lý hành chính 139 đối tượng. Hoạt động mại dâm vẫn còn diễn biến phức tạp cả về tính chất và quy mô với những biến tướng, thủ đoạn vô cùng tinh vi và có quan hệ chặt chẽ với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nơi có môi trường dễ phát sinh tệ nạn xã hội.

Trước thực trạng đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2413/KH-UBND về thực hiện chương trình phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016 - 2020; trình HĐND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh và bố trí nguồn lực từ ngân sách tỉnh để nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có công tác phòng, chống mại dâm. Đồng thời, tổ chức triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh.

Nhiều buổi hội thảo về thực trạng và các giải pháp phòng, chống mại dâm đã được tổ chức.

Điển hình, giai đoạn 2014-2016, công tác tuyên truyền, giáo dục tiếp tục được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với từng địa bàn; chủ động hướng về các cơ sở, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp. Nội dung, phương pháp tuyên truyền đã thiết thực hơn, lồng ghép giữa tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội với vận động nhân dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nêu cao ý thức cảnh giác chủ động phòng ngừa tệ nạn mại dâm. Các lực lượng cơ sở đã tổ chức 12 lớp tập huấn và 240 hội nghị tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt các câu lạc bộ cho hơn 24.000 hội viên, cán bộ với hơn 5.400 lượt quần chúng nhân dân tham gia; đồng thời xây dựng 1.500 buổi truyền thanh cơ sở có các nội dung phòng, chống tệ nạn xã hội, qua đó huy động được sự tham gia của các ngành, các cấp, được quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội.

Đồng thời, các địa phương trong tỉnh cũng quan tâm thực hiện tốt, có chất lượng công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm. Từ năm 2014-2016, tỉnh duy trì xây dựng được 127/186 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm; đồng thời duy trì 20 đội công tác xã hội tình nguyện, 8 mô hình phòng ngừa tệ nạn mại dâm… Với phương châm "lấy xây để chống, phòng ngừa là cơ bản", các đội tình nguyện đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, qua đó góp phần giảm cơ bản tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, các cơ quan liên ngành, cơ quan chức năng cấp huyện đã phối hợp chặt chẽ trong triển khai và tổ chức các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm. Cụ thể, trong các năm, từ 2014-2016, đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp đã tiến hành kiểm tra hàng nghìn lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong đó đội 178 cấp tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phúc tra 302 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc địa bàn Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều, Móng Cái, Cô Tô. Qua kiểm tra đã lập biên bản xử phạt 01 cơ sở, yêu cầu 02 cơ sở tạm dừng kinh doanh vì chưa có giấy phép, chuyển biên bản và hồ sơ của 03 cơ sở có vi phạm hành chính cho thanh tra chuyên ngành xử lý theo thẩm quyền. Một số đội kiểm tra 178 cấp huyện cũng đã rất tích cực, triển khai kết quả công tác kiểm tra theo chức năng, thẩm quyền. Cụ thể, như đội kiểm tra liên ngành TP Hạ Long tiến hành kiểm tra 166 cơ sở kinh doanh, dịch vụ có điều kiện phát sinh tệ nạn mại dâm và đã xử lý tạm dừng đối với 02 cơ sở và xử phạt 20 đơn vị với số tiền 35 triệu đồng…

Lực lượng tình nguyện viên phát bao cao su miễn phí và tuyên truyền cho người dân.

Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp cũng thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh dịch tăng cường nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong phòng, chống mại dâm; đồng thời hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện các thủ tục quản lý hành chính Nhà nước về điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép, hợp đồng lao động; tổ chức ký cam kết không vi phạm tệ nạn mại dâm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, đảm bảo mục tiêu giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thế Thịnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Để công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, thời gian tới, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại của mại dâm, tỉnh Quảng Ninh tiếp tuc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp; tăng cường sự phối hợp giữa đội với các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra để không để xảy ra các điểm nóng về tệ nạn mại dâm.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 50 lượt đối tượng bán dâm, trong đó hỗ trợ vốn đào tạo việc làm cho 15 người; phấn đấu 100% người bị mua bán trở về được tiếp cận hỗ trợ tư vấn, tạo việc làm ổn định cuộc sống. Để làm được điều này, Quảng Ninh sẽ cho rà soát, đánh giá về nhóm người có nguy cơ cao hoạt động mại dâm (thanh niên chưa có nghề nghiệp, chưa có việc làm, người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự…) và các chương trình an sinh xã hội, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương để hướng mục tiêu của các chương trình đến các nhóm đối tượng này; đồng thời xây dựng các hoạt động lồng ghép cho nhóm phụ nữ bán dâm có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, chương trình giảm nghèo… nhằm cung cấp cho họ các cơ hội lựa chọn công việc phù hợp./.

quangninh.gov.vn
Loading...