Quyết tâm ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản tận diệt

19/10/2018 09:48
Là tỉnh có lợi thế về phát triển thủy, hải sản với đường bờ biển dài, những năm qua, Quảng Ninh luôn xác định thủy sản là ngành kinh tế quan trọng góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn tình trạng đánh bắt tận diệt, ngày 1-9-2017, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đến nay sau một năm thực hiện, bước đầu thu được những kết quả tích cực, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về đánh bắt thủy sản.

 

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh thu giữ lồng bát quái đánh bắt thủy sản trái phép

Những kết quả bước đầu

Vùng biển Quảng Ninh rộng trên 2.600 hải lý vuông có nhiều đảo, bến bãi, vũng, vịnh, luồng lạch, phương tiện tàu thuyền ra vào thuận tiện, nhờ đó mà hoạt động khai thác thủy hải sản được phát triển. Hiện nay toàn tỉnh có 8.413 tàu với khoảng 33.000 lao động đang hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó có 599 tàu khai thác xa bờ, chiếm 7,1%; 1.981 tàu khai thác vùng lộng, chiếm 23,5%; 5.833 tàu thường xuyên hoạt động ven bờ, chiếm 69,3% tổng số tàu. Nhiều năm qua, sản lượng khai thác thủy sản vẫn không ngừng tăng lên, tuy nhiên sự phân tán tàu thuyền, thêm vào đó ngư dân thường xuyên lén lút sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ, nghề cấm để khai thác thủy sản theo hình thức tận diệt đã gây sức ép lớn cho nguồn lợi thủy sản và môi trường tại vùng biển. Những hoạt động này khiến cho nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm và gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Trước thực trạng khai thác thủy sản tận diệt ngày càng tăng, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về việc “Tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc hại và các nghề khai thác thủy sản bị cấm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Ngay khi có chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND các địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể. Đến nay đã có 110 văn bản các loại của các sở, ngành, địa phương có nội dung chỉ đạo tăng cường thực hiện Chỉ thị số 18. Tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, các đồn biên phòng tuyến biển của tỉnh phối hợp với các địa phương vùng biển tăng cường lực lượng, tổ chức phương tiện kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với tàu có hành vi vi phạm trong việc khai thác hải sản ven bờ theo kiểu tận diệt trên vùng biển Quảng Ninh.

Toàn tỉnh hiện có 8.413 tàu với khoảng 33.000 lao động đang hoạt động khai thác thủy sản

Hoạt động tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng và các địa phương được tăng cường, tăng số chuyến/lượt tuần tra. Riêng lực lượng chuyên ngành thủy sản tổ chức bám biển 24 giờ/ngày, tăng cường hoạt động vào ban đêm, các ngày nghỉ. Nhằm kịp thời tiếp nhận tin báo về các hành vi vi phạm trong khai thác hải sản, đặc biệt là việc khai thác bằng phương pháp giã cào, xung điện tận diệt hải sản ven bờ, Sở NN&PTNT đã lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh từ các địa phương, ngư dân. Đến nay đường dây nóng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên toàn tỉnh đã nhận được gần 200 tin báo, thông qua các tin báo, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý nhiều trường hợp sử dụng nghề cấm trong khai thác thủy sản, kịp thời ngăn chặn nhiều trường hợp có biểu hiện sử dụng nghề cấm để khai thác.

Lực lượng chức năng vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý tình trạng khai thác tận diệt thủy sản

Sau 01 năm thực hiện Chỉ thị số 18 đến nay, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện 2.586 vụ vi phạm công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thu phạt nộp ngân sách nhà nước 9,5 tỷ đồng, tịch thu 415 kích điện, 55 súng điện, 6.195m dây điện, 55 bình ắc quy, 213 máy nén khí, 18.405m ống dẫn khí, 6.211 lồng bát quái, 385 cào kim loại, tiêu hủy 8 phương tiện… Như vậy so với năm 2016, thời gian trước khi có thực hiện Chỉ thị 18 cho thấy, kết quả xử lý vi phạm toàn tỉnh đã tăng gấp 2,9 lần, số tiền xử phạt nộp ngân sách nhà nước gấp 4,6 lần. Nhờ đó, tình trạng sử dụng các ngư cụ cấm, ngư cụ khai thác mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản đã từng bước được kiểm soát, không còn phổ biến, tràn lan như trước.

Đảm bảo đời sống người dân

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Quảng Ninh cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện đời sống cho ngư dân, xây dựng phương án chuyển đổi nghề đối với các tàu thuyền công suất nhỏ hoạt động ven bờ phù hợp với thực tiễn. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT, bên cạnh việc tăng cường lực lượng kiểm tra các vùng cấm khai thác, nhất là khai thác tận diệt để xử lý nghiêm các hành vi đã bị cấm nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở cũng chỉ đạo rà soát tất cả các hộ ngư dân để tùy từng điều kiện cụ thể có phương hướng chuyển đổi nghề phù hợp. Nếu không chuyển đổi nghề sẽ hướng dẫn và tạo điều kiện cho ngư dân chuyển đổi ngư cụ đánh bắt, làm sao để đảm bảo đời sống cho bà con ngư dân.

So với năm 2016, thời gian trước khi có thực hiện Chỉ thị 18 cho thấy, kết quả xử lý vi phạm toàn tỉnh đã tăng gấp 2,9 lần

Để chuyển đổi nghề cho ngư dân sang nuôi trồng thủy sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành rà soát nhu cầu thực tế của ngư dân, tổ chức đào tạo nghề cho công nhân tại các khu công nghiệp lân cận, đào tạo nghề cho những ngư dân muốn chuyển hẳn sang nghề khác. Đối với những ngư dân vẫn muốn bám biển, ngoài vận động ngư dân quay về nghề lưới truyền thống sẽ động viên ngư dân thiếu vốn tham gia tổ hợp tác để cùng góp vốn đóng tàu tiếp tục vươn khơi xa đánh bắt.

Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền hiệu quả, nhận thức của ngư dân được nâng lên và tự động giao nộp các ngư cụ khai thác mang tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản

Nhằm hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh phê duyệt và ban hành chính sách nâng cấp tàu và chuyển đổi nghề được ban hành tại Nghị quyết số 121/2018/NQ-HĐND ngày 13-7-2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 232/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020. Cụ thể bổ sung đối tượng hỗ trợ lãi suất các cá nhân và hộ gia đình có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, là chủ phương tiện hoạt động thủy sản có công suất dưới 90CV thuộc danh mục rà soát của các địa phương và sở chuyên ngành. Đồng thời bổ sung lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, gồm: Đầu tư cơ sở vật chất, vốn lưu động để chuyển đổi nghề (không phải nghề khai thác thủy sản), thực hiện phương án nuôi trồng, chế biến thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, các loại hình dịch vụ… và các nghề khác được phép hoạt động.

Đây là những tín hiệu vui để mỗi người dân, nhất là ngư dân có thể nhận thức rõ tác dụng của việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, dừng việc đánh bắt tận diệt, hủy diệt để giữ gìn nguồn lợi thủy sản dồi dào của vùng biển Quảng Ninh, cũng là thực hiện bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên - chủ đề công tác năm 2018 của tỉnh Quảng Ninh./.

quangninh.gov.vn
Loading...