Nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, Thành phố Móng Cái có 03 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 14 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số có 1.617 hộ, tương đương 5.706 nhân khẩu, chiếm 5,3% dân số toàn Thành phố; cư trú chủ yếu tại 03 xã: Hải Sơn, Bắc Sơn, Quảng Nghĩa, số còn lại sinh sống xen kẽ cùng cộng đồng dân cư ở các xã, phường trên địa bàn Thành phố.
Thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Móng Cái lần thứ II năm 2019, trong 5 năm qua, các Cấp ủy Đảng, Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ, nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về công tác dân tộc. Tập trung mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới, đề án 196; chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn và phát triển sản xuất; Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giáo dục, văn hóa,…
Từ việc được thụ hưởng các chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP Móng Cái đã kịp thời nắm bắt cơ hội, nỗ lực vươn lên, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Ngày càng chú trọng đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi theo hướng hàng hóa với quy mô tập trung. Qua đó đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố theo từng năm đã có bước tiến đáng mừng; bộ mặt nông thôn, miền núi của Thành phố đã “thay da, đổi thịt”. Tư duy, nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có chuyển biến tích cực và ngày càng nâng cao.
Gia đình ông Nịnh Văn Dìn, thôn Thán Phún, xã Hải Sơn trước đây chỉ nuôi vài con gà để phục vụ cho bữa ăn gia đình, chưa dám nghĩ đến nuôi gà quy mô lớn. Tuy nhiên với sự tuyên truyền của lãnh đạo, cán bộ địa phương, năm 2023 ông đã quyết định đầu tư mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên. Do ít vốn, ban đầu ông chỉ mua 70 con gà về nuôi, sau được hỗ trợ vay vốn từ Hội Nông dân xã Hải Sơn, ông đã mạnh dạn đầu tư khoảng 300 con gà, 2.000 con cá giống. Đến nay mô hình hoạt động hiệu quả, thu nhập bình quân mỗi đợt gà bán khoảng 50 triệu đồng. Mô hình này đang mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để nâng cao đời sống cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Thành phố luôn quan tâm dành nhiều nguồn lực hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, sản xuất để từng bước nâng cao đời sống. Một trong những giải pháp hiệu quả hỗ trợ, giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có “điểm tựa” giảm nghèo, chủ động làm kinh tế là từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách của Thành phố. Chính từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách lan tỏa khắp mọi vùng miền của Thành phố, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo đã từng bước thay đổi tư duy về cách thức làm ăn, phát triển kinh tế, mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất.
Điểm nổi bật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đó là trước đây người dân chỉ độc canh cây lúa thì nay họ đã thay đổi tập quán sản xuất phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa. Trên địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xuất hiện các mô hình kinh tế mới và xây dựng thành công sản phẩm OCOP, góp phần tạo nên công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Năm 2010, qua tìm hiểu nhu cầu thị trường, thấy giá cao, cây trồng lại phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng cao Thán Phún, anh Nịnh A Dẩu quyết định đưa cây trà hoa vàng thành hàng hóa. Ban đầu chỉ có vài cây trồng phục vụ cho nhu cầu gia đình, anh đã đi tìm mua thêm cây về trồng. Trên mảnh đất vườn xung quanh nhà, anh Dẩu đầu tư trồng 600 cây trà hoa vàng. Không quản công chăm bón, học hỏi, áp dụng kỹ thuật cấy ghép, xử lý hoa, 14 năm nay, mỗi năm gia đình anh Dẩu thu hoạch được khoảng 80kg trà thành phẩm. Theo giá thị trường hiện tại, anh thu về khoảng 70-80 triệu đồng. Gương anh Dẩu trồng trà hoa vàng đem bán lan khắp vùng, truyền quyết tâm, ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bà con Sán Chỉ trong vùng.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thu hẹp khoảng cách vùng miền, trong những năm qua, TP Móng Cái đã tập trung thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Triển khai Nghị quyết 06, Móng Cái xác định việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ là động lực cho phát triển kinh tế xã hội, trong giai đoạn 2019 - 2024, Thành phố đã ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (như đường giao thông, kênh mương thủy lợi, trạm y tế, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, trường học, chợ, hệ thống cấp thoát nước ......), với tổng kinh phí đầu tư là 977.526 triệu đồng, phân bổ cho 94 dự án/công trình, qua đó hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được hoàn thiện, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong đó, từ 2021 đến hết năm 2023 Thành phố đã hoàn thành các danh mục đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động một số dự án, công trình động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển từ khu vực đô thị đến các xã miền núi, biên giới, kết nối các cửa khẩu nhằm phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thu hút đầu tư trên địa bàn các xã, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được TP Móng Cái quan tâm, những năm qua, Thành phố đã huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây mới các nhà văn hóa thôn, trung tâm văn hóa xã. Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện thiết chế văn hóa, nhân dân đã biết khai thác lợi ích từ các thiết chế văn hóa, thường xuyên sử dụng nhà văn hóa thôn để tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, giao lưu văn hóa văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm đẩy mạnh, đến nay, 100% các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được công nhận danh hiệu “thôn văn hóa”, tỷ lệ gia đình văn hóa tăng hàng năm, năm 2019 đạt 83%, đến năm 2023 đạt 90%; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được quan tâm đẩy mạnh.
Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số được Thành phố chú trọng quan tâm, trong giai đoạn 2019 - 2024, đã triển khai kiểm kê, lưu giữ hồ sơ đối với gần 20 di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán... của các dân tộc thiểu số. Năm 2023, Thành phố đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn giúp tăng thêm sinh kế, góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng kinh tế dịch vụ, du lịch trong cơ cấu kinh tế của thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, Thành phố đã triển khai hoàn thành phủ lõm sóng di động trên địa bàn 02 xã Hải Sơn, Bắc Sơn theo chỉ đạo của Tỉnh về việc đưa vào phát sóng 02/02 Trạm BTS tại thôn Thán Phún Xã, xã Hải Sơn và thôn Phình Hồ, xã Bắc Sơn. Đến nay, trên địa bàn Thành phố nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng không còn khu vực dân cư lõm sóng di động.
Thành phố luôn quan tâm, đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tập trung đầu tư xây dựng trường học đạt kiên cố hóa, chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục của các cấp học luôn được duy trì và nâng cao; chế độ chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai thực hiện kịp thời, đảm bảo theo quy định; 100% học sinh mầm non, tiểu học người DTTS đến trường được tăng cường tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ của trẻ. Chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước tiến bộ vượt bậc, một số trường thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa liên tục có học sinh tham dự các kỳ thi học sinh giỏi cấp Tỉnh, Thành phố, năm 2024 Trường TH&THCS Hải Sơn có 02 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp Tỉnh, trường TH&THCS Bắc Sơn có 02 học sinh dự thi Khoa học kỹ thuật cấp Tỉnh và đạt giải Nhất.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm chú trọng, chỉ đạo tập trung xây dựng mạng lưới y tế từ Thành phố đến cơ sở, đến nay 100% các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; chất lượng y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao. Từ năm 2019 đến nay đã tổ chức và phối hợp với các cơ sở Y tế tuyến Tỉnh tổ chức khám chữa bệnh lưu động miễn phí và tặng quà cho trên 5000 lượt người dân tộc thiểu số tại các xã vùng dân tộc và miền núi với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng.
Với việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội - văn hoá - giáo dục, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi TP Móng Cái ngày càng được nâng lên. Trong 5 năm qua, số hộ nghèo, cận nghèo của Thành phố nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng đã giảm mạnh, đầu năm 2019 toàn Thành phố có 11 hộ nghèo thuộc dân tộc thiểu số, số hộ cận nghèo dân tộc thiểu số là 28 hộ; qua rà soát đến cuối năm 2023 Thành phố không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số có 5 hộ. Đến nay, 03/03 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới; 02/03 xã đạt xã NTM nâng cao (gồm Quảng Nghĩa, Bắc Sơn); 01/03 xã đạt xã NTM kiểu mẫu (xã Bắc Sơn). Khối đại đoàn kết của các dân tộc ngày càng thắt chặt, vững niềm tin theo Đảng quang vinh, ra sức thi đua xây dựng quê hương này càng phát triển.
Công tác quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được duy trì ổn định và đảm bảo; thế trận quốc phòng toàn dân và công tác xây dựng khu vực phòng thủ tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác phối hợp và dự báo nắm tình hình an ninh chính trị biên giới, nội địa, công tác quản lý biên giới được các lực lương chức năng thực hiện tốt; đường biên mốc giới quốc gia được giữ vững, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Về thăm những bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi TP Móng Cái hôm nay, dễ dàng nhận thấy sự đổi thay trên từng nóc nhà, trên từng thôn, bản. Cuộc sống mới no ấm và văn minh đã và đang hiện hữu trên các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Móng Cái.
Những thành tựu sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Móng Cái lần thứ II năm 2019, là cơ sở để TP Móng Cái tự tin đề ra những chỉ tiêu đột phá trong công tác dân tộc giai đoạn 2024-2029. Khó khăn, thách thức vẫn còn rất nhiều nhưng với sự quan tâm, dành nhiều nguồn lực của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn Thành phố; cùng sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, sẽ tiếp tục tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; củng cố niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi TP Móng Cái vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng nhau đoàn kết thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương Móng Cái ngày càng phát triển nhanh, bền vững.
Với sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo kịp thời, hành động quyết liệt của cấp ủy, chính quyền Thành phố; cùng với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc sát thực tế, đã tạo nên sức bật mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Thành phố; người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số dần thay đổi tư duy, cách làm, không còn trông chờ, ỷ lại, mà cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Đây là cơ sở để Thành phố Móng Cái tích cực huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo bước chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, nông thôn theo yêu cầu sản xuất hàng hoá. Cùng với đó là củng cố hệ thống chính trị cơ sở, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo, sự chênh lệch giữa các vùng miền; củng cố niềm tin và xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đưa kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP Móng Cái ngày càng phát triển, Qua đó, góp phần thực hiện thành công khâu đột phá về phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Móng Cái gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu, nghèo và chênh lệch vùng miền trên địa bàn Thành phố mà Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ TP Móng Cái về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 đã đề ra.