Quảng Ninh quyết liệt trong xử phạt vi phạm hành chính

31/05/2017 10:16
Quảng Ninh là địa phương có địa bàn rộng, phức tạp với tuyến đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc; thành phần kinh tế đa dạng… nên rất dễ xảy ra các vụ việc vi phạm hành chính. Xác định được điều đó, Quảng Ninh đã có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả để kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính.

 

Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm

Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, tình hình vi phạm hành chính trên địa bàn Quảng Ninh có chiều hướng diễn biến phức tạp. Mặc dù các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt đối với các vụ việc vi phạm nhưng số vụ vi phạm hành chính vẫn gia tăng. Năm 2016, vi phạm hành chính tập trung ở một số lĩnh vực, như: xuất nhập cảnh, trật tự ATGT, xây dựng, sản xuất, tài nguyên môi trường, an toàn thực phẩm. Các lỗi vi phạm phổ biến liên quan đến các lĩnh vực này, như: xây dựng không có giấy phép; vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định; buôn bán hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng; vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên, lâm, thổ sản; lấn chiếm đất, thay đổi mục đích sử dụng đất; gây rối trật tự công cộng; vi phạm an toàn giao thông đường bộ...

Bằng những biện pháp cụ thể, quyết liệt, năm 2016, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện gần 35.000 vụ vi phạm hành chính, tăng gần 30% so với năm 2015. Trong đó có 34.536 vụ đã được xử phạt (chiếm 98,8%); 397 vụ chưa xử phạt; 28 vụ truy cứu trách nhiệm hình sự và 12 vụ áp dụng biện pháp thay thế đối với người chưa thành niên.

Cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý lỗi vi phạm trong lĩnh vực giao thông.

Tổng số đối tượng bị xử phạt của những vụ việc nói trên là 34.390 đối tượng, tăng 44% so với 2015. Trong đó, tổ chức vi phạm là 475 đối tượng (chiếm 1,4%), cá nhân vi phạm là 33.906 (chiếm 98,6%). Thông qua các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, số tiền phạt thu được nộp vào ngân sách Nhà nước năm 2016 đạt trên 37 tỷ đồng. Số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu đối với những vụ việc vi phạm hành chính là trên 10 tỷ đồng. Không có quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào bị khởi kiện.

Còn nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm

Tại các địa phương, đơn vị, vai trò và trách nhiệm của cán bộ thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính cũng đã được nâng cao. Việc xử phạt vi phạm hành chính đảm bảo kịp thời về thời gian, đúng trình tự và thủ tục, phần nào đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên trong một số lĩnh vực phức tạp, như xây dựng và đất đai vẫn còn nhiều lúng túng, hạn chế trong việc xác định hành vi; các cán bộ cơ sở còn thiếu kiên quyết, chưa xử lý kịp thời các hành vi vi phạm ngay từ khi vi phạm mới phát sinh; công tác giám sát, đôn đốc việc thực hiện các quyết định xử phạt còn chưa triệt để; việc chấp hành quyết định xử phạt còn chưa nghiêm, đa số các trường hợp chậm nộp phạt, hoặc nộp tiền phạt nhưng không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả...

Đội Thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải lưu thông trên tuyến quốc lộ thuộc tỉnh.

Bên cạnh những tồn tại đó, một vấn đề được các ngành chức năng đặt ra đó là khó khăn trong lập biên bản vi phạm hành chính. Ví dụ, tại Khoản 1, Điều 58, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành ngay khi xác định được tổ chức, cả nhân vi phạm”. Như vậy, trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (phải qua công tác phân tích, xét nghiệm của đơn vị chức năng mới phát hiện được) thì việc lập biên bản vi phạm tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền xử phạt hay tại trụ sở nơi tổ chức, cá nhân vi phạm? Đến nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc lập biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính.

Thêm vào đó, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm hành chính cũng gặp không ít khó khăn, như: Tại Khoản 1, Điều 126, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “Trả lại phương tiện vi phạm cho chủ trong trường hợp chứng minh được lỗi không do người có phương tiện gây ra”. Trong khi đó, Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 quy định “Xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” không quy định nội dung này dẫn đến lúng túng trong áp dụng.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thu giữ, tiêu hủy các thiết bị cấm trong khai thác, đánh bắt thủy sản.

Tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, quy định về xử phạt hành chính đối với người nước ngoài có hành vi "Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất, nhập cảnh theo quy định” chỉ có hình thức phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng, không có hình thức phạt cảnh cáo. Thực tế trên địa tỉnh Ọuảng Ninh, nhiều trường hợp người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) nhập cảnh trái phép, khi bị bắt giữ không có đủ tiền để chấp hành hình phạt tiền, Công an địa phương cũng không đủ căn cứ và điều kiện ra lệnh tạm giữ đối tượng này. Do đó, quy định này gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng.

Từ những khó khăn, bất cập nêu trên, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính. Trước mắt, kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản để khắc phục những lỗ hổng, điểm chưa hoàn thiện như đã nêu trên, để công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ngày càng đạt hiệu quả./.

quangninh.gov.vn
Loading...