Quy hoạch giáo dục Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

23/11/2020 15:27
Sau 5 năm triển khai Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã góp phần chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; phát triển toàn diện, phát huy năng lực, khả năng sáng tạo của người học; tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo, tiếp cận với chuẩn mực giáo dục tiên tiến, phù hợp với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiết học của cô và trò điểm trường Trung Sơn, Trường Tiểu học Quảng Tân (huyện Đầm Hà).

Sắp xếp lại hệ thống trường, lớp

Hệ thống trường lớp của xã Quảng Tân (huyện Đầm Hà) sau khi được sắp xếp lại đã đảm bảo sự bình đẳng, công bằng cho học sinh trong việc hưởng thụ chương trình giáo dục, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Việc dạy và học của thầy và trò các trường trên địa bàn xã không bị xáo trộn nhiều sau sáp nhập. Từ 5 trường học trước đây của 2 xã Quảng Lợi và Quảng Tân cũ (Mầm non Quảng Lợi, Mầm non Quảng Tân Tiểu học Quảng Tân, TH-THCS Quảng Lợi, THCS Quảng Tân), nay chỉ còn 3 trường là Mầm non Quảng Lợi, Tiểu học Quảng Tân, THCS Quảng Tân.

Ông Lê Bình Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, cho biết: Thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2020, huyện Đầm Hà đã sáp nhập 2 xã Quảng Lợi và Quảng Tân thành xã Quảng Tân mới, nhằm tăng quy mô của xã, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương. Đi cùng với đó, hệ thống giáo dục, trường lớp cũng được huyện sắp xếp lại theo từng cấp học riêng biệt, đảm bảo công bằng, bình đẳng cho học sinh.

Tuy mới sáp nhập hệ thống trường lớp được hơn 2 tháng, nhưng kết quả cho thấy mô hình này ở xã Quảng Tân bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực. Học sinh không phải di chuyển xa; các trường đã tận dụng được trang thiết bị, cơ sở vật chất chung để phục vụ việc giảng dạy; đội ngũ giáo viên được sắp xếp lại phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn, có nhiều cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm.

Thầy giáo Tô Đức Mạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Tân, chia sẻ: Sau sáp nhập, Trường đã tiếp nhận thêm khối THCS của Trường TH-THCS Quảng Lợi cũ. Hiện Trường có 1 điểm chính và 1 điểm lẻ; là trường THCS đầu tiên của huyện có điểm lẻ.

Giờ thực hành thí nghiệm của học sinh Trường THCS Nguyễn Du (TX Đông Triều).

Theo đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện Đầm Hà, việc sắp xếp lại hệ thống trường lớp ở Quảng Tân nói riêng, huyện nói chung được thực hiện trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của học sinh, phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp của tỉnh, góp phần đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các nhà trường.

Tại TX Đông Triều, thực hiện Quy hoạch phát triển giáo dục tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đem lại nhiều kết quả rất nổi bật. Cơ sở vật chất được nâng cấp, chất lượng giáo dục tiếp tục có bước chuyển biến mạnh mẽ. Tính đến tháng 9/2020, thị xã có 79/82 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó 36 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt tỷ lệ 45,56%, 100% trường mầm non, tiểu học, THCS công lập đạt chuẩn quốc gia.

Thầy giáo Nguyễn Hồng Lam, Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Du (TX Đông Triều) cho biết: Được sự quan tâm của các cấp và ngành giáo dục, đầu tháng 11/2020 Trường THCS Nguyễn Du được chuyển sang dạy và học tại cơ sở mới với 3 dãy nhà khang trang, sạch đẹp, có đầy đủ khu phòng học, phòng bộ môn, phòng họp cho giáo viên, tổng mức đầu tư 36 tỷ đồng. Các phòng học đều được trang bị bàn ghế mới, hệ thống trang thiết bị hiện đại, như máy chiếu hoặc bảng thông minh, điều hòa...

Điều chỉnh phù hợp với xu thế phát triển của tỉnh

Theo Sở GD&ĐT, thực hiện Quy hoạch phát triển giáo dục tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay mạng lưới các trường học trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trong đó, giáo dục phổ thông đã sắp xếp hợp lý các điểm trường, tách các trường nhiều cấp học có quy mô lớn ở khu vực tập trung dân cư, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở khu vực ít dân cư. Với giáo dục mầm non, loại hình giáo dục tư thục phát triển tương đối nhanh, nhất là ở các vùng đô thị, đáp ứng nhu cầu của người học và xu thế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số trường mầm non tư thục đầu tư theo hướng chất lượng cao được phụ huynh, nhân dân trên địa bàn tin tưởng lựa chọn. Giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học không ngừng phát triển.

