Quảng Ninh đứng trước cơ hội lớn cho phát triển du lịch bền vững

20/06/2017 10:09
“Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững” diễn ra tại Hạ Long – Quảng Ninh đã thành công tốt đẹp. Thông qua đối thoại lần này, Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý trong quản lý và phát triển du lịch bền vững của những nền kinh tế có du lịch phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, cũng là cơ hội để ngành du lịch Quảng Ninh tiếp cận, làm sâu sắc thêm quan hệ với các nền kinh tế thành viên APEC và các đối tác quan trọng.

 

Thông qua diễn đàn này, Quảng Ninh đã lắng nghe, tiếp thu những kinh nghiệm quý báu từ các nền kinh tế thành viên để có những giải pháp phát triển du lịch bền vững

Đối thoại tìm hướng phát triển du lịch bền vững

Du lịch luôn là một ưu tiên hợp tác của APEC ngay sau khi Diễn đàn này được thành lập vào năm 1989. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, năm 2016 ngành du lịch đã đóng góp 1,3 nghìn tỷ đô-la Mỹ cho GDP của khu vực APEC, tạo 67 triệu việc làm trực tiếp và đóng góp 6,1% vào xuất khẩu của khu vực. Đặc biệt, phát triển du lịch mang lại những hiệu quả đáng kể cho mục tiêu giảm nghèo và tăng trưởng toàn diện, giúp gia tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương và cải thiện phúc lợi xã hội. Du lịch cũng được dự báo là một trong những ngành phát triển nhanh nhất tại khu vực, hiện đang trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của các thành viên APEC. Đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, góp phần cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực.  

Nhận thức tầm quan trọng của du lịch, APEC đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến phát triển bền vững, trong đó tập trung vào việc phát triển du lịch có trách nhiệm và xây dựng môi trường bền vững cho cạnh tranh du lịch là một trong những định hướng quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch APEC. Việt Nam là quốc gia tham gia thường xuyên, tích cực trong các hoạt động quan trọng của hợp tác du lịch APEC, đồng thời, đẩy mạnh hợp tác song phương với các nước thành viên; đã miễn thị thực cho 9 nước thành viên, thí điểm cấp thị thực điện tử cho 3 nước thành viên khác, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách. Năm 2016, 10 thị trường nguồn khách du lịch hàng đầu của du lịch Việt Nam đều là các nước thành viên APEC.

Hội nghị Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững được tổ chức tại Hạ Long (Quảng Ninh).

Trong bối cảnh năm 2017 được Đại hội đồng Liên hợp quốc lựa chọn là năm quốc tế về Du lịch bền vững vì sự phát triển, Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững được tổ chức tại Hạ Long – Quảng Ninh là cơ hội tốt để các nền kinh tế thành viên APEC cùng nhau xác định rõ thực trạng và đề ra các hành động thiết thực, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững và góp phần triển khai thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững thu hút sự tham gia của 150 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, diễn giả của các tổ chức quốc tế uy tín như Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Đối thoại chủ yếu xoay quanh vấn đề phát triển du lịch bền vững trong thế giới đang thay đổi với “Khuyến nghị đối với các nền kinh tế APEC”; thảo luận xoay quanh vấn đề kinh nghiệm và tầm nhìn hợp tác phát triển du lịch bền vững APEC với “Hệ thống tiêu chuẩn Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu và các khuyến nghị với APEC”. Cũng tại buổi đối thoại, các nhà lãnh đạo Du lịch APEC đã thông qua Tuyên bố về phát triển du lịch bền vững. Theo đó, tuyên bố bao gồm các khuyến nghị, định hướng cụ thể để phát triển du lịch bền vững tại khu vực APEC với 6 vấn đề: Coi phát triển du lịch bền vững là một quá trình liên tục cần có sự theo dõi, đánh giá tác động một cách thường xuyên; đẩy mạnh chính sách phát triển du lịch nội địa và khu vực nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; khuyến khích các đóng góp kinh tế dài hạn và khả thi, đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan; tôn trọng tính nguyên bản về văn hóa xã hội của cộng đồng địa phương; khuyến khích nhu cầu của người tiêu dùng đối với các hoạt động và sản phẩm du lịch bền vững; đẩy mạnh đối tác công tư với tư cách là biện pháp chính để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch bền vững; tạo môi trường cạnh tranh, hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến du lịch, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Với những nội dung được thông qua tại hội nghị đối thoại lần này đã góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực trong hoạch định chính sách phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh phát triển bền vững đang là chủ đề được quan tâm tại các diễn đàn du lịch thế giới nói chung và khu vực APEC nói riêng.

