Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở Quảng Ninh: Những bước đi vững chắc và hiệu quả

28/11/2018 09:07
Sau 5 năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các cấp, ngành chức năng và các địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực thực hiện và đạt kết quả quan trọng. Góp phần đổi thay nhận thức của người dân trong phát triển sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả... Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 

Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh.

Với mục tiêu chuyển dịch kinh tế nông nghiệp của tỉnh sang sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, bền vững và có khả năng cạnh tranh cao, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân, đồng thời làm thay đổi tích cực diện mạo nông thôn của tỉnh gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và cụ thể hóa “Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngay sau khi Đề án được UBND tỉnh phê duyệt, các sở, ngành cùng chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu trong phạm vi quản lý, nội dung thực hiện sát với nhu cầu của từng địa phương.  Nhờ vậy đến nay, các nội dung Đề án đều được các địa phương triển khai một cách chủ động, mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Từng bước khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, chuyển nền nông nghiệp quảng canh, tự cung tự cấp sang thâm canh và sản xuất hàng hóa.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt đến 14 quy hoạch chiến lược của ngành Nông nghiệp để phát triển sản xuất và thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cao gấp 6 lần so với thời kỳ trước đó. Những quy hoạch này đã trở thành công cụ quan trọng để triển khai các chiến lược phát triển ngắn hạn, dài hạn của ngành, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc đầu tư các mô hình sản xuất, kiểm soát được việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất.

Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, bằng với chỉ tiêu tính đến năm 2020, trong đó 16 vùng có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ tính trong năm 2017, các vùng sản xuất tập trung đã mở rộng được thêm gần 3.900ha diện tích, đạt tổng sản lượng trên 33.500 tấn. Đây được coi là cú hích cho nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo tiền đề để nông sản Quảng Ninh có thương hiệu, có cơ hội xuất khẩu, nâng cao giá trị.

Đáng chú ý, chương trình OCOP đã thực sự trở thành chương trình phát triển kinh tế hiệu quả và đang được nhân rộng trong cả nước. Thông qua OCOP, hàng loạt các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh đã được tiếp sức để trở thành nông sản chủ lực, tăng mạnh về giá trị, thương hiệu, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết tới.

Để hiện thực hóa chiến lược phát triển, giai đoạn 2013-2018, toàn tỉnh cũng tập trung nguồn lực củng cố kết cấu hạ tầng vùng nông nghiệp nông thôn nói chung; tinh giản, gọn nhẹ bộ máy và nâng cao trình độ quản lý của ngành nông nghiệp; khuyến khích các mô hình sản xuất tập trung; thu hút nguồn lực của doanh nghiệp cũng như tăng hàm lượng khoa học ứng dụng vào nông nghiệp...

Thực tế trong 5 năm, toàn tỉnh đã huy động đến gần 2.600 tỷ đồng từ ngồn vốn ngân sách nhà nước và trên 7.500 tỷ đồng từ các nguồn vốn huy động xã hội hóa (cả người dân và doanh nghiệp) để đầu tư, kiên cố hóa đường giao thông, thủy lợi, hệ thống cấp điện, nước, chợ nông thôn...; đào tạo, nâng cao trình độ cho 188 lượt cán bộ, bồi dưỡng 1.536 lượt cán bộ... Sở NN&PTNT đã chuyển 26 trạm thú y, bảo vệ thực vật về UBND cấp huyện; giảm 2 chi cục, 2 phòng chuyên môn; thực hiện tự chủ về kinh phí hoạt động 6 đơn vị sự nghiệp công lập... Thu hút 32 dự án lớn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn với tổng số vốn đăng ký đầu tư 5.167 tỷ đồng, bình quân trên 161 tỷ đồng/dự án...

Mô hình trồng hoa lan Hoành Bồ luôn cho giá trị kinh tế cao.

