Quảng Ninh thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm

28/06/2017 10:35
Xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực du lịch, ngay từ những tháng đầu năm các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về ATTP, nên đã đạt được kết quả đáng kể, không để có điểm nóng về mất an toàn thực phẩm, không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn trên 30 người mắc, không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Các cơ quan chức năng, các địa phương kiểm soát nguồn thực phẩm qua lại ở các cửa khẩu (Ảnh: Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra hoạt động tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái)

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 17.130 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 1.234 cơ sở sản xuất nuôi trồng nông lâm sản và thủy sản; 825 cơ sở sản xuất, chế biến, trên 9.400 cơ sở kinh doanh, 4.502 cơ sở dịch vụ ăn uống; gần 1.130 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn cung cấp với đa dạng, phong phú các loại thực phẩm trong tỉnh, ngoài tỉnh và thực phẩm nhập khẩu, nên việc kiểm soát ATTP luôn gặp nhiều khó khăn. Để công tác bảo đảm ATTP được triển khai hiệu quả đạt được chỉ tiêu kế hoạch và các chỉ tiêu Chương trình mục tiêu Quốc gia về ATTP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2017, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành kịp thời theo đúng nội dung Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy.

Đảm bảo ATTP không chỉ đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách mà còn góp phần giữ vững và duy trì sự tăng trưởng của ngành du lịch

Đặc biệt, tỉnh luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, các cơ quan quản lý đã phối hợp tích cực với cơ quan truyền thông của tỉnh và các địa phương tập trung tuyên truyền về bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân; Tháng hành động vì ATTP và năm cao điểm hành động vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Toàn tỉnh đã thực hiện trên 11.245 lượt phát thanh, truyền thanh; 485 lượt phóng sự, tin bài trên sóng truyền hình và 3.000 lượt tin, bài, ảnh tuyên truyền về vệ sinh ATTP trên các ấn phẩm của Báo Quảng Ninh.

Đường dây nóng được thiết lập và duy trì hoạt động, ngành Y tế có số điện thoại 19009095 và 0981815815; ngành Công Thương có số điện thoại 1900585826; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có số điện thoại 1800599911 và 0917808113. Trong 6 tháng, đường dây nóng của ngành Y tế đã tiếp nhận được 5 cuộc gọi phản ánh của người dân về thông tin cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo ATTP. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã chuyển ngay 04 thông tin đến phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường - Công An Tỉnh và 01 thông tin đến Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, cử cán bộ tham gia phối hợp. Các thông tin đều được kiểm tra xác minh, trong đó đã phát hiện và xử lý 02 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm vi phạm.  

Ngành y tế thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Cẩm Phả

Thành phố Cẩm Phả là một trong những địa phương có số lượng khá lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, một trong những địa phương thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTP. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã kiểm tra gần 1.100 cơ sở, đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 259 cơ sở, xử phạt trên 422 triệu và tiến hành tiêu hủy hàng hóa với tổng số tiền trên 413 triệu đồng. Thành phố cũng đã chi trên 522 triệu đồng mua hóa chất xét nghiệm nhanh thực phẩm và cho công tác tuyên truyền, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Để đảm bảo ATTP trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả cho biết: Thành phố sẽ đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở, nhà hàng nhằm kiểm soát và kịp thời phát hiện các vi phạm về ATTP; đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo tốt công tác ATTP trên địa bàn.

Để chủ động giám sát ô nhiễm thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, các ngành chức năng của tỉnh và các đơn vị quản lý ATTP ở địa phương đã triển khai các biện pháp giám sát, đồng thời thực hiện kiểm nghiệm mẫu thực phẩm và dụng cụ chứa đựng thực phẩm. Trong tháng 6 tháng đầu năm 2017, đã thực hiện kiểm nghiệm 15.855 mẫu, phát hiện 711 mẫu không đạt (4,5 %). Tất cả các mẫu thực phẩm không đạt quy định về ATTP đều được các đoàn kiểm tra, giám sát yêu cầu cơ sở thực phẩm tiêu hủy và có biện pháp khắc phục ngay, không để lưu thông trên thị trường các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm ATTP.

 

Tăng cường quản lý, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất trong việc đảm bảo ATTP

Theo đồng chí Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngay từ đầu năm, 100% các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đều xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh đường tiêu hóa truyền qua thực phẩm. Trong thời gian tới, các ngành phấn đấu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, các nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, doanh nghiệp, trường học, thức ăn đường phố, khu du lịch, lễ hội; không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh đường tiêu hóa truyền qua thực phẩm được kiểm soát rất cần sự phối hợp các sở, ban, ngành vào cuộc nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và xử lý, xử phạt vi phạm về ATTP, đặc biệt là kiểm tra, bắt giữ tịch thu tiêu hủy thực phẩm nhập lậu qua biên giới, thực phẩm không nguồn gốc, không bảo đảm ATTP.

Hiện có 22/22 thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến ATTP (cấp tỉnh 16 TTHC, cấp huyện 06 TTHC) đều thực hiện tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện (lĩnh vực Y tế cấp tỉnh có 06 TTHC, cấp huyện có 02 TTHC; lĩnh lực Nông nghiệp cấp tỉnh có 04 TTHC, cấp huyện có 02 TTHC; lĩnh vực Công thương cấp tỉnh 06 TTHC, cấp huyện 02 TTHC). Các thủ tục hành chính luôn được rà soát, đơn giản hóa thủ tục, quy trình, rút ngắn thời gian 30% đến 50%, tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến làm các thủ tục về ATTP; 100% phiếu thăm dò khách hàng đều được đánh giá mức độ hài lòng và rất hài lòng.

Trên địa bàn tỉnh còn nhiều cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố quy mô nhỏ lẻ, cá thể, hộ gia đình, không thực hiện được đầy đủ, đúng các quy định về ATTP. Thực phẩm nhập lậu qua biên giới gia tăng, không bảo đảm ATTP. Đồng thời việc kiểm soát cung cấp thực phẩm theo chuỗi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn thực phẩm tươi sống chuyển từ tỉnh ngoài vào tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để buôn bán, vận chuyển các loại  thực phẩm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua các đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới, sau đó đưa vào nội địa tiêu thụ… Vì vậy công tác đấu tranh, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn; việc quản lý cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP lĩnh vực ngành nông nghiệp đạt tỷ lệ chưa cao...

Nhằm đẩy mạnh công tác đảm bảo ATTP trong thời gian tới, tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm 6 tháng đầu năm 2017, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành ATTP nhấn mạnh: Các giải pháp phải thực hiện đồng bộ, hành động phải thiết thực, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền, tăng cường đổi mới hình thức nội dung truyền thông cho người dân biết để “tiêu dùng thông thái”; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, bố trí các lực lượng thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, tránh kiểm tra chồng chéo gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm ATTP, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; đầu tư trang thiết bị test nhanh các mẫu thực phẩm tại chợ trung tâm; các địa điểm trọng điểm như trung tâm du lịch, bếp ăn khu công nghiệp, trường học cần được kiểm tra đột xuất; các địa phương chủ động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý về ATTP; tăng cường phối hợp với Ban chỉ đạo 389 về hoạt động chống buôn lậu thực phẩm, nhất là buôn lậu qua biên giới./.

quangninh.gov.vn
Loading...