Quảng Ninh nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác, phát triển kinh tế biển

08/11/2016 10:44
Quảng Ninh có bờ biển trải dài, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong nhiều năm qua, bằng những chính sách phù hợp, Quảng Ninh đã biến tiềm năng kinh tế biển thành mũi đột phá trong mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đây cũng là kết quả của tỉnh trong thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.

 

Phối cảnh một góc đô thị TP Hạ Long trong thời gian tới. 

Tại hội nghị Trung ương 4 khóa X, BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Xác định rõ tầm nhìn chiến lược cho phát triển kinh tế biển, hàng năm tỉnh Quảng Ninh dành nguồn lực đủ mạnh đầu tư các công trình thiết yếu và cấp bách để phục vụ đời sống dân sinh trên biển đảo và vùng ven biển đảm bảo tính chiến lược về kinh tế, quốc phòng, tạo nền tảng để kêu gọi thu hút vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành nâng cấp tuyến QL 18A đoạn Mông Dương - Móng Cái; xây dựng hệ thống đường trên các xã đảo, bao gồm đường nhựa và bê tông; xây dựng các bến cặp tàu và đường dẫn các xã đảo Minh Châu, Quan Lạn, Bản Sen, Thanh Lân, Thắng Lợi, bến số 2 Cái Chiên; đầu tư xây dựng, củng cố các cơ sở giáo dục và các cơ sở y tế; xây dựng các hồ chứa nước ngọt phục vụ cho sinh sản, sản xuất, đầu tư phát triển hệ thống kênh mương nội đồng; xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, phủ sóng phát thanh, truyền hình; xây dựng, củng cố các đồn, trạm biên phòng…

Hạ tầng điện, đường, trường, trạm tại huyện đảo Cô Tô được đầu tư đồng bộ, hiện đại, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Xác định điện có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt đối với các tuyến huyện đảo, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư hệ thống cáp ngầm dẫn điện ra huyện đảo Cô Tô, xã Cái Chiên và các xã đảo của huyện Vân Đồn.

Đối với kết cấu hạ tầng đô thị ven biển, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành việc nâng cấp TX Uông Bí, Cẩm Phả lên thành phố; thành lập TX Quảng Yên và đang tập trung xây dựng và nâng cấp một số đô thị, như: Tiên Yên, Móng Cái nhằm phấn đấu đưa Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài những mục tiêu phát triển KKT Vân Đồn, Quảng Ninh đang tập trung xây dựng chuỗi đô thị Móng Cái - Hải Hà kết nối với các KKT cửa khẩu và KCN cảng biển…

Ngoài ra, một loạt các trung tâm vui chơi giải trí cũng đã được hình thành, như: Khu du lịch giải trí quốc tế Tuần Châu, Công viên Đại Dương, Sân golf Vĩnh Thuận và hệ thống trung tâm thương mại tại Móng Cái, Hạ Long.

Hạ tầng phát triển kinh tế biển luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm đầu tư.

Là tỉnh có bờ biển trải dài, tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc và các tỉnh, thành lân cận có nguồn dịch vụ, thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa nên tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh dịch vụ hàng hải, với các loại hình kinh doanh xếp dỡ, vận tải, lưu kho bãi, giao nhận hàng hóa, lai dắt hỗ trợ tàu biển ra vào cảng, dịch vụ vệ sinh môi trường, đại lý và môi giới tàu biển, hoa tiêu hàng hải… Theo báo cáo của ngành chức năng, khối lượng hàng hóa lưu thông qua hệ thống cảng biển trong năm 2015 của tỉnh đạt trên 53 triệu tấn; hoạt động của hệ thống các cảng biển góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động mỗi năm.

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm chú trọng đến chất lượng du lịch tuyến biển đảo. Trong tổng số hơn 7,5 triệu lượt khách du lịch đến Quảng Ninh thì có khoảng 70% khách du lịch đã tham gia các tour tuyến biển đảo. Riêng Vịnh Hạ Long, mỗi năm thu hút khoảng 2,5 triệu lượt du khách đến tham quan, trong đó khoảng hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế. Mỗi năm khi hè đến, các khu du lịch biển ở Quảng Ninh lại thu hút một số lượng khách lớn đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Cảng Cái Lân - Một trong những cảng biển của cả nước được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Quảng Ninh đã và đang mở rộng phát triển và hình thành các sản phẩm du lịch mới ra các tuyến đảo Vân Đồn, Cô Tô, Vịnh Bái Tử Long. Trong đó, tỉnh ưu tiên xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch và dịch vụ biển cao cấp, độc đáo, chất lượng cao, có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, với ý tưởng mang tính đột phá, tạo ra một khu du lịch biển “mới lạ và sang trọng” tại Vân Đồn gắn với việc đầu tư xây dựng sân bay, hệ thống cảng tàu, khu du lịch giải trí phức hợp có casino… sẽ góp phần đưa du lịch Quảng Ninh nói chung, du lịch biển nói riêng thực sự trở thành điểm đến có đẳng cấp trong khu vực và quốc tế.

Phát huy thế mạnh về biển, Quảng Ninh đã tập trung phát triển mạnh mẽ đội tàu khai thác thủy sản, kết hợp nuôi trồng ở những vùng có thế mạnh. Chỉ tính trong năm 2015, ngành thủy sản của tỉnh đạt trên 103.000 tấn. Tổng công suất chế biến thủy sản xuất khẩu của các cơ sở đạt trên 7.500 tấn/năm.

Từ những kết quả có được, tỉnh Quảng Ninh đã và đang cho thấy tiềm năng kinh tế biển rất dồi dào mà hiếm địa phương nào có được. Tuy nhiên, để Quảng Ninh phát triển bứt phá từ kinh tế biển, rất cần Trung ương mạnh dạn chấp thuận cho Quảng Ninh xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn; có những chính sách đặc thù riêng cho tỉnh; ban hành nghị định về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và cơ chế, chính sách về chức năng quản lý; xem xét dành nguồn lực thỏa đáng cho tỉnh đảm bảo triển khai các dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách phát triển vùng ven biển và biển đảo Quảng Ninh” do tỉnh Quảng Ninh đề xuất để thực hiện Kết luận số 47-KL/TW ngày 06-5-2009 của Bộ Chính trị./.

quangninh.gov.vn
Loading...