Quảng Ninh nỗ lực giảm nghèo bền vững

06/11/2017 08:36
Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, đưa 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) ra khỏi diện này. Để hiện thực hoá mục tiêu này, tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực để tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ, tạo động lực phát triển sản xuất, nâng cao mức sống cho người dân.

 

Huyện Tiên Yên hỗ trợ nhân dân làm đường giao thông nông thôn.

Trong thời gian qua, việc thực hiện Đề án “Nhiệm vụ, giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020” đã được tỉnh thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học và quyết tâm cao trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Các địa phương, sở ngành đã có nhiều cố gắng, triển khai tương đối đồng bộ các chương trình theo kế hoạch đề ra và đã có chuyển biến theo hướng tích cực, hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm ưu tiên bố trí vốn và phân cấp triệt để cho các địa phương chủ động trong tổ chức triển khai thực hiện, qua đó đa số các dự án hạ tầng đã được triển khai đầu tư; mô hình sản xuất đã xác định rõ được mô hình và hình thành được các sản phẩm chủ lực trong sản xuất nông nghiệp theo thế mạnh của địa phương.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc, đến hết tháng 9-2017, toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân 115,476 tỷ đồng/196,055 tỷ đồng, đạt 58,9%; đã triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất cho 3.018 lượt hộ, với tổng số vốn đã triển khai thực hiện là 22,846 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch vốn giao; các huyện đã phân bổ vốn đầu tư cho 144 danh mục công trình, đến nay có 121/144 công trình đang triển khai thi công (chiếm 90,97%), tổng số vốn đã thực hiện là 80,117 tỷ đồng, đạt 49,05% vốn kế hoạch giao; phân bổ kinh phí hỗ trợ nhà ở cho 352 hộ nghèo, đến nay đã hoàn thành xây dựng 128 căn, 84 căn đang làm.

Chương trình nông thôn mới đã tập trung rà soát đánh giá thực trạng nông thôn mới, nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, ban hành nhiều văn bản, cơ chế, chính sách quan trọng làm cơ sở để triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2002.

Huyện Ba Chẽ hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân

Đối với chương trình giảm nghèo tập trung thực hiện các chương trình, dự án để hoàn thành mục tiêu giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo 0,7%/năm; giải quyết việc làm cho 20.000 lao động, đạt 72,7% kế hoạch năm (trong đó tạo việc làm mới là 13.500 lao động); tuyển sinh đào tạo nghề 29.880 người, đạt 90,55% kế hoạch năm.

Ba Chẽ là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh. Trong những năm qua việc nắm bắt kịp thời chủ trương của Đảng và Nhà nước về chương trình giảm nghèo bền vững, cùng với sự quan tâm của tỉnh, sự vận dụng linh hoạt vào thực tế của địa phương cộng với phát huy nội lực đã giúp cho huyện miền núi Ba Chẽ đang dần thoát nghèo, đời sống của người dân nơi đây có bước đầu cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngay sau khi có chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Ba Chẽ đã thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo và thành lập tổ giám sát tổng điều tra hộ nghèo trên địa bàn huyện; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể và sự đồng lòng ủng hộ của cả cộng đồng.

Trong hai năm gần đây, huyện Ba Chẽ đã huy động được 100 tỷ đồng phục vụ đầu tư 15 công trình hạ tầng văn hoá, giao thông và nhà ở cho người nghèo. Trong đó có những tuyến đường có tổng mức đầu tư lên tới gần 12 tỷ đồng mà không thể bố trí vốn chương trình 135 hoặc chương trình xây dựng nông thôn mới. Huyện triển khai công bố quy hoạch, thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư vào sản xuất nông - lâm nghiệp, dịch vụ, cụm công nghiệp trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chương trình giảm nghèo của huyện Ba Chẽ vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Tỷ trọng nông nghiệp còn lớn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm và kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững khi thực tế tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao (1.774 hộ nghèo, chiếm 34,7% và 840 hộ cận nghèo, chiếm 16,43%); một số hộ gia đình sử dụng vốn vay chưa hiệu quả và không muốn thoát nghèo để được thụ hưởng các chính sách ưu đãi. Mặt khác, việc đầu tư của chương trình giảm nghèo còn dàn trải, nhất là về cơ sở hạ tầng, dẫn đến một số công trình có quy mô không hợp với điều kiện thực tế ở một số địa phương nên hiệu quả sử dụng thấp. Tuy hạ tầng cơ sở nông thôn đã được đầu tư song thiếu tính bền vững.  