Trường THCS Nguyễn Du được bàn giao, đưa vào sử dụng vào tháng 11/2020.

Toàn tỉnh hiện có 220 trường mầm non, 161 trường tiểu học, 189 trường THCS, 59 trường THPT; 7 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 13 trung tâm GDNN-GDTX, 2 trường đại học; 18 đơn vị gồm các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. 5 năm qua, toàn tỉnh thành lập mới 27 trường, trong đó cố 5 trường công lập, 22 trường tư thục.

Thực hiện Quy hoạch, đội ngũ nhà giáo cũng cơ bản đủ về số lượng, chất lượng nâng lên đáng kể. Đến tháng 10/2020, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh là 22.756 người. Trình độ đội ngũ giáo viên từng bước được nâng lên; tuy nhiên tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn chưa đạt so với chỉ tiêu quy hoạch do Luật Giáo dục 2019 quy định (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020). Cụ thể, toàn tỉnh hiện tỷ lệ giáo viên mầm non trên chuẩn là 54,35%, cấp tiểu học là 0,5%, cấp THCS là 3,58%, cấp THPT là 24,63%.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc thực hiện Quy hoạch phát triển giáo dục tỉnh còn nhiều hạn chế, tồn tại. Giai đoạn 2015-2020 theo Quy hoạch thành lập trường mới 46 trường, tuy nhiên đến nay mới thành lập được 27 trường. Cơ sở vật chất còn sự chênh lệch giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời. Các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng, đô thị đều có quy hoạch dành quỹ đất cho hệ thống giáo dục, tuy nhiên trong quá trình triển khai, việc đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống trường học thường chậm và không theo quy hoạch được duyệt, dẫn đến tình trạng thiếu trường học tại các khu đô thị mới tại một số địa phương, đặc biệt là tại các thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.

Tại các địa phương còn có chênh lệch giữa hệ thống giáo dục công lập và ngoài công lập trong tiếp cận các nguồn lực về ngân sách, cơ chế chính sách, đầu tư trang thiết bị đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, khen thưởng và khuyến khích người học… dẫn đến phân hóa về chất lượng giáo dục giữa hai hệ thống này ngày một tăng, công tác xã hội hóa giáo dục còn gặp khó khăn.

Quy hoạch đã góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống mạng lưới, quy mô GD&ĐT, giúp GD&ĐT tỉnh phát triển toàn diện, phát huy năng lực, khả năng sáng tạo của người học; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong dạy và học… Từ đó, góp phần quan trọng đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược của tỉnh, góp phần đưa Quảng Ninh nhanh chóng trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp.

Tuy nhiên, để Quy hoạch được thực hiện có hiệu quả hơn thời gian tới, trong các cuộc giám sát với ngành giáo dục, địa phương, HĐND tỉnh đã chỉ ra, tỉnh cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu lực của công tác quản lý thực hiện Quy hoạch tại các địa phương, không xây dựng các cơ sở giáo dục dàn trải, thiếu đồng bộ, sai quy hoạch; có chế tài xử lý đối với các đơn vị thực hiện sai Quy hoạch đã được phê duyệt; rà soát quy mô mạng lưới các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh, điều chỉnh bổ sung Quy hoạch.

Tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, nâng cao hiệu quả sau đầu tư đối với các dự án trong quy hoạch, đặc biệt các dự án xây dựng trường học thông minh, đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Ưu tiên nguồn lực, tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo, thu hút các nhà đầu tư lớn về thành phố để mở thêm các trường học ngoài công lập chất lượng cao làm giảm áp lực cho các trường công lập và ngân sách nhà nước cho giáo dục công lập.

Trong quá trình thực hiện các nội dung, nhất là công tác sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, ngành Giáo dục và các địa phương cần khảo sát kỹ nhu cầu, điều kiện, tránh làm xáo trộn, gây tâm tư, bức xúc cho đội ngũ nhà giáo và nhân dân; rà soát số giáo viên chưa đạt chuẩn, xây dựng lộ trình, kế hoạch sử dụng, bố trí giáo viên đi đào tạo nâng trình độ đạt chuẩn...

baoquangninh.com.vn
Loading...