"Săn lộc biển" ở Trà Cổ

06/10/2020 08:36
Từ bao đời nay, cứ vào tháng 6 đến tháng 10 âm lịch, “ngóng” thời tiết thuận lợi, người dân Trà Cổ (TP Móng Cái) lại đổ xô ra bãi biển để xúc tép. Mùa tép, chính là mùa “săn lộc biển” của hàng trăm ngư dân nơi đây.

Xúc con tép đông

Từ tháng 6 đến giữa tháng 9 âm lịch là mùa xúc tép của người dân Trà Cổ (TP. Móng Cái)
Từ tháng 6 đến giữa tháng 10 âm lịch là mùa xúc tép của người dân Trà Cổ (TP. Móng Cái)

Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng ông Bùi Xuân Lộc, một tay xúc tép lão luyện tại khu Tràng Lộ, phường Trà Cổ, vẫn bố trí cho chúng tôi theo ông ra bãi biển trải nghiệm với nghề xúc tép mà ông đã gắn bó từ khi còn thơ ấu.

Rất nhiều chiếc te xúc tép được người dân để lại trên bãi biển sau những buổi xúc tép.
Rất nhiều chiếc te xúc tép được người dân để lại trên bãi biển sau những buổi xúc tép.

Tờ mờ sáng, khi mặt trời còn chưa ló rạng, sau khi đã đi thám thính từ bãi biển trở về, ăn vội bát cháo khoai, ông Lộc vơ một túi nhỏ bên trong đựng sẵn một mảnh lưới, vội vã kéo chúng tôi ra cồn Mang. Theo ông Lộc ngay lúc đó, tại khu vực cồn Mang, ông đã “ngửi” thấy mùi đàn tép và đàn tép xuất hiện trong tiết trời có gió và sóng lớn là khá hiếm, do đó có xúc được tép hay không thì phải nhanh chân ra biển.

Ông Lộc nhanh chóng tra lưới vào te
Ông Lộc nhanh chóng tra lưới vào te

Vừa đặt chân đến bãi biển, giữa hàng chục chiếc te (2 càng, hình chữ Y, làm bằng tre, gỗ, gắn lưới) - dụng cụ chính của người đi xúc tép, ông Lộc nhanh chóng lấy ra chiếc te của mình, rồi khẩn trương lôi lưới trong bao dứa ra, tra lưới vào 2 chiếc càng te một cách khéo léo.

Tra xong lưới vào te, thoăn thoắt bước chân xuống mép nước, chỉ tay ra phía biển, cách chỗ chúng tôi đứng khoảng chừng hai chục mét, ông Lộc nói với chúng tôi, ở đó đang có một đàn tép nổi mà qua kinh nghiệm cũng như con mắt tinh tường của mình, ông thấy một đàn tép màu hồng nhạt, ước chừng hàng trăm cân.

Để xúc tép, người xúc tép phải có nhiều kinh nghiệm, xúc ngược với hướng đàn tép bơi.
Để xúc tép, người xúc tép phải có nhiều kinh nghiệm, xúc ngược với hướng đàn tép bơi.

Không rời mắt quan sát đàn tép, ông Lộc lựa bước chân rồi đặt te, hướng mũi te về phía chúng rồi từ từ bước từng bước nhẹ, lách qua những làn nước, con sóng ì oạp xô bờ. Ông Lộc bảo với chúng tôi, người Trà Cổ rất nhiều kinh nghiệm “săn lộc biển”. Khi nào xúc tép ngược và khi nào thì chỉ việc đứng mà hứng tép vào te. Như hôm nay chẳng hạn, gió đông, sóng khá, phải nhẹ nhàng đón hướng ngược với hướng bơi của đàn tép, tránh không để tép cuộn mất hay nhảy khỏi gọng te.

Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng
Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng ông Lộc cũng xúc được hơn chục kg tép.

Quả đúng vậy, bước chân nhẹ nhàng theo mép nước, sau khoảng 15-20 phút, ông Lộc ra hiệu cho chúng tôi rằng tép đã vào te. Những con tép nhỏ, lách tách nhảy trên mặt nước, lấp lánh trong ánh hừng đông. Với những thao tác nhanh gọn, nách cắp vào cán te, nhấc nổi 2 càng te lên khỏi mặt nước, ông Lộc dùng 2 tay rũ nhè nhẹ mành lưới để cho đàn tép chui dần vào túi lưới kéo dài phía sau càng te. Sau những thao tác của người thạo nghề, túi lưới đã quận vào vài kg tép màu hồng nhạt. Theo hướng dẫn của ông Lộc, tôi nhanh chóng hứng chiếc rổ nhựa vào miệng túi. Nút túi mở, cơ man nào là tép tràn chiếc rổ nhựa. Trong khi chúng tôi vô cùng háo hức, thích thú với mẻ tép đầu tay thì ông Lộc nói rằng: Như mẻ này chỉ được gọi là có tép, chứ không nhiều. Thời tiết như hôm nay xúc được tép đã là may mắn rồi. Vào những hôm trời yên biển lặng, khi xuất hiện những đàn tép nổi, một người đi xúc tép chí ít cũng phải có 2 người mang quang gánh đi theo phục vụ. Một buổi xúc tép, có người xúc được vài tạ tép là chuyện bình thường.

Vào ngày thời tiết thuận lợi có thể xúc được vài chục đến vài trăm kg tép.
Vào ngày thời tiết thuận lợi có thể xúc được vài chục đến vài trăm kg tép.

