Quảng Ninh phát huy thế mạnh ngành thủy sản

14/06/2017 10:34
Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chú trọng đầu tư và phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản theo đúng hướng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Thu hoạch hàu sữa của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (Tập đoàn BIM) tại xã Thắng Lợi, Vân Đồn

Từ chủ trương đúng đắn

Nhằm thúc đẩy ngành thủy sản Quảng Ninh phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu lên từ biển, ngày 6-5-2014, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Thực hiện Nghị quyết, từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã ban hành một số chính sách khuyến khích thu hút nguồn lực phát triển kinh tế thủy sản như: chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp dầu tư vào nông nghiệp; chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với nhà đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh; chính sách hỗ trợ về giống để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh trên địa bàn tỉnh…

Cùng với những chính sách có tính chất thúc đẩy, tỉnh đang tập trung cao độ cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi, an toàn và thân thiện, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, quy mô, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường đầu tư kinh doanh… Hàng quý, tỉnh tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu  tư.

Cơ cấu tàu cá chuyển dịch theo xu hướng giảm số lượng tàu cá hoạt động tại vùng biển ven bờ, tăng số lượng tàu cá có công suất lớn hoạt động xa bờ

Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều chủ trương đúng đắn cởi mở trong việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư về thủy sản tại tỉnh bằng việc chủ động phối hợp trong việc hướng dẫn, giải quyết, phúc đáp cho nhà đầu tư các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với nuôi trồng thủy sản.

Xác định xây dựng thương hiệu sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế thủy sản, tỉnh đã tập trung xây dựng và phát triển 9 thương hiệu về các sản phẩm thủy sản. Cụ thể như: mực ống Cô Tô, cá duội Cô Tô, sá sùng Vân Đồn, tu hài Vân Đồn, chả mực Hạ Long, ngán Quảng Ninh, ghẹ Trà Cổ, tôm chân trắng Móng Cái, cua biển Quảng Yên. Đồng thời, tỉnh xác lập quyền sở hữu trí tuệ và các công cụ quản lý nhãn hiệu; các công cụ hỗ trợ phát triển sản xuất, bao gồm quy trình sản xuất, chế biến và các điều kiện đảm bảo sản phẩm sạch, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng phương án phát triển thị trường, đưa sản phẩm ra thị trường.

Đáng chú ý, thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, tỉnh đã xây dựng và phát triển hơn 200 sản phẩm OCOP có bao bì, mẫu mã đạt tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Nhiều mặt hàng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh đã có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng.

Trong nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào thủy sản, tỉnh đã triển khai 6 dự án cấp Nhà nước thuộc chương trình Nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015 thuộc lĩnh vực thủy sản, với tổng kinh phí hơn 37,8 tỷ đồng. Chương trình Nông thôn và miền núi được triển khai trực tiếp tại các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi triển khai rộng trên các đối tượng: cá song chấm nâu, cá đối mục, cua biển, trai ngọc môi vàng…

Năm 2016, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 50.000 tấn

Bứt phá trong lĩnh vực thủy sản

Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện, lĩnh vực thủy sản đang có nhiều bứt phá. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất thuỷ sản toàn tỉnh Quảng Ninh đạt 4.612 tỷ đồng, đóng góp 50% GDP trong khối nông, lâm, ngư nghiệp; tạo việc làm và thu nhập cho trên 56.000 lao động. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 20.695 ha, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 50.000 tấn. Sản xuất và cung ứng giống thủy sản đạt hơn 1,1 tỷ con giống. Toàn tỉnh có 18 cơ sở sản xuất giống thủy sản, trong đó, 15 cơ sở sản xuất giống mặn, lợ.

Tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2016 đạt 58.200 tấn. 4 tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác đạt hơn 19.000 tấn, bằng 33,3% so với kế hoạch năm 2017. Sản lượng tăng nhờ cơ cấu tàu cá chuyển dịch theo xu hướng giảm số lượng tàu cá hoạt động tại vùng biển ven bờ, tăng số lượng tàu cá có công suất lớn hoạt động xa bờ. Hiện nay, tổng số tàu cá của tỉnh là 7.494 tàu, trong đó, số tàu có công suất thiết kế dưới 90CV là 6.988 tàu; số tàu có công suất từ 90CV trở lên là 506 tàu (tăng 307 tàu so với năm 2013).

Nghề khai thác đã cơ cấu lại, những nghề mang tính hủy diệt nguồn lợi như sử dụng xung điện, hóa chất, te xiệp… đều bị cấm. Những nghề không thân thiện với môi trường như nghề lưới kéo đều bị hạn chế… Nghề ưu tiên hiện nay là nghề chài chụp kết hợp ánh sáng, lưới rê, câu. Những nghề chủ lực này đang được đầu tư quy mô và hiện đại. Ngư dân thay thế dần cách bảo quản truyền thống bằng muối, đá lạnh thay bằng công nghệ bảo quản tiên tiến hầm lạnh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, do vậy, đội tàu khai thác thủy sản của tỉnh có thể đi ra các ngư trường xa, bám biển dài ngày hơn.

Đối với hạ tầng khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá, tỉnh đã có 8 khu neo đậu tránh trú bão được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt đầu tư 6 dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và có 5 dự án đang được triển khai thực hiện như: dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ, huyện Cô Tô; dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Móng Cái; dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá khu vực huyện Tiên Yên; dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền hoạt động nghề cá giai đoạn I ở khu vực huyện Hải Hà; dự án Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá cho tàu thuyền nghề cá thị xã Quảng Yên.

Kết quả sản xuất và cung ứng giống thủy sản năm 2016 đạt hơn 1,12 tỷ con, tăng 317 triệu con so với năm 2013

Bên cạnh đó, hạ tầng vùng sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản tập trung được tỉnh chú trọng quan tâm. Hiện tại có một số dự án thuộc cấp tỉnh quản lý đã và đang được đầu tư phát triển sản xuất. Cụ thể: dự án Trung tâm sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản tại huyện Đầm Hà với tổng mức đầu tư 169,9 tỷ đồng, quy mô 125 ha, công suất khoảng 3,5 tỷ tôm giống, nhuyễn thể, cá biển; dự án đã đi vào hoạt động. Dự án Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn với tổng mức đầu tư hơn 213,3 tỷ đồng, tổng diện tích dự án 300 ha, công suất 1,5 tỷ giống/năm; dự kiến đến hết năm 2017 sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Dự án Khu phức hợp sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao, chế biến thức ăn và chế biến thủy sản tại Đầm Hà, quy mô 187 ha với năng suất nuôi tôm thương phẩm khoảng 100-300 tấn/ha/năm. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 500 tỷ đồng, hiện đang được triển khai đầu tư…

Để nghề hoạt động khai thác thuỷ sản phát triển bền vững, Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu phát triển thủy sản toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch, dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế thủy sản chiếm 3% GDP của tỉnh, đóng góp 60 - 65% GDP trong khối nông - lâm - ngư nghiệp; giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 6.000 tỷ đồng; tổng sản lượng thủy sản đạt trên 130.000 tấn. Hình thành 3 trung tâm nghề cá và 1 trung tâm thương mại nghề cá gắn với hệ thống hạ tầng sản xuất, hậu cần nghề cá đồng bộ. Đến năm 2030, giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 8 - 9%/năm; tổng sản lượng thủy sản tăng bình quân 7 - 8%/năm; giá trị xuất khẩu thủy sản tăng 10 - 15%...

Nắm bắt kịp thời để đưa ra các chủ trương, chính sách phù hợp, phát huy tiềm năng,lợi thế sẵn có của tỉnh, đến nay, ngành thủy sản Quảng Ninh đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Đây là bước tiến để phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh./.        

quangninh.gov.vn
Loading...