TP Móng Cái

Quyết liệt tháo dỡ lưới săm – nói không với “nghề đăng đáy”

18/06/2017 15:10
Khai thác thủy sản bằng lưới săm (hay còn gọi là nghề đăng đáy) là một trong các phương thức thuộc danh mục cấm của Bộ NN&PTNT trong hoạt động khai thác thuỷ sản. Thế nhưng, ở Móng Cái, việc sử dụng lưới săm vẫn được một bộ phận bà con nhân dân các xã ven biển lén lút thực hiện. TP Móng Cái đã quyết liệt vào cuộc để đấu tranh ngăn chặn, trả lại môi trường sống cho các loài thủy sản.

Ông Nguyễn Danh Đức- Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Móng Cái cho biết: Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn TP Móng Cái có tổng số 52 hộ làm nghề đăng đáy. Trong đó, Quảng Nghĩa 02 hộ, Hải Tiến 16 hộ, Hải Đông 14 hộ, Hải Yên 4 hộ, Vạn Ninh 02 hộ, Hải Hòa 06 hộ Vĩnh Trung 08 hộ (đây là nghề cấm theo Quỵết định 2418/2014/QĐ-UBND ngày 22/10/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh). Mặc dù, thành phố Móng Cái đã ra quân xử lý, tuy nhiên tất cả các hộ đăng đáy đã xử lý năm 2016 lại tiếp tục hoạt động trở lại bởi lợi nhuận từ nghề này khá hấp dẫn. Theo tìm hiểu của PV, mỗi đêm thả lưới săm, mỗi hộ thu về tiền triệu bởi khó có loài tôm, cá nào lọt qua được lưới săm. Hình thức khai thác này làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản ven bờ, là hình thức khai thác tận diệt, có tác hại lâu dài, làm các loại trứng cá, cá con, ấu trùng tôm, tôm con bị tiêu diệt; phá hủy hệ sinh thái và ảnh hưởng đến môi trường biển, đồng thời còn gây ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của tàu thuyền, gây bức xúc trong nhân dân.

Lưới săm- hình thức khai thác tận diệt 

Trước thực trạng trên, để quyết liệt lập lại trật tự, tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn việc sử dụng lưới săm, TP Móng Cái đã thành lập đoàn công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, tuyến lộng thuộc phạm vi thành phố quản lý cùng chính quyền các xã, phường kiểm tra, xử lý, tháo dỡ. Từ tháng 5 tới nay, trên địa bàn thành phố đã xử lý cắt dây hạ lưới và chặt toàn bộ cọc tre, đăng đáy của 42 hộ (mỗi hộ đăng đáy dài từ 1000 - 1500m), đạt kết quả 80,8%. Cụ thể: xã Hải Tiến đã xử lý 16/16 hộ làm nghề đăng đáy; xã Hải Đông xử lý 14/14 hộ ; phường Hải Yên xử lý 4/4 hộ; xã Vạn Ninh xử lý 02/02 hộ; xã Vĩnh Trung xử lý 08/08 hộ. Đến nay còn lại 3 xã, phường có 10 hộ làm nghề đăng đáy, địa phương chưa tổ chức đi cưỡng chế, giải tỏa đó là: xã Quảng Nghĩa 02 hộ, xã Hải Xuân 02 hộ, phường Hải Hòa 06 hộ.

Cùng với chính quyền thành phố và các địa phương, các lực lượng chức năng như Công an TP Móng Cái, Biên phòng tuyến biển Trà Cổ, Vạn Gia cũng đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý tình trạng ngư dân sử dụng các hình thức khai thác tận diệt để khai thác thủy sản, qua đó, vừa tạo tính răn đe, giáo dục, vừa góp phần tuyên truyền, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của ngư dân.

TP Móng Cái đã tháo dỡ trên 80% lưới của các hộ làm nghề đăng đáy

Ông Nguyễn Danh Đức- Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Móng Cái cũng cho biết thêm là thời gian tới, chính quyền các địa phương đã xử lý dứt điểm nghề đăng đáy tiếp tục duy trì công tác kiểm tra, kiểm soát không để tái phát, đồng thời thu hồi toàn bộ lưới săm, không đế trôi nổi trên biến để đảm bảo môi trường và an toàn cho tàu thuyền qua lại…

Nằm ở phía Đông Bắc Tổ quốc, Móng Cái có chiều dài bờ biển 50km, có vùng biển rộng và diện tích bãi triều lớn với tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản gần 2.000ha. Đây là những tiềm năng thuận lợi cho việc phát triển đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ, hải sản mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố. Thế nhưng, để nguồn lợi này được phát huy, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền và toàn dân, thiết nghĩ ngư dân cần chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước và pháp luật về hoạt động khai thác thuỷ sản, đừng vì hám lời trước mắt mà dẫn đến hệ lụy đáng tiếc. Về lâu dài, thành phố cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó triệt để áp dụng các chế tài xử lý, có như vậy mới trả lại sự yên bình và duy trì bền vững  môi trường sinh thái biển.

Thu Hằng
Trung tâm TT&VH
Loading...