Quảng Ninh và chiến lược chuyển từ “nâu” sang “xanh”

15/06/2015 16:40
Với vị trí địa lý, có rừng, biển đảo, có danh lam thắng cảnh - di tích lịch sử và có nguồn tài nguyên khoáng sản giàu, những lợi thế thuận lợi đó đã giúp Quảng Ninh trong những năm gần đây có tốc độ phát triển nhanh, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức trên 10%.

Một góc vịnh Hạ Long, Quảng Ninh.

Năm 2014, thu ngân sách của tỉnh này đạt 34.000 tỷ đồng, đứng thứ 5 trên cả nước; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,65 lần so với toàn quốc.

Nhưng để phát triển một cách bền vững và thực hiện thành công chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh đề ra, Quảng Ninh sẽ còn phải qua một chặng đường dài.

Mâu thuẫn và thách thức

Tại diễn đàn “Quảng Ninh trước thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu - Đối thoại Luật Bảo vệ môi trường 2014” do Bộ Tài Nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh tổ chức ngày 12/6, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh, Quảng Ninh đang phải đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn và thách thức.

Đặc biệt là mâu thuẫn giữa việc phát triển công nghiệp với phát triển du lịch, dịch vụ. Thách thức giữa phát triển công nghiệp hoá và đô thị hoá nhanh với giải quyết vấn đề môi trường sống. Thách thức giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
 
Quảng Ninh là trung tâm khai thác than, nhiệt điện, vật liệu xây dựng của cả nước. Riêng khai khoáng, Quảng Ninh có khoảng 140 mỏ và điểm quặng như than đá, đá vôi, cao lanh, sét, thủy tinh... Gần 90% trữ lượng than cả nước nằm ở Quảng Ninh.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 41 đơn vị khai thác than và 7 đơn vị sàng tuyển và chế biến thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Ngoài ra còn có hai đơn vị là Công ty Lên doanh PT Vietmindo Energitama và Công ty Xi măng xây dựng Quảng Ninh khai thác than trong ranh giới mỏ của TKV. Năm 2011, khai thác than là hoạt động kinh tế lớn nhất, chiếm 67% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, hàng năm ngành than thải ra môi trường khoảng 300 - 500 triệu m3 đất đá và 100 - 250 triệu m3 nước thải. Các trung tâm sản xuất như nhiệt điện, xi măng, đóng tàu, khu công nghiệp, khu đô thị lớn hầu hết đều tập trung bên bờ vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.

Do vậy, nguy cơ ô nhiễm môi trường tại Quảng Ninh luôn trong tình trạng rất cao. Quảng Ninh còn có tỷ lệ đô thị hóa đến 55%, cùng với đó, các ngành vận tải biển, cảng biển, nuôi trồng thủy sản tăng trưởng nhanh, tình trạng đất đá trôi lấp xuống các vùng cửa sông, ven biển đã làm giảm diện tích rừng ngập mặn, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thủy, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.

Từ “nâu” sang “xanh”

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, hướng tới phát triển nền kinh tế xanh là hướng tiếp cận mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu.

Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua và đã có trên 33 luật và 22 pháp lệnh có nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường. Đối với chính sách phát triển kinh tế xanh, chưa có văn bản chính thức nào, nhưng nội hàm liên quan đã triển khai.

Với chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng từ kinh tế “nâu” sang kinh tế “xanh”, Quảng Ninh đã cụ thể hóa chiến lược thành các mục tiêu, chỉ tiêu để tập trung thực hiện. Điều đó được thể hiện trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Quảng Ninh, quy hoạch tổng thể bảo vệ môi trường. 

Để thực hiện được chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, theo các chuyên gia, bên cạnh việc tiếp tục tái cấu trúc kinh tế theo hướng phát triển theo chiều sâu, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái và dịch vụ môi trường, Quảng Ninh cần hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Đặc biệt đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch, giảm khí phát thải nhà kính trên đơn vị GDP. Đồng thời tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, xanh hóa lối sống và thực hiện tiêu dùng bền vững và tăng cường các nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường...

Đề cập đến vai trò của báo chí, truyền thông trong lĩnh vực này, PGS.TS Vũ Đình Hòe, Phó tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, truyền thông, báo chí có nhiệm vụ và vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền, định hướng cho cộng đồng xã hội hiểu rõ hơn, ý thức được tầm quan trọng sự cần thiết của việc xây dựng nền kinh tế xanh.

Trung tâm TT và VH
vneconomy.vn
Loading...