Cần mẫn, nhẹ nhàng đẩy chiếc te theo hướng dẫn của ông Lộc, sau khoảng 2 giờ đồng hồ, khi ánh nắng đã trở nên gay gắt, chúng tôi bắt đầu thu lưới, gác te. “Chiến lợi phẩm” chúng tôi thu về ước chừng hơn chục kg tép. Theo ông Lộc, với điều kiện thời tiết không thuận lợi như hôm nay thì như vậy cũng đã là thành công.

Tép xúc về nhanh chóng được rửa sạch, ướp với muối trắng theo tỷ lệ 5kg tép/kg muối. Từ lâu, Trà Cổ đã nổi tiếng với các sản phẩm từ tép, như tép khô, tép muối, mắm tép…

Tép tươi được rửa sạch rồi ngâm mắm.
Tép tươi được rửa sạch rồi ngâm mắm.

Để minh chứng cho sự đa dạng những sản phẩm từ tép, ông Lộc mở cho chúng tôi xem trong gian bếp nhà mình hàng tạ tép khô, hàng trăm lọ tép muối và những chum to đến vài trăm lít đang được ủ mắm tép, quện lên mùi thơm ngậy.

Mùa “săn lộc biển”

Kiểm tra tép sau khi đã phơi khô.
Kiểm tra tép sau khi đã phơi khô.

Sau khi tép đã sơ chế xong, chúng tôi được gia đình ông Lộc cùng một số lão ngư phường Trà Cổ thết đãi bữa cơm trưa với món “canh cá thuyền chài” và các món ăn từ tép: Tép chưng thịt, mắm tép, tép rang, canh tép…

Trong bữa cơm, câu chuyện của chúng tôi xoay quanh nghề xúc tép của người dân Trà Cổ. Ông Lộc cho biết, gia đình ông đã mấy đời sinh ra và lớn lên tại Trà Cổ, gắn bó với mảnh đất quê hương. Từ thuở thơ ấu, ông đã theo bố đi xúc tép dọc bãi biển Trà Cổ. Từ xa xưa, Trà Cổ vẫn được người dân gọi với cái tên thân thuộc là Đảo Rồng. Người dân ở đây gắn bó với biển để mưu sinh, sinh cơ lập nghiệp “lọc nước để nuôi nhau”. Người dân Trà Cổ ngày xưa, cả đời sống bằng nghề xúc tép. Trước đây, tại Trà Cổ có nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải, nhưng không vải dệt may quần áo, mà để làm lưới xúc tép. Nhiều người đi làm ăn nơi xa, cứ đến tháng 6 âm lịch lại trở về quê hương để “săn lộc biển”.

Sản phẩm tép khô của gia đình ông Lộc.
Sản phẩm tép khô của gia đình ông Lộc.

Ông Trần Quốc Ngữ (62 tuổi, khu Nam Thọ, phường Trà Cổ), người đã gắn bó cả đời với nghề xúc tép, cho biết: Nghề xúc tép gắn bó với người dân Trà Cổ, vì vậy mà hầu như ai cũng tường tận công việc "săn lộc biển”. Kinh nghiệm đã được người dân đúc kết từ bao đời nay: “Đêm tây trong rạng ngời bức thấp/Trưa vào nồm, tối lại vào nam”; thấy biển lặng đến mức “buông đĩa không chìm” (để đĩa trên mặt nước biển không chìm), là khi tép nổi thành đàn, đỏ rực cả một dải bờ biển...

Mắm tép Trà Cổ nổi tiếng thơm ngon.
Mắm tép Trà Cổ nổi tiếng thơm ngon.

Những ngày trời yên biển lặng, đàn tép nổi, vào bờ, nhiều khi vào đến trong mép sóng, người dân Trà Cổ xưa đổ xô ra bãi, xuống te, xúc tép. Người xúc giỏi thì dùng cà kheo đi ra khoảng 2-3m nước. Có lúc con tép đi hướng đông, có khi con tép đi hướng tây, người xúc tép phải có kinh nghiệm để hứng con tép, đi ngược chiều đàn tép bơi thì tép mới vào te. Có những mẻ xúc được vài gánh tép. Nhiều khi, gặp đàn tép lớn, người gánh tép dùng ngay chiếc đòn gánh gạt qua mặt bãi cát rồi phơi tép ngay tại bãi biển. Khi tép khô, lại dùng sàng để sàng hết cát dính ở tép rồi thu về. Những buổi chiều tà, hoặc trời mưa, tép xúc được mang về nhà rửa sạch, làm mắm theo tiêu chuẩn 5kg tép, 1kg muối, bán đi khắp nơi. Hiện giá bán trung bình khoảng 150.000 đồng/kg tép khô; 20.000-25.000 đồng/kg tép tươi. Vào mùa xúc tép, một người có thể thu nhập vài triệu đồng/ngày.

Bãi biển Trà Cổ dài hơn 17 km là nơi người dân
Bãi biển Trà Cổ dài hơn 17km là nơi người dân "Săn lộc biển".

Theo người cao tuổi ở đây kể lại, từ xa xưa, người dân Trà Cổ cả đời sống với nghề xúc tép. Trước kia, kể cả khi tép nổi thành đàn lớn, người xúc tép vẫn tuân thủ theo quy định của hợp tác xã khi đó là phải xúc tép theo giờ, trong một khoảng thời gian nhất định. Còn hiện nay, dọc bãi biển Trà Cổ vào mùa tép, chỉ còn khoảng 100 người gắn bó với nghề “săn lộc biển”, nhưng “mạnh ai nấy làm”, cộng với tình trạng những năm gần đây trên bãi biển Trà Cổ xuất hiện nhiều tàu khai thác thủy sản bằng xung điện, khiến cho nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, nhất là đối với con tép, nên nghề xúc tép đã ít nhiều bị mai một. Nhiều người dân không còn mặn mà với nghề này.

Hữu Việt
Loading...