Cơ hội lớn cho du lịch Quảng Ninh

Hội nghị Đối thoại Chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững được đánh giá không chỉ là đột phá mang tầm chiến lược với cộng đồng các doanh nghiệp làm du lịch mà còn là cơ hội vàng để giới thiệu về văn hóa, con người và vẻ đẹp Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng tới bạn bè quốc tế. Với vai trò là địa phương được chọn để tổ chức hội nghị “Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững”, tỉnh Quảng Ninh xác định đây là cơ hội lớn để ngành du lịch Quảng Ninh tiếp cận, làm sâu sắc thêm quan hệ với các nền kinh tế thành viên APEC và các đối tác quan trọng.

APEC Việt Nam 2017 với phiên đối thoại cấp cao về phát triển du lịch bền vững được tổ chức tại Hạ Long là cơ hội để quảng bá du lịch của tỉnh.

Với quan điểm phát triển du lịch chất lượng, đẳng cấp quốc tế, khác biệt nhưng phải bền vững, tỉnh đặc biệt quan tâm đến các vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên của thế giới và bảo vệ bền vững về môi trường, tạo môi trường sống hấp dẫn cho người dân và du khách. Quảng Ninh đã có bước đi rất bài bản, lựa chọn các đơn vị tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm xây dựng, tư vấn quy hoạch phát triển KTXH, du lịch, nguồn nhân lực để phục vụ mục tiêu phát triển. Đồng thời, tập trung cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch với hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội chất lượng cao… Chính những nỗ lực trên đã làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị và ngành du lịch Quảng Ninh. Du lịch Quảng Ninh dần vươn tới và hội nhập với thế giới về chất lượng dịch vụ, trở thành điểm sáng về phát triển du lịch của Việt Nam và khu vực trong tương lai.

Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Cùng với quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế Quảng Ninh đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới với nền văn hóa-lịch sử độc đáo; những thắng cảnh thiên nhiên, các bãi biển đẹp, người dân thân thiện, mến khách. Chính vì vậy, Hạ Long - Quảng Ninh được coi là một trong những biểu tượng của du lịch Việt Nam, đã vinh dự là trong 1 trong 10 tỉnh được chọn đăng cai tổ chức hội nghị quan trọng của APEC. Đây cũng là cơ hội cho tỉnh Quảng Ninh quảng bá, xúc tiến du lịch tới doanh nghiệp, bạn bè trong nước và quốc tế”.

Quảng Ninh đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển du lịch bền vững.

Tại hội nghị này đã có nhiều vấn đề lớn, quan trọng được đặt lên bàn nghị sự để từ đó các nhà hoạch định chính sách có những quyết sách đúng cho phát triển du lịch bền vững - mục tiêu quan trọng của toàn cầu và của các nền kinh tế thành viên trong APEC. “Đây cũng là cơ hội để tỉnh Quảng Ninh lắng nghe, tiếp thu những kinh nghiệm quý báu từ các nền kinh tế thành viên phát triển trong việc nghiên cứu, giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với phát triển du lịch bền vững. Bởi trong quá trình phát triển, Quảng Ninh vừa phải phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, đồng thời vẫn phải đảm bảo môi trường, nhất là môi trường vịnh Hạ Long để phát triển du lịch, kết hợp đồng bộ với phát triển đô thị nhanh, bền vững. Đây cũng chính là điều Quảng Ninh mong chờ nhất từ Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững APEC” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long nhấn mạnh./.

quangninh.gov.vn
Loading...