Mặc dù vậy, nhìn một cách tổng quát, chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã “đánh thức” những tiềm năng về điều kiện tự nhiên và nội lực con người Ba Chẽ, “thổi bùng” lên những mong muốn, khát khao thoát nghèo bền vững của người dân. Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mỗi con người cụ thể đã được hỗ trợ trên mọi phương diện, tạo thêm động lực để các hộ gia đình khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển sản xuất. Thành công trong công tác giảm nghèo của huyện Ba Chẽ như một minh chứng về chủ trương đúng và cách làm sáng tạo của địa phương, của mỗi người dân vùng núi còn nhiều khó khăn. Bằng niềm tin với Đảng, Nhà nước, đồng bào Ba Chẽ đang từng ngày cố gắng vươn lên, hăng hái lao động sản xuất để làm giàu cho gia đình và cho quê hương.

Là huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn nên Bình Liêu là một trong những huyện khó khăn của tỉnh được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ, của tỉnh. Thời gian qua, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135 và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của UBND tỉnh, huyện Bình Liêu đã giải ngân hơn 6 tỷ đồng tập trung thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, phân bón, thức ăn và thiết bị máy móc cho hơn 1.500 hộ dân.

Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận thẳng thắn về những khó khăn trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Bình Liêu. Đó là, số hộ thoát nghèo hàng năm tuy có giảm nhưng không bền vững, tỷ lệ tái nghèo vẫn còn cao, số hộ nghèo tham gia mô hình còn ít, tỷ lệ thu nhập của hộ nghèo tham gia mô hình không cao vì khi Nhà nước hỗ trợ xây dựng mô hình nhưng khi mô hình đã thành công và Nhà nước không hỗ trợ kinh phí nữa thì rất ít hộ triển khai tiếp mô hình. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn ở cơ sở còn nhiều hạn chế; tập quán sản xuất, sinh hoạt lạc hậu, tư tưởng trông chờ ỷ lại vẫn còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ và nhân dân. Cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư xây dựng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Trao đổi với chúng tôi về quyết tâm thực hiện Đề án nhiệm vụ, giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành chương trình 135 giai đoạn 2017-2020, đồng chí Đặng Bá Bắc, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2015-2020, huyện Bình Liêu tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các mô hình kinh tế, nhất là các mô hình đã phát huy hiệu quả, làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự lan toả để nhân rộng các mô hình đã khảo nghiệm có hiệu quả; phát huy tiềm năng lợi thế và đặc thù của một số vùng miền trên địa bàn để phát triển các loại cây, con vừa có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập để đảm bảo đời sống cho nhân dân một cách đầy đủ. Đồng thời, gắn với việc quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng theo chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, khuyến khích các hộ gia đình nông dân và các thành phần kinh tế có điều kiện bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh thông qua các chương trình, dự án và các chính sách ưu đãi phát triển, ổn định sản xuất, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

 

Hoành Bồ hỗ trợ người dân trồng hoa lan

Mới đây, tại hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện 9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2017 về thực hiện Đề án “Nhiệm vụ, giải pháp đua các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020”, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Đối với Đề án nhiệm vụ, giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, trong thời gian tới các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến từng hộ dân thông qua các tổ chức trong hệ thống chính trị, MTTQ và các đoàn thể; đẩy nhanh tiến độ triển khai một số việc cụ thể về truyền thông như: Kết nối mạng trực tuyến đến các xã, việc mở rộng sóng điện thoại di động đến những nơi chưa có sóng và sóng yếu, tăng diện người dân ở miền núi, biên giới được xem truyền hình VTV và QTV, triển khai đề án đưa điện lưới đến các cụm dân cư ở thôn.

Chủ tịch UBND các huyện tập trung thực hiện công tác giải ngân vốn đảm bảo hiệu quả, chất lượng đầu tư; cần chủ động việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa, sự hỗ trợ của các ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân trong thực hiện Đề án, đặc biệt vốn vay từ các ngân hàng.

Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể và nhiệm vụ đã được phân công để hoàn thành mục tiêu năm 2017 giảm tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất 0,7%, số hộ thoát nghèo 2.270 hộ toàn tỉnh, đảm bảo giảm nghèo thực chất, bền vững…

Hy vọng rằng, với những giải pháp thiết thực và đồng bộ, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo sẽ đạt được những chỉ tiêu đặt ra, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và thúc đẩy kinh tế, xã hội của Quảng Ninh ngày càng phát triển./.

quangninh.gov.vn
Loading...