Quảng Ninh triển khai đề án Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2017-2020

04/07/2017 14:18
Sáng 4-7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai đề án chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2017-2020. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2017-2020 cùng lãnh đạo các địa phương và đại diện 186 xã, phường trong toàn tỉnh.

 

Chương trình OCOP là một nét riêng có, khẳng định là hướng đi đúng góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị giá trị sản xuất và là thương hiệu riêng của Quảng Ninh

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Mặc dù là tỉnh công nghiệp song Quảng Ninh có tiềm năng thế mạnh lớn trong phát triển nông nghiệp với gần 80% đất rừng, đường bờ biển dài 250km, tuy nhiên chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh này. Cùng với đó, hàng năm tỉnh đón một lượng lớn khách du lịch, năm 2016 đón 8,3 triệu lượt khách, trong đó có gần 3 triệu khách quốc tế; 6 tháng đầu năm 2017 đón gần 6 triệu lượt khách, vì vậy nhu cầu liên quan đến nông sản lớn, có thể xuất khẩu tại chỗ cho lượng lớn khách du lịch.

Đối với chương trình OCOP được triển khai từ năm 2013, đến nay đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Trong giai đoạn 1 đã có 198 sản phẩm OCOP, 180 cá nhân, tổ chức tham gia chương trình. Sản phẩm nông nghiệp bước đầu được sản xuất theo chuỗi; tham gia nhiều hội chợ lớn trong và ngoài nước, sức tiêu thụ lớn. Chương trình OCOP cũng được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao, đồng thời nhân rộng mô hình này trong cả nước; Chính phủ cũng ban hành chương trình này trong toàn quốc và Quảng Ninh trở thành tỉnh đi đầu được nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc đến học tập kinh nghiệm.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự Hội nghị

Bước sang giai đoạn 2 của chương trình OCOP, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn chương trình có nhiều sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, trong giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh phấn đấu có 250 sản phẩm được đăng ký OCOP, phấn đấu có từ 5-6 sản phẩm trở thành thương hiệu quốc gia, 10-12 sản phẩm từ 4-5 sao tham gia trên thị trường, thậm chí là xuất khẩu. Mỗi địa phương có từ 1-2 sản phẩm có quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, từ khâu giống, sản xuất sản phẩm, thu hoạch, bảo quản, đưa vào thị trường với mẫu mã đạt chuẩn. Đồng chí nhấn mạnh: Quan điểm chính của tỉnh trong giai đoạn này là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX chủ động mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đạt chuẩn, để người dân tự hào về sản phẩm của mình, được thị trường đánh giá cao, đồng thời nâng cao giá trị hàng hóa và thu nhập của người dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh biểu dương, ghi nhận những kết quả đạt được của Chương trình OCOP sau hơn 3 năm triển khai

Báo cáo những kết quả đạt được trong giai đoạn 1, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ OCOP giai đoạn 2017-2020 khẳng định: Chương trình OCOP là một nét riêng có, khẳng định là hướng đi đúng góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị giá trị sản xuất và là thương hiệu riêng của tỉnh Quảng Ninh, là một nội dung quan trọng trong xây dựng NTM, góp phần tích cực vào kết quả xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015 của Quảng Ninh. Quy mô, năng lực của các tổ chức kinh tế tham gia chương trình có sự tăng trưởng nhanh; chương trình OCOP đã thành lập mới thêm 52 đơn vị, tổ chức kinh tế, tạo động lực để phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương. Tuy nhiên bên cạnh đó, chương trình vẫn còn nhiều hạn chế như: Công tác chỉ đạo của một số ngành, địa phương chưa tâm huyết, thậm chí nhiều lãnh đạo coi đây là chương trình nhỏ nên chưa thực sự vào cuộc. Vấn đề kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ còn nhiều hạn chế; sản phẩm ra thị trường còn ít do sản lượng chưa đảm bảo; trình độ quản lý, quản trị của các tổ chức kinh tế còn nhiều khó khăn; vấn đề phát triển các HTX, liên minh HTX còn chưa chặt chẽ.

Để triển khai hiệu quả chương trình OCOP trong giai đoạn tiếp theo, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương phải tập trung vào 5 vấn đề, đó là: Phải coi OCOP là một chương trình kinh tế chứ không phải là một phong trào, từ đó có thể tái cấu trúc nền kinh tế, tăng thêm dịch vụ; tập trung phát triển khối kinh tế tập thể, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tập trung khai thác được thế mạnh của tỉnh từ các vùng miền; sản phẩm OCOP phải tham gia cạnh tranh trong nước và quốc tế, từ đó mới có thể đánh giá được chất lượng của sản phẩm; xây dựng và quản lý tốt nhãn hiệu OCOP.