Trong 5 năm qua, cơ cấu nội ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch rất rõ nét, cơ cấu GRDP toàn ngành chiếm 6,3%, giá trị tăng thêm bình quân tăng trên 3,5%/năm; tăng trưởng về giá trị sản xuất của ngành tăng bình quân 10,2%; đã tăng tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản (từ 45,5% lên 52,8%), tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt, lâm nghiệp. Giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác tăng từ 81,7 triệu đồng/ha lên 121,9 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 16 triệu đồng lên 35 triệu đồng.

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, đã tăng diện tích trồng các loại cây có giá trị, ưu tiên phát triển lúa chất lượng cao, phát triển các nhóm cây trồng chủ lực và phát triển theo vùng sinh thái, thay thế giống cây trồng truyền thống. Kết quả, so với năm 2013 giá trị sản xuất toàn lĩnh vực tăng từ 2.708,6 tỷ đồng lên 3.055 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1ha tăng từ 67,47 triệu đồng/ha lên 73,2 triệu đồng/ha.

Trong chăn nuôi, tái cơ cấu vật nuôi được xác định rõ thứ tự ưu tiên là lợn, gà, bò thịt, bò sữa. Mô hình chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi. Kết quả, sau 5 năm thực hiện, đến nay giá trị sản xuất tăng từ 3.986 tỷ đồng lên 4.214 tỷ đồng, tỷ trọng ngành Chăn nuôi chiếm 56% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Ở lĩnh vực lâm nghiệp, trong 5 năm, giá trị sản xuất tăng từ 770,1 tỷ đồng lên 860,5 tỷ đồng. Kết quả này có được nhờ chế biến nhựa thông tăng từ 14.000 tấn lên 21.681 tấn; chế biến gỗ tăng từ 6,5 nghìn m3 gỗ lên 14,6m3 gỗ; sản lượng dăm gỗ xuất khẩu tăng từ 281.000 tấn lên 378.312 tấn... Tái cơ cấu cũng góp phần chuyển dịch từng bước kinh doanh gỗ nhỏ sang trồng rừng kinh doanh gỗ lớn; phát triển rừng trồng sản xuất chủ yếu theo hướng thâm canh, coi trọng năng suất và chất lượng.

Cơ cấu ngành Thủy sản chuyển dịch đúng hướng, từ quảng canh, quảng canh cải tiến sang bán thâm canh, thâm canh; khai thác xa bờ thay cho gần bờ, trở thành ngành kinh tế động lực của toàn ngành Nông nghiệp. Hiện giá trị sản xuất đạt 9.440 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm 2013, đóng góp 3,4% GRDP của tỉnh. Giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên 1ha tăng từ 114,08 triệu đồng/ha lên 222 triệu đồng/ha. Đội tàu khai thác xa bờ hiện đạt trên 600 chiếc, tăng hơn hai lần so với năm 2013. Trong hoạt động nuôi trồng, tập trung phát triển nuôi một số sản phẩm chủ lực như tôm, nhuyễn thể, cá biển, cá nước ngọt... Riêng với con tôm, diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh đạt 3.605ha, tăng 1.259ha, nhờ đó sản lượng đạt 11.558 tấn, tăng 3.470 tấn.

Thương hiệu gà Tiên Yên.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ hiệu quả hơn cho sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất giữa người dân với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp nhằm giải quyết hiệu quả từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời  gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Đồng chí Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quảng Ninh cũng rất cần sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ một số cơ chế, chính sách, đó là việc điều chỉnh chính sách trong đầu tư công theo hướng ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm; ưu tiên đầu tư khoa học - công nghệ đối với các ngành hàng chủ lực, đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch và nâng cao chất lượng nông sản; phát triển thị trường nông sản, bảo hiểm nông nghiệp, cho thực hiện thí điểm chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, tổ hợp tác, miễn thuế vượt hạn điền để các chủ trang trại, tổ hợp tác mạnh dạn mở rộng đầu tư, quy mô sản xuất lớn, đồng thời thí điểm một số chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất, hỗ trợ vốn vay.../.

quangninh.gov.vn
Loading...