Đồng chí cũng lưu ý, để thực hiện được mục tiêu đến hết 2020, Quảng Ninh phấn đấu có 120 sản phẩm mới, nhất thiết phải chọn được sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia, vì vậy các ngành, địa phương cần chỉ đạo chương trình một cách khoa học, động viên nhân dân tự giác tham gia chương trình. Đồng thời có sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương liên quan trong khâu sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm.


Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe PGS.TS Trần Văn Ơn (đơn vị tư vấn chương trình OCOP) giới thiệu những nội dung chính trong đề án OCOP giai đoạn 2017-2020. Trong đó nhấn mạnh mục tiêu chính là phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế khi Việt Nam tham gia thực hiện các hiệp định AEC, AFTA, TPP; xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh của Quảng Ninh trên phạm vi cả  nước và dần từng bước trên thị trường quốc tế. Trong giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh phấn đấu phát triển ít nhất 250 sản phẩm; lựa chọn 31 sản phẩm cấp huyện để tập trung đầu tư đạt tiêu chí sản phẩm cấp tỉnh, có 12/31 sản phẩm sản phẩm đạt từ 4-5 sao cấp tỉnh và 6/12 sản phẩm đủ điều kiện tham gia vào chuỗi sản phẩm quốc gia.

Phát biểu kết luận hội nghị đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh một lần nữa khẳng định những kết quả nổi bật của chương trình OCOP sau hơn 3 năm triển khai, trong đó người nông dân thật sự là những chủ thể chính của chương trình; sản phẩm OCOP được đông đảo người dân đón nhận và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn coi là điển hình trong phát triển nông nghiệp mới. Đây không chỉ là mô hình của riêng Quảng Ninh mà còn là mô hình điểm của cả nước, nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp, dần tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài. Chương trình đã góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, là một trong những kết quả thiết thực, từng bước xây dựng giá trị riêng có của Quảng Ninh. Tuy nhiên những kết quả này mới chỉ là bước đầu, chương trình này vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế vì chỉ có những địa phương nào tâm huyết, năng động thì chương trình OCOP mới phát triển mạnh; vẫn còn nhiều hạn chế trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hỗ trợ người dân, nhiều thủ tục chưa sát thực tiễn.

Bên cạnh đó công tác quản lý, quản trị trong triển khai chương trình chưa đồng bộ; sản xuất còn nhỏ lẻ do chưa đảm bảo vùng nguyên liệu; quy mô sản xuất nhiều sản phẩm mới chỉ ở mức hộ gia đình, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn… Vì vậy trong giai đoạn 2 của chương trình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp và người dân cần thẳng thắn nhìn nhận lại kết quả, đồng thời phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc trong hệ thống chính trị, lồng ghép chương trình OCOP với nhiều chương trình lớn của tỉnh như NTM, chương trình 135. Đồng thời kiện toàn công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, cử cán bộ chuyên trách chương trình này để đảm bảo tính thống nhất, chuyên sâu. Trong công tác tuyên truyền, đồng chí yêu cầu các đơn vị cần nhấn mạnh đến lợi ích của chương trình, từ đó thu hút nhân dân tham gia, tạo thành phong trào phát triển mạnh mẽ.

Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo những kết quả đạt được của Chương trình giai đoạn 2013-2016

Trên cơ sở mục tiêu của chương trình OCOP giai đoạn 2017-2020, đồng chí lưu ý mỗi địa phương cần chọn ra những sản phẩm có ưu thế để đầu tư phát triển, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Cần tập trung hoàn chỉnh hệ thống văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình, rà soát chính sách để ban hành cơ chế riêng phù hợp cho chương trình. Đồng thời tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, HTX, cán bộ, nhân dân tham gia chương trình, trong đó chú trọng rõ người, rõ việc, do vậy mỗi xã, phường phải xây dựng chương trình với những bước đi cụ thể, chú trọng công tác cán bộ.

Song song với đó, việc tập trung đẩy nhanh tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm, nhất là đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị lớn trong tỉnh, tiến tới mỗi địa phương tự tổ chức các hội chợ tiêu thụ tại các điểm giới thiệu sản phẩm; nâng cấp quảng bá, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để các thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến chương trình OCOP một cách rộng khắp.

Đặc biệt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý các địa phương cần xây dựng chương trình này phải gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo ATVSTP cũng như chú trọng bảo vệ môi trường nông thôn. Cán bộ từ tỉnh đến cơ sở phải tâm huyết, năng động để phát triển chương trình, coi đây là nhiệm vụ chính trị từ đó mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, xây dựng sản phẩm quốc gia, hướng tới xuất khẩu sản phẩm OCOP trong giai đoạn tiếp theo./.

quangninh.gov.vn
Loading...